Ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Theo đó, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.
Kết luận này của Bộ Chính trị cho thấy một chủ trương mới, tích cực của Đảng ta trong chỉ đạo thực tiễn công cuộc phát triển đất nước. Khuyến khích, bảo vệ được những người dám nghĩ dám làm, dám cải tiến, đổi mới thì mới có thể theo kịp bước chuyển mình nhanh chóng của thời cuộc.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để chủ trương này thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống? Ai sẽ là người đứng ra bảo vệ những người tiên phong đổi mới và bảo vệ bằng cách nào? Khi hệ thống hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, cơ chế nào để chúng ta bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm?
Vẫn còn “nút thắt” cần tháo gỡ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp Hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Ngọc Quang) |
Trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp Hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) nói rằng, Kết luận 14 của Bộ Chính trị đặt ra cho chúng ta một câu hỏi, là những người lãnh đạo cấp trên có công nhận những việc làm đổi mới không, có dám đứng ra bảo vệ những người dám đổi mới hay không? Nếu không có những người lãnh đạo cấp trên sáng suốt thì muốn đổi mới, sáng tạo vẫn còn vô vàn khó khăn.
Theo Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, Kết luận 14 của Bộ Chính trị là chủ trương đúng đắn, chúng ta kỳ vọng chủ trương này sẽ gợi mở và giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đang đặt ra trong thực tiễn hiện nay. Đất nước rất cần những cán bộ hăng hái, tiên phong theo tinh thần sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ dám làm, có như vậy mới giải quyết được những trì trệ còn tồn tại.
Tuy nhiên, cơ chế để thực hiện chủ trương này cần phải cởi mở hơn, nếu vẫn có những ràng buộc thì sẽ gây khó khăn cho những người muốn đi theo con đường đổi mới, phát triển.
“Những sáng kiến, đổi mới là những việc chưa có tiền lệ, có thể là những việc làm đi ngược lại với suy nghĩ số đông trong một tổ chức tại thời điểm ban đầu. Điều tôi lo ngại là người đứng đầu, liệu họ có hiểu, có nhìn nhận và đánh giá chuẩn xác với những đổi mới, sáng kiến đó không? Liệu những sáng kiến vừa “nhen nhóm" ý tưởng có bị dập tắt không? Và rồi, hành trình đổi mới đến bao giờ mới thực hiện được?
Thay vào đó, chúng ta nên thực sự ‘mở lối’, tạo điều kiện để những người sáng tạo được thực hiện công việc của mình, đánh giá công tâm về động cơ làm việc, về mục đích vì lợi ích chung và mức độ hiệu quả sau khi thực hiện”, thầy Nhĩ nêu quan điểm.
Bàn về việc thực hiện hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị, Giáo sư Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhấn mạnh đến vai trò của cá nhân lãnh đạo.
Giáo sư Thiệp nhận định: “Một người lãnh đạo có tài có tâm mới dám sử dụng người tài, quy tụ được người tài và phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo. Nếu người lãnh đạo cấp trên không có tài thì sẽ dễ tìm cách vùi dập những người tài cấp dưới của mình.
Bởi trong thực tế hiện nay, không ít trường hợp người giỏi, người tốt lại bị cô lập, những người có năng lực lại không thể phát huy tài năng của mình đóng góp cho đất nước”.
Sớm luật hóa chủ trương
Theo quan điểm của Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, đổi mới có nghĩa là cần làm những việc chưa có tiền lệ, chưa có trong những quy định, trong các văn bản pháp luật. Nếu cứ phải chờ đến lúc hành lang pháp lý hoàn thiện mới được phép làm thì không còn gọi là “đổi mới” nữa.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Tùng Dương) |
Trên thực tế, đã có những con người sáng tạo, đổi mới tư duy, đổi mới cách làm với động cơ trong sáng, vì lợi ích chung, nhưng lại bị chính hệ thống thiết chế đang có ngăn lại.
Nếu chúng ta vẫn cứ vận dụng thể chế hiện hành để xem xét những sáng kiến đổi mới thì sẽ rất bất lợi với những người đi tiên phong, thậm chí là tạo tâm lý e ngại, lo sợ trong xã hội, khiến họ không dám thực hiện đổi mới.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho biết: “Kết luận 14 của Bộ Chính trị là một chủ trương mới mẻ, đúng đắn, được xã hội đón nhận tích cực. Nhưng muốn từ chủ trương đi vào cuộc sống, muốn khuyến khích và bảo vệ được những cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung thì rất cần thiết phải nhanh chóng luật hóa chủ trương này.
Theo đúng tinh thần của Kết luận 14, phải có cơ chế để bảo vệ những cán bộ sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Nếu chưa thể đưa vào hệ thống Luật thì cần sớm ban hành những Nghị định áp dụng riêng đối với những trường hợp cá nhân tiên phong trong đổi mới, sáng tạo.
Bên cạnh đó, chủ trương này cần phải phổ biến rộng rãi và thấm nhuần trong tư tưởng của từng đảng viên, từng chi bộ, từng cán bộ, lãnh đạo, tổ chức,...”.
Cũng theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nếu đưa được chủ trương vào cuộc sống, luật hóa chủ trương này thì sẽ có ý nghĩa mở đường cho sự đổi mới ở tất cả các lĩnh vực, cũng mang đến làn gió mới cho ngành giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng.
Đây sẽ là chỗ dựa về mặt đạo lý và pháp lý để những nhà giáo, những nhà quản lý tâm huyết với ngành giáo dục phát huy tinh thần sáng tạo, an tâm thực hiện đổi mới.
Trong giáo dục đại học hiện nay, chúng ta phải triển khai rất nhiều chủ trương mang tính chất đổi mới khi còn chưa quy định đầy đủ trong các văn bản pháp lý đã ban hành. Kết luận 14 của Bộ Chính trị là chỗ dựa tinh thần kịp thời cho những ai có tâm, có tài, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, những người mà đất nước ta đang rất cần”, Tiến sĩ Khuyến khẳng định.
Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng, cần có sự đánh giá lại thật công tâm, công bằng về người lãnh đạo đổi mới tư duy, đổi mới cách làm và đã chứng minh được hiệu quả như trường hợp của Trường Đại học Tôn Đức Thắng (Ảnh: TL) |
Đánh giá công tâm đối với những cán bộ có tài, sáng tạo, đổi mới vì lợi ích chung, lấy lại niềm tin cho xã hội
Kết luận 14 của Bộ Chính trị một lần nữa để chúng ta nhìn lại câu chuyện tự chủ đại học của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, một trường hợp thí điểm tự chủ đại học rất thành công nhưng người đứng đầu lại đang bị kỷ luật.
Cho phép thí điểm có nghĩa là cho phép làm những nội dung chưa có trong luật, quy định hoặc khác với luật, quy định để từ đó, đơn vị có động lực sáng tạo, đột phá, dám nghĩ, dám làm...tạo hiệu quả xã hội và đưa đơn vị đi lên.
Vì vậy, cho phép thí điểm (như Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ và các quyết định thí điểm tự chủ của Thủ tướng như Quyết định 158/QĐ-TTg) là khuyến khích đột phá. Nhưng muốn khuyến khích đột phá, thì người đứng đầu các đơn vị thí điểm này rất cần được cơ quan chủ quản ủng hộ.
Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ: Với những thành quả mà Trường Đại học Tôn Đức Thắng đạt được chỉ trong hơn 10 năm qua, chúng ta cần có sự đánh giá lại thật công tâm, công bằng về người lãnh đạo đổi mới tư duy, đổi mới cách làm và đã chứng minh được hiệu quả. Phải so sánh với một số trường đại học đã có lịch sử phát triển từ 40 - 50 năm nhưng chưa tạo nên được những đột phá như thế để chúng ta thấy rõ giá trị của những tư tưởng, tư duy đổi mới đó như thế nào.
Mặc dù Bộ Chính trị đã công bố Kết luận 14 với chủ trương bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo vì mục đích chung nhưng niềm tin trong xã hội còn mong manh lắm. Tôi cho rằng, những người lãnh đạo cấp trên phải xem xét lại, nhìn nhận lại cách ứng xử của mình và mạnh dạn sửa sai, chỉ có cách đó mới lấy lại được niềm tin trong xã hội; Phải công khai, minh bạch, thừa nhận cái sai của mình, sửa lại sai lầm của mình đúng với tinh thần Kết luận 14 mà Bộ Chính trị đưa ra.
Giáo sư Lâm Quang Thiệp: Kết luận của Bộ Chính trị ra đời rất hợp thời, nó là một chỗ dựa để chúng ta suy nghĩ về những tình huống đã xảy ra như của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Việc kỷ luật cả Đảng ủy một trường đại học mà không xem xét đến thành tích to lớn, nổi trội mà trường đã đạt được là rất mâu thuẫn, không thuyết phục.
Vai trò của cá nhân người lãnh đạo cấp trên cực kỳ quan trọng, cần đánh giá một cách công tâm đối với những thành quả mà Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã đạt được nhờ những đổi mới trong tư duy, sáng tạo trong cách làm vì lợi ích chung là sự phát triển của chính trường đại học này.
Tiến sĩ Văn Đình Ưng- Trưởng Ban thông tin và sinh viên của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam: Sau khi có Kết luận 14 của Bộ Chính trị, chúng ta nên chính thức xem xét, ghi nhận những đóng góp của những người cán bộ đi trước đã dám đổi mới và đổi mới thành công, để nhân dân thấy rằng Đảng ta không né tránh khuyết điểm, luôn ghi công những người có đóng góp cho công cuộc đổi mới và kiến tạo xã hội. Có như vậy mới thúc đẩy đất nước phát triển mạnh mẽ, mới thu hút được nhân tài ra sức đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh.
Câu chuyện của Nhà giáo Lê Vinh Danh, gắn với sự phát triển vượt trội của Trường Đại học Tôn Đức Thắng nhờ có những sáng tạo trong cách quản lý trên cơ sở được Chính Phủ giao làm thí điểm về tự chủ đại học là một thí dụ về đột phá, đem lại kết quả tích cực đích thực cho công cuộc đổi mới giáo dục đào tạo; cần soi rọi Kết luận 14 của Bộ Chính trị vào đây để làm sáng tỏ và bảo vệ một điển hình trong giáo dục đại học Việt Nam.
Làm sáng tỏ việc này, cùng với một vài việc khác tương tự sẽ thúc đẩy những người tài giỏi và tâm huyết ra cống hiến tài năng, sức lực của họ cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, và cả những lĩnh vực khác;vì họ biết chắc chắn mình được bảo vệ, được ủng hộ, thậm chí được vinh danh. Lúc đó, sẽ tạo nên một làn sóng những người dám nghĩ dám làm, táo bạo, đột phá; đem đến cho đất nước một luồng sinh khí mới, đầy sức trẻ.