Tuy nhiên, khi tiếp xúc với bà con nơi đây, một điều đáng buồn mà chúng tôi nhận thấy là: Dù người dân lo như thế, nhưng các cơ quan chức năng, các mỏ khai thác khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên nhiều năm nay vẫn khá thờ ơ!
Sống mòn trước mỏ
Dù không muốn, nhưng khi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Nhất - Phó chủ tịch UBND xã Phúc Hà cũng phải thừa nhận một điều: Không một người dân nào trong xã muốn nhận tiền đền bù để di dời khỏi mảnh đất mà cha ông họ đã mưu sinh từ nghìn đời cả. Câu trả lời không quá khó: Giá đền bù quá rẻ mạt để họ có thể bắt đầu một cuộc sống mới. Nhưng ở lại thì cũng chết vì quá nguy hiểm, thế nên hầu hết đều phải ngậm ngùi chấp nhận ra đi. Ông Nhất phân bua: “Dân chúng tôi muốn di dời từ lâu rồi. Nhưng các anh tính, như vừa rồi bà con chỉ nhận được mức đền bù cho đất thổ cư là 350.000đồng/m2. Giá đó là quá bèo bọt trong khi muốn tái định cư ngay tại địa phương, họ đã phải mua đất theo giá thị trường là 1.000.000đồng/m2”.
Mới đây, khi xã Phúc Hà làm thống kê xác định những gia đình nằm trong phạm vi nguy hiểm 200m của bãi thải, cán bộ xã mới nhận ra rằng, ngay cả trụ sở của mình cũng chỉ cách bãi thải phạm vi 0-50m. Đến cả nhà riêng ông Phó chủ tịch cũng chỉ cách bãi thải 150m. Điều đó có nghĩa là, nói dại miệng nếu có một Phục Linh thứ 2 thì cả trụ sở UBND và nhà riêng ông Phó chủ tịch xã cũng sẽ thành đống gạch vụn. Đó là chưa kể đến việc ô nhiễm môi trường. Nguồn nước của Phúc Hà hiện nay gần như không thể sử dụng vì “nước xít” - thứ nước mà bà con quen gọi chảy ra từ núi đất thải đã làm ô nhiễm trầm trọng nguồn nước sinh hoạt nơi đây.
Theo chân ông Phó chủ tịch, chúng tôi tìm về xóm 8. Thấy có nhà báo và Phó chủ tịch xuống “thị sát hiện trường”, bà con cả xóm thi nhau kéo ra tố khổ. Chị Nguyễn Thị Sơn nhà ngay mặt đường liên xã, đối diện với núi đất thải cao chất ngất nói: “Cuộc sống cứ như địa ngục, nhà tôi quanh năm đóng cửa nhưng hễ ngơi tay quét là bụi phủ dày cả tấc”. Nằng nặc bắt chúng tôi leo lên gác để chứng kiến, quệt tay lên mặt bàn chị Sơn nói: “Đấy, tôi mới quét nhà lúc gần trưa, thế mà bây giờ bụi than đã dày thế này. Đêm đêm thì tiếng mìn rầm rầm, rồi mưa gió, đá tảng to như cái tủ thi nhau lăn xuống. Tôi không nói sai, có ông Phó chủ tịch ở đây làm chứng. Dạo trước chính nhà bà Bùi Thị Nhung - Bí thư Đảng ủy xã cũng bị hòn đá to bằng nửa cái nhà rơi xuống đè vỡ toang cả bức tường. Sống ở đây ngày nào biết ngày đó thôi chứ đất lở, đá đè không biết chết lúc nào”.
Nhà chị Võ Sáu, xóm 10 ở ngay chân núi thải. Khoảng cách an toàn nếu tính theo cách của UBND xã chỉ là 0m. Sống ở đây mấy chục năm nhưng chưa bao giờ chị Sáu thấy “an cư”. Vừa rồi xem báo đài nói về vụ sập bãi thải ở mỏ than Phấn Mễ, đêm ngủ chị Sáu cứ thấp thỏm. “Nếu chẳng may nó trở chứng thì cả xóm sẽ bị nuốt chửng lúc nào chẳng hay” - chị Sáu vừa chỉ vào những vết nứt chạy sau nhà vừa bức xúc nói.
Nhiều nhà dân ở Thái Nguyên ngay cạnh mỏ than
Khổ đến bao giờ?
Mặc dù đã có nhiều lần kêu cứu, nhưng những nguy cơ của người dân xã Phúc Hà đang đối mặt chưa một lần được các ban ngành chức năng thực sự lưu tâm. Thậm chí trong công văn gửi Công ty than Khánh Hòa ngày 9/3/2012, ông Nguyễn Minh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Phúc Hà đã rất “thống thiết” rằng: “Qua nhiều năm giải phóng mặt bằng mở rộng bãi đổ thải, đến nay bãi thải đã ra đến gần đường bê tông liên xã, đây là tuyến đường giao thông chính của địa phương, có mật độ người và các phương tiện giao thông qua lại nhiều. Trong quá trình đổ thải, đá từ trên bãi thải đã nhiều lần lăn xuống đường bê tông và lăn vào các phương tiện giao thông gây thiệt hại về tài sản và nguy hiểm tới tính mạng của nhân dân. Trong thời gian tới nếu công ty không có biện pháp đảm bảo an toàn hiệu quả, việc đổ thải của công ty sẽ rất nguy hiểm cho người và các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường này…”. Nhưng đáp lại những tiếng kêu ấy, người ta chỉ ậm ừ cho qua chuyện.
Ông Đặng Xuân Lý - Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên than Khánh Hòa thừa nhận: “Việc ô nhiễm là có. Mặc dù nhiều năm nay, công ty đã phối hợp với xã để di chuyển các hộ dân sống cạnh mỏ ra khỏi vòng nguy hiểm. Nhưng cũng vì nhiều lý do khác nhau mà 2 bên chưa phối hợp chặt chẽ được”. Trước nguy cơ xảy ra sự cố sạt lở tương tự như Phấn Mễ, ông Lý khẳng định: “Xung quanh chân núi thải, công ty đã xây kè để chống đá rơi và nước thải chảy xuống khu dân cư”. Thế nhưng, thực tế chỉ 2 bãi thải Nam và Tây có 1 đoạn kè cứng bê tông khá ngắn. Còn lại phía chân núi thải giáp khu dân cư các thôn thì chưa hề có đê cứng, hoặc nếu có thì chỉ có vài đoạn đê đất cao chừng hơn 1m mà tác dụng có lẽ là để ngăn dòng nước mưa tràn ra đường là chính.
Theo thiết kế, núi đất thải của mỏ than Khánh Hòa chỉ được cao 150m. Nhưng ông Lý thừa nhận, hiện nay độ cao đổ thải đã lên tới con số 190m, nghĩa là vượt quá tiêu chuẩn tới 40m. Thanh minh cho cái sự sai này, ông Lý ậm ừ: “Việc làm này chúng tôi đã bị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên thanh kiểm tra và xử phạt 40 triệu đồng từ… năm ngoái rồi”. Tôi giật mình nhìn lên ngọn núi lừng lững đang ngày ngày quẳng đá hộc xuống đầu dân mà thấy lạnh lưng. 40 triệu nếu chia ra thì cứ vượt 1m, mỏ than chỉ mất 1 triệu đồng. Số tiền phạt này chẳng thấm tháp vào đâu so với những lợi nhuận mà hàng ngày mỏ Khánh Hòa đang bỏ vào túi họ. Còn lại hiểm nguy cho dân thì đã có tấm biên lai phạt kia làm lá chắn. Không lẽ mạng người rẻ đến thế?
Có bao nhiêu triệu tấn than đã được lấy đi từ mỏ Khánh Hòa và người ta đã trả cho mảnh đất này những gì? Làm một con đê kè để tránh đá hộc rơi xuống đầu dân mà họ con không làm cho tử tế nói chi đến việc lo cho mạng sống của biết bao người. Sau vụ sạt lở ở Phục Linh, có ý kiến đề nghị nên khởi tố vụ án gây nên hậu quả nghiêm trọng này. Riêng tôi lại nghĩ, nếu có một điều luật nào đó cho phép thì nên “khởi tố” luôn cả sự vô cảm của các công ty, các cơ quan có trách nhiệm đang để cho người dân khốn khổ trong vùng nguy hiểm.
Theo Nguyễn Long - Đức Tuấn (An ninh Thủ đô)