Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh những dấu hiệu bất thường trong quản lý cũng như sử dụng nhân sự tại Bệnh viện đa khoa Đông Anh (Thành phố Hà Nội).
Những dấu hiệu bất thường trên của Bệnh viện đa khoa Đông Anh hé lộ sau cái chết thương tâm của bệnh nhi N.H.Tr (8 tháng tuổi trú tại huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội) nhập viện chỉ bị sốt và tiêu chảy.
Sự quản lý, công tác nhân sự yếu kém, có vấn đề của ban lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Đông Anh là nguyên nhân dẫn đến việc điều dưỡng của bệnh viện đã nhầm từ thuốc đã được chỉ định uống lại mang đi tiêm vào tĩnh mạch của cháu N.H.Tr.
Phía bệnh viện cũng xác nhận, tình trạng tiên lượng sức khỏe xấu của cháu Tr. là do điều dưỡng tiêm nhầm thuốc Kali Clorid 10%/5ml x 1ống, uống ½ ống/lần.
Sau hơn một tuần điều trị tích cực từ Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Nhi trung ương, cháu Tr. đã không qua khỏi (tối ngày 23/1).
Những bất thường ở Bệnh viện đa khoa Đông Anh vụ tiêm thuốc bệnh nhi thiệt mạng |
Sự ra đi một cách đột ngột và vô cùng đau xót của cháu bé 8 tháng tuổi đã khiến không ít người giật mình, ớn lạnh và vô cùng bức xúc trước cách điều hành công việc của lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Đông Anh.
Điều đáng nói là trách nhiệm của người đứng đầu bệnh viện là ông Chu Đình Năng – Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện đa khoa Đông Anh khi không kịp thời báo cáo ngay lên cơ quan quản lý để có hướng chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn kịp thời cứu cháu bé.
Cụ thể, theo xác nhận của lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, sự việc xảy ra từ đêm ngày 15/1/2018, nhưng đến cuối giờ chiều ngày 17/1/2018, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Đông Anh mới báo cáo Sở Y tế Hà Nội. Sau đó, Sở này mới báo cáo lên thành phố và các cấp liên quan khác.
Tức là sau 2 ngày lãnh đạo bệnh viện này mới báo cáo lên cơ quan quản lý trong khi đó, tình trạng cháu Tr. vô cùng nguy kịch.
Nhiều bác sĩ biết tin này đã rất bức xúc và lấy làm khó hiểu trước cung cách làm việc của bệnh viện. Bởi tình trạng cháu Tr. được báo cáo sớm, có thể bệnh viện Đông Anh đã nhận được hỗ trợ chuyên môn từ cấp trên. Qua đó, sức khỏe, tính mạng cháu Tr. có thể đã được cứu.
Chưa kể, qua đây cho thấy lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Đông Anh đã vi phạm Quy chế thường trực bệnh viện nghiêm trọng.
Trách nhiệm thuộc về người đứng đầu bệnh viện khi sự việc xảy ra đã không báo cáo cơ quan quản lý chuyên môn để có chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời.
Liên quan đến trách nhiệm trong việc tiêm nhầm thuốc tại Bệnh viện đa khoa Đông Anh khiến một cháu bé 8 tháng tuổi tử vong hiện chưa thấy những cá nhân liên quan chịu trách nhiệm. Ảnh: Vũ Phương. |
Câu hỏi mà dư luận có thể đặt ra là phải chăng lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Đông Anh có cố tình che giấu sự thật, che giấu thông tin nhằm mục đích gì hay để giải quyết “kín” theo cách có lợi cho mình, nhằm trốn tránh trách nhiệm?
Nhiều người không giấu nổi sự bức xúc cho rằng, trách nhiệm, lương tâm người đứng đầu bệnh viện này ở đâu? Thay vì đối diện sự thật báo cáo lên cấp trên để cứu người, lãnh đạo bệnh viện lại sợ trách nhiệm đã cố tình che giấu sự thật, đến khi sự việc vỡ lở mới báo cáo thì đã quá muộn.
Chưa hết, đáng chú ý, theo tài liệu phóng viên có được, trong danh sách bác sĩ và điều dưỡng trực hôm đó do lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Đông Anh phê duyệt không có tên bác sĩ và điều dưỡng trong ca cấp cứu và điều trị cho cháu N.H.Tr.
Đặc biệt, theo phản ánh, điều dưỡng Hoàng Thu Trang tiêm nhầm thuốc uống Kali Clorid cho cháu Tr. mới được đào tạo chuyên ngành nữ hộ sinh, nhưng lại thực hiện công việc của điều dưỡng....
Để làm rõ những bất thường, cách quản lý, điều hành tại Bệnh viện đa khoa Đông Anh, chiều 22/1, phóng viên đã thông tin, phản ánh với bà Trần Thị Nhị Hà – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.
Bà Trần Thị Nhị Hà đề nghị phóng viên gửi nội dung phản ánh và sẽ trả lời báo sớm nhất.
Tuy nhiên, đến nay đã nửa tháng trôi qua phóng viên vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía Sở Y tế Hà Nội, cụ thể là bà Trần Thị Nhị Hà - Phó Giám đốc phụ trách vụ việc này.
Bà Trần Thị Nhị Hà cho biết, một trong những nội dung phóng viên quan tâm các phòng chuyên môn của Sở chưa trả lời hết. Khi nào có câu trả lời sẽ thông tin.
Trước đó, luật sư bảo vệ gia đình cháu N.H.Tr mời tư vấn, bảo vệ quyền lợi miễn phí cho N.H.Tr cũng thông tin, ngay sau khi cháu bé mất, Công an huyện Đông Anh, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Anh và Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công An đã có mặt tại bệnh viện tiến hành công tác khám nghiệm tử thi, phục vụ điều tra.
Gia đình và luật sư sẽ bàn những phương án, thủ tục cần thiết để khởi kiện Bệnh viện đa khoa Đông Anh.
Còn trao đổi với phóng viên, đại điện Công an huyện Đông Anh cho biết, vẫn chưa có kết quả giám định pháp y.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Nguyễn Kiến Thiết (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng: “Gia đình cháu bé hoàn toàn có thể làm đơn yêu cầu các cơ quan chức năng khởi tố vụ án nếu có dấu hiệu tội phạm.
Hội phụ nữ, mặt trận tổ quốc địa phương… cũng hoàn toàn có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng khởi tố vụ án”.
Luật sư Nguyễn Kiến Thiết chỉ ra: “Cụ thể các dấu hiệu cấu thành tội phạm trong vụ việc này là có bị hại, có án mạng.
Nhưng phải xem xét hành vi đấy là do người thực hiện cố ý hay do lỗi nghề nghiệp, hay hành vi đó là do thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hay lợi dụng nghề nghiệp để xâm hại đến sức khỏe, tính mạng người khác.
Cơ quan công an sẽ xem xét và thấy có dấu hiệu tội phạm và có căn cứ có tội phạm sẽ tiến hành khởi tố vụ án”.
Luật sư Nguyễn Kiến Thiết nhấn mạnh: “Các bên có quyền lợi liên quan có thể gửi đơn đề nghị các cơ quan chức năng xem xét hành vi có dấu hiệu tội phạm và yêu cầu sớm tiến hành khởi tố vụ án để đảm bảo khách quan và đúng pháp luật.
Hơn nữa, trong trường hợp kết quả giám định pháp y chậm, phía cơ quan điều tra cần yêu cầu cơ quan giám định pháp y sớm có kết quả pháp y để đảm bảo đúng trình tự pháp luật. Tránh bỏ lọt tội phạm”.