Đây là vụ việc mà tôi cho rằng rất kỳ lạ. Anh thanh niên làm nghề thợ sửa ôtô, lén lấy vàng của vợ mang đi bán nhằm có tiền mua thêm phụ tùng ôtô sửa chữa cho khách để kiếm thêm thu nhập. Không may, người khách sau khi lấy ô tô đã… lờ luôn số tiền lý ra ông ta phải chi trả cho anh thợ sửa ôtô đó.
Vợ phát hiện vàng trong tủ mất, gặng hỏi. Anh thừa nhận có lấy vàng bán để mua sắm phụ tùng, nhưng giấu nhẹm việc mình bị khách xù tiền.
Để có tiền trả lại cho vợ, anh đi vay của một người quen 30 triệu đồng với mức lãi suất 10%/tháng. Lãi mẹ đẻ lãi con, mất khả năng chi trả, người chủ nợ hăm dọa sẽ nói với vợ anh toàn bộ sự việc. Hoảng loạn, anh ta đã sát hại chủ nợ để bịt đầu mối.
Giấu vợ đi vay
Nguyễn Tấn Lợi, 29 tuổi, thường trú ở xã Hòa Long, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Giữa tuần này, Tòa án nhân dân Tối cao tại TP HCM đã chấp thuận kiến nghị tăng mức hình phạt từ chung thân lên tử hình đối với Lợi vì tội danh "Giết người".
Tội ác của Lợi là điều hiển nhiên, không thể bàn cãi, không gì có thể bao biện. Tuy nhiên, nếu xâu chuỗi toàn bộ vụ việc, dễ hình dung rằng, Lợi chính là nạn nhân của một trò đùa số phận. Cái "tội" lớn nhất của Lợi chính là sợ vợ, sợ đến mức hơn cả người lạc rừng đứng trước mặt hổ đói.
Lợi có dáng dấp thư sinh, khuôn mặt hiền khô. Lợi ra tòa với dáng vẻ của người biết lỗi, mắt khi nào cũng nhìn chằm chằm xuống nền gạch của khán phòng xử án. Chuyện đã xảy ra không thể níu thời gian lùi lại để sửa chữa.
Lợi học hết lớp 3 thì nghỉ học. Ở nhà được ít lâu, Lợi đăng ký khóa học sửa chữa ôtô. Trong lý lịch của Lợi, Lợi không có bất cứ tiền án tiền sự gì trước khi gây án.
Vài năm trước, Lợi lập gia đình. Vợ Lợi là cô gái tên Mai (tên đã được thay đổi - PV), Mai lớn hơn Lợi một tuổi. Ở nhà, lời của Mai là chân lý đối với Lợi. Lợi sợ vợ một phép. Năm 2009, Mai sinh con. Khi mới lấy nhau, Lợi đã sợ Mai. Đến khi Mai sinh con, Lợi càng sợ Mai nhiều hơn nữa. Cả ngày, Lợi chỉ biết cắm mặt vào cái tiệm sửa ôtô của mình, hết việc lại luẩn quẩn ở nhà với vợ.
Gần Tết Nguyên đán năm Kỷ Sửu, có vị khách mang ô tô đến tiệm của Lợi để sửa chữa. Do phụ tùng trong tiệm không còn, mà nói vợ đưa tiền để sắm thêm phụ tùng thì Lợi lại không dám. Nghĩ đến số tiền lãi có được sau khi sửa xong ôtô cho khách, Lợi liều cạy tủ lấy nữ trang của vợ đi bán.
Không may, sau khi sửa chữa xong ôtô, khách lợi dụng lúc Lợi không để ý, đã điều khiển xe đi mất. Lợi giấu nhẹm chuyện này với vợ.
Vài ngày sau, Mai mở tủ thấy nữ trang không còn, bèn gặng hỏi Lợi. Không thể chối cãi, nên Lợi thừa nhận với Mai toàn bộ việc lén ăn cắp nữ trang của Mai bán đi để mua phụ tùng ôtô. Nhưng, Lợi lại giấu nhẹm chuyện bị khách xù tiền sửa xe, Lợi chỉ bảo "Khách thiếu lại tiền sửa là hơn 19 triệu. Thư thư mấy hôm, người ta trả tiền anh sẽ đưa lại cho em".
Tết gần kề, Mai liên tục thúc giục Lợi đi đòi tiền nợ của khách hàng. Cùng đường, Lợi sang nhà chị Trần Thị Hương để vay nợ. Chị Hương vừa là hàng xóm, vừa là bà con họ hàng với Lợi. Lợi thưa thật toàn bộ câu chuyện với chị Hương, đồng thời ngỏ ý vay của chị Hương 30 triệu đồng với điều kiện, chị Hương không được hé môi nói chuyện vay nợ này cho Mai biết.
Chị Hương đồng ý điều kiện của lợi. Lãi suất mà chị Hương đưa ra cho 30 triệu vay nợ là 10%/tháng. Ngay khi cầm tiền, Lợi đã trích ra 3 triệu để trả lãi tháng đầu tiên cho chị Hương.
Còn lại 27 triệu, Lợi mang về nhà, đưa cho Mai 19,4 triệu. Lợi nói với Mai rằng khách đã trả tiền sửa ôtô. Số tiền còn lại, Lợi để dành nhằm có tiền trả lãi cho chị Hương từ từ. Trả cạn đến số tiền cuối cùng Lợi đã để dành được, nhưng số nợ Lợi thiếu của chị Hương vẫn không suy chuyển. Thật tình thì một gã đàn ông sợ vợ như Lợi, lấy đâu ra chuyện lén lút giấu vợ được quỹ đen quỹ đỏ để trả nổi số tiền 30 triệu (?).
Bị chị Hương đòi nợ ngặt quá, Lợi về nhà, nói dối với Mai là cho Lợi 10 triệu để Lợi cho chị Hương… vay lại. Trước khi hành động nói dối này xảy ra, chị Hương đã đồng ý với Lợi rằng chị sẽ thừa nhận với Mai khoản tiền 10 triệu Lợi đưa cho chị là tiền vay nợ.
Đưa cho chị Hương 10 triệu tuần trước, thì tuần sau, Mai đã thúc giục Lợi sang nhà chị Hương để đòi nợ. Vì Mai tính sửa chữa lại căn nhà của hai vợ chồng.
Lợi sang nhà chị Hương, than thở: "Chị ơi, chị thương em. Chị cho em vay lại 10 triệu để trả cho vợ em. Chứ không thì em chẳng biết tính làm sao".
Chị Hương trả lời Lợi rằng "Chị không còn tiền để cho em vay nữa đâu. Với lại, em coi sớm trả hết số tiền còn lại cho chị, không thì chị sẽ méc vợ em là em vay của chị 30 triệu". "Thôi, chị để em tính. Chứ chị méc vợ em, vợ em la em thì em chỉ có nước bỏ nhà đi biệt xứ thôi", Lợi hốt hoảng đáp lời khi nghe chị Hương có ý định mách Mai về khoản nợ mà Lợi thiếu chị.
Nguyễn Tấn Lợi bị dẫn giải sau phiên tòa . |
Giết người để che mắt vợ (!)
Sau Tết Nguyên đán, chị Hương có nhờ Lợi chở xuống thị trấn Long Hải để đòi tiền nợ. Chuyến đi đòi nợ bất thành. Tối về lại thị xã Bà Rịa, chị Hương có gọi điện thoại cho Lợi, hỏi Lợi rằng "Em ơi, bây giờ chị không đòi được nợ thì số nợ em thiếu chị tính sao đây?".
"Em không biết. Chị làm gì thì làm, chị phải cố cho em vay thêm 10 triệu để em đưa cho vợ em. Không thì em không yên với vợ em đâu", Lợi trả lời chị Hương qua điện thoại trước khi cúp máy.
Tối hôm sau, Lợi phát hiện trong điện thoại di động của mình có cuộc gọi nhỡ từ chị Hương. Gọi điện thoại lại, chị Hương nói chị muốn nhờ Lợi chở sang xã Châu Pha để đòi nợ. Lợi đồng ý…
Ngay lúc này, Lợi đã nảy sinh ra ý định sẽ sát hại chị Hương để xù nợ. Điều quan trọng hơn, nếu sát hại chị Hương, chị Hương sẽ không có cơ hội để mách với vợ Lợi chuyện Lợi vay tiền của chị Hương. Đó chính là điều đã ám ảnh Lợi trong suốt nhiều tháng liền, kể từ ngày vị khách xù tiền sửa chữa khiến Lợi lâm vào hoàn cảnh sống dở chết dở.
Nghĩ vậy, nên trước khi sang nhà chị Hương đón chị đi đòi nợ, Lợi lén giấu con dao Thái Lan dưới cốp xe. Trên đường đi sang xã Châu Pha, Lợi cố tình điều khiển xe lưu thông trên con đường tắt, hai bên toàn đồng ruộng, vắng bóng người.
Trên đường đi, chị Hương gọi điện thoại cho người thiếu nợ chị để xác định lại số tiền họ phải trả cho chị. Người thiếu nợ chị trả lời rằng chưa có tiền, xin khất lại khi khác. Sẵn cơn giận trong người, chị Hương nói với Lợi: "Người ta không trả tiền cho chị. Vậy thì em lo mà trả tiền cho chị nhanh đi, không thì chị sẽ nói chuyện em thiếu nợ chị cho con Mai biết".
Chỉ cần nghe chị Mai nói vậy, Lợi đã bủn rủn tay chân, Lợi trả lời như hét: "Chị mà dám nói với vợ em, thì hoặc là chị chết, hoặc là em chết".
Vừa ngồi sau yên xe, chị Hương lại tiếp tục yêu cầu Lợi phải trả nợ. Lại xảy ra cãi vã giữa Lợi và chị Hương.
Trong lúc đang đôi co, thì chị Hương có điện thoại, Lợi dừng xe lại để chị Hương trả lời. Trước khi bấm máy nghe điện thoại, chị Hương còn nói với Lợi: "Em mà không trả tiền cho chị, chị sẽ nói với Mai". Cơn sợ vợ ập đến bất thần, lợi dụng lúc chị Hương đang trò chuyện, Lợi mở cốp xe gắn máy lấy con dao thủ sẵn trong xe tiến về phía chị Hương.
Thấy Lợi lăm lăm dao trong tay, hoảng sợ chị Hương bỏ chạy. Nhưng, chị hoàn toàn không có cơ hội thoát thân. Sau khi dùng dao đâm và siết cổ chị Hương cho đến chết, Lợi nhặt chiếc điện thoại của chị Hương rơi ra gần đó trong lúc giằng co, cho vào túi quần.
Khi chắc chắn rằng chị Hương đã chết, Lợi điều khiển xe gắn máy quay trở lại nhà. Gần đến nhà, Lợi ném chiếc điện thoại di động của chị Hương xuống đám ruộng bên đường. Còn con dao, Lợi mang về nhà quẳng xuống cái giếng bỏ hoang để phi tang.
Hôm sau, Lợi mò ra đám ruộng mà đêm qua Lợi ném chiếc điện thoại của chị Hương để lục tìm. Tìm được điện thoại, Lợi tháo rời, bẻ gãy điện thoại và sim rồi mang về nhà mình phi tang.
10 ngày sau khi gây án, Lợi bị Cơ quan điều tra bắt giữ. Lúc này, cả gia đình Lợi mới bàng hoàng, vợ Lợi khóc hết nước mắt trước viễn cảnh tù tội mà Lợi sắp vướng vào. Tiếc rằng, mọi chuyện đã quá muộn màng.
Chị Hương mất đi để lại hai con nhỏ, đứa con trai lớn sinh năm 2000, cô con gái út sinh năm 2002. Cha của chị Hương không yêu cầu Lợi bồi thường tiền bạc mà chỉ yêu cầu Tòa án xử lý Lợi nghiêm khắc để làm gương cho kẻ khác.
Trong phiên tòa sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Chủ tọa phiên tòa tuyên Lợi mức án chung thân vì tội danh "Giết người". Sau đó, Lợi có làm đơn kháng án gửi Tòa án nhân dân Tối cao, xin xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Nhưng trong phiên tòa phúc thẩm vừa diễn ra, Lợi đã xin rút đơn kháng cáo, chấp nhận mức án chung thân mà Tòa sơ thẩm đã tuyên phạt. Tuy nhiên, Tòa phúc thẩm đã đồng ý với kiến nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tăng mức hình phạt đối với Lợi là từ "Chung thân" lên "Tử hình".
Gần như, Lợi không còn cơ may để xin giảm án, bởi động cơ dẫn đến tội ác của Lợi là rất quái đản.
Tôi thật sự không biết, Mai đã làm gì để khiến Lợi phải hoảng sợ như vậy. Lợi sợ người đầu ấp tay gối mỗi đêm của mình đến mức bấn loạn về thần kinh, một dạng bị bạo lực tinh thần. Lợi sẵn sàng làm tất cả chỉ đạt được mục đích theo ý muốn của mình là để Mai không biết chuyện Lợi thiếu nợ chị Hương.
Tội nghiệp cho Lợi, Lợi vay tiền không phải để ăn chơi, cờ bạc, rượu chè hay trai gái. Lợi vay tiền đơn giản là để thoát khỏi những đay nghiến của vợ, khi Mai phát hiện ra Lợi đã lén lấy nữ trang của mình đi bán.
Mà Lợi bán nữ trang để làm gì, chỉ là để có tiền mua thêm phụ tùng sửa chữa xe cho khách nhằm kiếm thêm thu nhập. Có tiền, hẳn là Lợi cũng sẽ đưa cho Mai.
Có một tiểu tiết cần phải lưu ý, chính là nếu như vị khách sửa ôtô không lợi dụng khoảnh khắc lơ đễnh của Lợi để lái xe đi, giật mất số tiền lẽ ra ông ta phải trả cho Lợi thì bi kịch cho cả hai gia đình hẳn đã không xảy ra.
Câu chuyện đau lòng này cứ như là một vở bi hài kịch về đời sống vợ chồng.
Vậy mà, đây lại là sự thật. Cho đến giờ, tôi vẫn không thể hiểu, Mai đã làm gì để khiến Lợi sợ hãi đến thế(?!). Chắc chắn, không ai có thể trả lời trọn vẹn câu trả lời ấy, ngoại trừ Mai
Theo CAND