Bác sỹ trực không có tên, sai quy trình chuyên môn, che giấu vụ việc
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin cháu bé N.H.Tr. đã qua đời sau hơn một tuần điều trị tích cực dù được các y bác sĩ tận tình cứu chữa.
Cái chết của cháu bé 8 tháng tuổi đã khiến không ít người giật mình, ớn lạnh và vô cùng bức xúc trước cách điều hành công việc của lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Đông Anh.
Cháu Tr. nhập viện trong tình trạng bệnh bình thường bị sốt và tiêu chảy, nhưng thay vì cứu người, điều dưỡng đã tiêm thuốc Kaliclorit vào tĩnh mạch, trong khi có chỉ định uống.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiên lượng sức khỏe xấu của cháu N.H.Tr. được phía Bệnh viện đa khoa Đông Anh (Hà Nội) xác nhận là do điều dưỡng Hoàng Thu Trang tiêm thuốc Kaliclorit vào tĩnh mạch, trong khi đó theo y lệnh được chỉ định thuốc Kaliclorit 10%/5ml x 1ống, uống ½ ống/lần.
Sau nhiều ngày điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn, tình hình bệnh tình cháu Tr. không tiến triển, có chiều hướng rất xấu.
Ngày 22/1, cháu Tr. đã chuyển tuyến từ Bệnh viện Xanh Pôn sang Bệnh viện Nhi Trung ương. Kết quả hội chẩn lần một của các chuyên gia cho thấy bé có dấu hiệu chết não.
Gia đình muốn xin cháu về nhà, các bác sĩ khuyên ở lại, để trường hợp xấu nhất xảy ra sẽ tiến hành làm thủ tục pháp y tìm nguyên nhân.
Bệnh viện đa khoa Đông Anh (Hà Nội) có nhiều dấu hiệu bất thường trong việc quản lý, sử dụng, bố trí nhân sự dẫn đến bệnh nhi 8 tháng tuổi bị tiêm nhầm thuốc uống dẫn đến mất mạng. Ảnh: Vũ Phương. |
Và cuối cùng, chuyện buồn nhất đã xảy ra, cháu Tr. không qua khỏi.
Trở lại sự việc tại Bệnh viện đa khoa Đông Anh, qua tìm hiểu và nhiều thông tin được cung cấp từ gia đình bệnh nhân, các chuyên gia y tế, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường trong công tác quản lý và sử dụng nhân sự của bệnh viện này.
Đầu tiên, sự việc xảy ra từ đêm ngày 15/1/2018, nhưng đến cuối giờ chiều ngày 17/1/2018, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Đông Anh mới báo cáo Sở Y tế Hà Nội.
Tức là sau 2 ngày lãnh đạo bệnh viện này mới báo cáo lên cơ quan quản lý trong khi đó, tình trạng cháu Tr. vô cùng nguy kịch.
Nhiều bác sỹ biết tin này đã rất bức xúc, bởi vì, nếu được báo cáo sớm, có thể bệnh viện Đông Anh đã nhận được hỗ trợ chuyên môn từ cấp trên. Qua đó, sức khỏe, tính mạng cháu Tr. có thể đã được cứu.
Chưa kể, qua đây cho thấy lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Đông Anh đã vi phạm Quy chế thường trực bệnh viện nghiêm trọng.
Trách nhiệm thuộc về người đứng đầu bệnh viện khi sự việc xảy ra đã không báo cáo cơ quan quản lý chuyên môn để có chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời.
Phải chăng lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Đông Anh cố tình che giấu sự thật, che giấu thông tin nhằm xử lý riêng theo cách có lợi cho mình, nhằm trốn tránh trách nhiệm?
Chưa hết, đáng chú ý, theo tài liệu phóng viên có được, trong danh sách bác sĩ và điều dưỡng trực hôm đó do lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Đông Anh phê duyệt không có tên bác sĩ và điều dưỡng trong ca cấp cứu và điều trị cho cháu bé N.H.Tr.
Đặc biệt, theo phản ánh, điều dưỡng Hoàng Thu Trang tiêm nhầm thuốc uống Kaliclorid cho cháu Tr. mới được đào tạo chuyên ngành nữ hộ sinh, nhưng lại thực hiện công việc của điều dưỡng....
Để làm rõ nội dung, dấu hiệu bất thường trên, phóng viên đã liên hệ với ông Chu Đình Năng – Phó Giám đốc phụ trách - Bệnh viện đa khoa Đông Anh.
Tuy nhiên, ông Năng, dù là người phải chịu trách nhiệm cao nhất tại cơ sở y tế này đã từ chối trả lời và cho rằng: “Thông tin vụ việc bệnh viện đã họp báo thông tin, hội đồng chuyên môn đã kết luận chi tiết ngày 18/1, bởi vậy chúng tôi sẽ không thông tin thêm cho đến khi có tình tiết mới”.
Trước câu hỏi của phóng viên trước hàng loạt những vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng nhân sự, ông Chu Đình Năng cho rằng: “Đó là những thông tin một chiều, khi nào có thời gian, có dịp chúng tôi sẽ trả lời báo chí”.
Dịp này, không được ông Năng đề cập cụ thể.
Ông Chu Đình Năng cũng cho biết, cuối năm công việc rất bận nên không thể trả lời, tiếp hết các báo được, vấn đề gì trả lời sẽ trả lời".
Chiều 22/1, phóng viên cũng thông tin, phản ánh với bà Trần Thị Nhị Hà – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội trước những dấu hiệu bất thường trong quản lý cũng như khâu sử dụng nhân sự của Bệnh viện đa khoa Đông Anh.
Bà Trần Thị Nhị Hà đề nghị phóng viên gửi nội dung phản ánh và sẽ trả lời báo sớm nhất. Tuy nhiên, đến nay phóng viên vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía Sở Y tế Hà Nội, cụ thể là bà Trần Thị Nhị Hà - Phó Giám đốc phụ trách vụ việc này.
Cháu N.H.Tr. có dấu hiệu chết não và đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: VTV. |
Bệnh bình thường thành nguy kịch
Trước đó, tối ngày 15/1, bé N.H.Tr. (Đông Anh, Hà Nội) bị sốt cao, nôn, tiêu chảy nên được gia đình đưa vào bệnh viện Đa khoa Đông Anh điều trị.
Tại đây, bé Tr. được chẩn đoán sốt nhiễm khuẩn và tiêu chảy. Tới 22h cùng ngày, sức khỏe của bé Tr. đã tạm ổn, mẹ cháu Tr. đã nhờ bà nội trông và đi ra ngoài ăn.
Tuy nhiên, vừa đi được vài phút mẹ cháu nhận được cuộc gọi gấp từ mẹ chồng nói cháu bị bác sĩ tiêm nhầm thuốc, lên cơn co giật rất nguy hiểm. Mẹ cháu về tới phòng bệnh, bé Tr. người đã cứng đờ, tim ngừng đập.
Đến 1h ngày 16/1, cháu được đưa vào bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu, lúc này cháu đã trong tình trạng hôn mê, nguy kịch.
Ngày 18/1, Bệnh viện đa khoa Đông Anh đã tổ chức họp báo thông tin vụ việc. Theo đó, bệnh nhi N.H.Tr. vào viện 18h15 ngày 15/1/2018, trong tình trạng sốt cao, nôn, tiêu chảy.
Quá trình trẻ sốt cao liên tục, 39-40 độ C, sốt rét run, không có co giật, ho khúc khắc, ăn gì nôn đấy 3-4 lần kèm theo phân lỏng, có nhầy. Tại nhà, bệnh nhi đã được uống kháng sinh và hạ sốt nhưng không đỡ, gia đình đưa vào viện. Tại bệnh viện, trẻ được khám khi vào viện, trẻ tỉnh táo, mệt nhiều, mắt khô trũng… rét run, nổi vân tím, hạch ngoại vi không sờ thấy.
Theo kết quả chẩn đoán, bệnh nhi được chẩn đoán tiêu chảy, viêm họng cấp theo dõi tim bẩm sinh, tiên lượng bệnh nặng, đã giải thích tình trạng cho gia đình. Do vậy, bệnh nhân đã được truyền dịch kháng sinh, hạ sốt, bù nước đường uống, theo dõi và giải thích gia đình tình trạng bệnh.
Đến 22h52 phút trẻ mệt, khát nước, mắt trũng nhẹ, thở nhanh đều 48/phút, tần số tim 152 lần/phút, bụng mềm còn chướng, đi ngoài thêm 2 lần; chẩn đoán tiêu chảy cấp có mất nước, vẫn viêm họng cấp.
Đến 23h10 phút, sau khi điều dưỡng Hoàng Thu Trang thực hiện y lệnh, bố cháu bé gọi bác sĩ khám lại. Lúc này, cháu bé đã co cứng người, môi da tím, SPO2 không có ôxy 70%; thở nhanh, không rút lõm ngực, phổi ran ngáy 2 bên, tim nhanh đều…. tần số tim 190-200 lần/phút.
Các bác sĩ đã phát hiện điều dưỡng Hoàng Thu Trang dùng thuốc Kaliclorid 10% (2,5ml) tiêm tĩnh mạch cho trẻ. Trong khi đó, thuốc Kaliclorid là dạng thuốc uống.
Sau khi xử trí cấp cứu, trẻ thở ôxy, thở đều, trương lực bình thường, tim nhanh đều, 170-180 lần/phút, phổi thông khí đều 2 bên, tần số thở 50 lần/phút, tiểu thêm 1 lần. Đến 23h50, hội chẩn báo cáo tuyến trên, chuyển viện lúc 23h05 phút.
Bệnh viện đã thành lập hội đồng chuyên môn xem xét việc thực hiện sai quy trình chuyên môn, hội đồng kỷ luật đã đình chỉ công tác 30 ngày với điều dưỡng Hoàng Thu Trang; Rà soát lại việc thực hiện các quy trình quy chế, quản lý sự cố y khoa, quy định tránh nhầm lẫn thuốc…