LTS: Phán quyết vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc tiếp tục nhận được sự quan tâm, mổ xẻ từ dư luận, nhất là những nội dung có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
Tiến sĩ Trần Công Trục gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông xoay quanh vấn đề này. Xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.
Ngày 19/7 Tiến sĩ Dương Danh Huy từ Quỹ Nghiên cứu Biển Đông có bài bình luận rất đáng suy ngẫm về phán quyết vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc trên kênh BBC tiếng Việt.
Bài viết đã phân tích khá chi tiết những điểm có lợi và một số điểm tạm gọi là "bất lợi" đối với Việt Nam từ phán quyết trọng tài này, đồng thời nêu ra một số gợi mở cho Việt Nam phát huy thế mạnh pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông.
Cần đặt bài viết trong bối cảnh tranh chấp trên Biển Đông hết sức phức tạp, dư luận cũng còn nhiều nhận thức khác nhau về cục diện, diễn biến trên Biển Đông, đặc biệt là tác động ảnh hưởng của phán quyết trọng tài đối với quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả bài viết cung cấp. |
Với khuôn khổ bài viết này, tôi xin phân tích thêm một số khía cạnh nhằm làm rõ những gì Việt Nam chúng ta có thể khai thác trực tiếp phán quyết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bằng công cụ pháp lý, ngoại giao.
Những băn khoăn từ dư luận
Sau bài viết "Có phải Việt Nam "thiệt thòi" vì phán quyết vụ kiện trọng tài Biển Đông?" đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 16/7, cũng có không ít người băn khoăn trao đổi với tôi rằng, phải chăng tôi quá lạc quan mà chưa thấy hết có những điểm "bất lợi" với Việt Nam trong phán quyết chứ không phải hoàn toàn có lợi?
Về mặt chuyên môn, yếu tố dư luận xem là "bất lợi" đối với Việt Nam đã được Tiến sĩ Dương Danh Huy mổ xẻ trong bài viết: "Phán quyết Biển Đông: lợi, hại, và tương lai".
Nhưng chính Tiến sĩ Dương Danh Huy cũng thừa nhận ngay từ đầu:
"“Xấu” không phải là nó bất công cho Việt Nam - phán quyết của một Tòa án quốc tế là thước đo khách quan nhất cho sự công bằng trong việc diễn giải luật quốc tế.
“Xấu” cũng không phải vì nó gây thiệt hại vật chất cho Việt Nam hay buộc Việt Nam phải làm gì bất lợi - Việt Nam không phải là bị cáo của phiên tòa và không bị ràng buộc bởi phán quyết.
“Xấu” chỉ là vì nó có hệ quả pháp lý mà một ngày nào đó Philippines hay Malaysia có thể dùng để chống, hay kiện, Việt Nam nếu họ muốn."
Tôi rất tán đồng và chia sẻ với ông Huy rằng, phán quyết trọng tài là thước đo khách quan nhất cho sự công bằng trong việc diễn giải luật quốc tế, mà cụ thể ở đây là UNCLOS 1982.
Chúng ta là một thành viên Công ước thì phải tuân thủ tất cả các điều khoản của Công ước, không thể hành xử như ai đó, cái gì có lợi cho mình thì chọn, cái gì không có lợi cho mình thì bác bỏ.
Còn phần "hệ quả pháp lý" mà Tiến sĩ Dương Danh Huy đề cập, theo tôi hiểu thì vấn đề rất đơn giản.
Việt Nam, Malaysia, Philippines đều là thành viên Công ước, có quyền hạn và nghĩa vụ ngang nhau, và đều bình đẳng trước Công ước.
Do đó, nếu bất kỳ bên nào thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại thì hoàn toàn có quyền đặt vấn đề đàm phán giải quyết, hoặc đưa ra cơ quan tài phán.
Giữa Việt Nam với Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines đều có các vùng chồng lấn. Giữa các nước này với nhau hay với một số quốc gia khác trong khu vực cũng vậy. Những tranh chấp đều đã, đang được giải quyết một cách ổn thỏa, hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế UNCLOS 1982.
Bởi vậy, không chỉ có khả năng Việt Nam bị Malaysia, Philippines khởi kiện như Tiến sĩ Dương Danh Huy nói, mà chúng ta cũng có khả năng đưa 2 nước này ra cơ quan tài phán, yêu cầu trả lại những gì thuộc quyền và lợi ích hợp pháp của chúng ta theo UNCLOS 1982, miễn là chúng ta đủ bằng chứng pháp lý thuyết phục.
Sau phán quyết trọng tài, Trung Quốc đã âm thầm hủy đường 9 đoạn? |
Tuy nhiên cá nhân tôi tin rằng, với thái độ cầu thị, thiện chí và tinh thần thượng tôn pháp luật, cả Việt Nam lẫn Philippines, Malaysia sẽ tìm được những giải pháp xử lý thỏa đáng, đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích chính đáng của mỗi bên.
Bởi lẽ yêu sách của mỗi bên đều được đưa ra dựa trên cách áp dụng, giải thích luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982 chứ không phải dựa trên lập trường duy lý và tham vọng chính trị.
Thông qua đối thoại đàm phán một cách thiện chí, khách quan và thượng tôn pháp luật, các bên sẽ chủ động có sự điều chỉnh cho phù hợp với các chuẩn mực chung của luật pháp và thông lệ quốc tế.
Trong đó phán quyết trọng tài vừa qua cung cấp cho chúng ta một tham chiếu pháp lý chuẩn xác, quan trọng và kịp thời. UNCLOS 1982 không thể giải thích một cách tùy tiện theo hướng cái gì có lợi cho mình thì vơ vào, cái gì bất lợi cho mình thì đẩy ra.
Chúng ta cũng cần một thái độ hết sức khách quan và cầu thị khi giải thích, áp dụng UNLCOS 1982, và cái gì chưa hợp lý, chưa đúng thì chúng ta hay bất cứ thành viên nào của Công ước cũng phải điều chỉnh.
Đối với một số thực thể mà Tiến sĩ Dương Danh Huy đề cập như Cỏ Mây, Cỏ Rong, Vành Khăn được Tòa Trọng tài ra phán quyết, cũng như một số thực thể khác có tính chất tương tự 3 thực thể này như Tốc Tan, Núi Le, Kiệu Ngựa, Suối Cát tôi chỉ xin lưu ý thêm 2 điểm:
Một là về nguyên tắc, phán quyết trọng tài của Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 không giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền và phân định biển, nên không ảnh hưởng gì đến chủ quyền của Việt Nam đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa.
Hai là, việc giải thích mối quan hệ của các thực thể / cấu trúc nêu trên với tổng thể quần đảo Trường Sa, cũng như thềm lục địa của Philippines, Malaysia là câu chuyện pháp lý - kỹ thuật sẽ được các chuyên gia mổ xẻ trong đàm phán giữa các bên.
Phán quyết trọng tài vừa qua cũng đã xem xét quần đảo Trường Sa không phải là một "thực thể thống nhất" giống như quy chế của một quốc gia quần đảo và dẫn đến kết luận:
Trường Sa không có một vùng biển chung như lãnh hải hay vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của cả quần đảo này, giống như các vùng biển và thêm lục địa của quốc gia quần đảo.
Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ khi xác lập chủ quyền đối với Trường Sa cũng đã nêu rõ, quần đảo này bao gồm các đảo và các cấu trúc phụ thuộc.
Vấn đề là các cấu trúc nào được coi là những thực thể phụ thuộc các đảo ở Trường Sa sẽ phải được mổ xẻ phân tích dưới góc độ khoa học địa chất, địa mạo và pháp lý.
Việt Nam có thể khai thác gì từ phán quyết trọng tài để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam?
Trong bài phân tích của mình, Tiến sĩ Dương Danh Huy đưa ra 5 vấn đề với câu hỏi Việt Nam có kiện Trung Quốc hay không hoặc bao giờ Việt Nam mới khởi kiện.
Trước khi tìm câu trả lời "có hay không" hoặc "bao giờ", tôi xin chia sẻ thêm một số vấn đề Việt Nam có thể khai thác từ phán quyết trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Ngoài nội dung phán quyết bác bỏ "đường lưỡi bò", làm rõ quy chế pháp lý của các cấu trúc ở Trường Sa và Scarborough đã được nhiều chuyên gia phân tích và mổ xẻ, còn 3 nhóm nội dung phán quyết khác thiết nghĩ không kém phần quan trọng.
Một tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm hỏng ở Hoàng Sa, ảnh: Báo Tuổi Trẻ / Trần Mai. |
Việt Nam có thể nghiên cứu và rút ra bài học cho mình để giải quyết các vấn đề cấp bách.
Thứ nhất là tính hợp pháp của các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông
Toà cho rằng Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này bằng việc: (a) can thiệp vào hoạt động đánh cá và thăm dò dầu khí của Philippines;
(b) Xây dựng đảo nhân tạo và (c) không ngăn chặn ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở khu vực này. Toà cũng khẳng định rằng ngư dân từ Philippines (cũng như ngư dân từ Trung Quốc) đã có quyền đánh cá truyền thống ở bãi Scarborough và rằng Trung Quốc đã ngăn chặn các quyền này bằng cách hạn chế việc tiếp cận khu vực này.
Toà cũng khẳng định rằng các tàu chấp pháp của Trung Quốc gây ra một rủi ro va chạm nghiêm trọng một cách bất hợp pháp khi họ đã trực tiếp cản trở các tàu của Philippines.
Như vậy có thể thấy rằng, phán quyết của Tòa cho ta những gợi mở hết sức quan trọng và cần thiết trong việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước Việt Nam, ngư dân Việt Nam trên Biển Đông.
Phán quyết này cho chúng ta sự tự tin để đấu tranh mạnh mẽ với Trung Quốc trên cơ sở pháp lý hết sức cụ thể chống lại các hành động gây hấn như vụ giàn khoan 981, cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam...
Đặc biệt mới đây nhất, ngay trước thềm phán quyết trọng tài thì ngày 9/7, tại khu vực cách đông đông nam đảo Bông Bay, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 34 hải lý, tàu cá Việt Nam mang số hiệu QNg 90479TS cùng 5 ngư dân đã bị hai tàu hải cảnh Trung Quốc mang các số hiệu 46102 và 56103 truy đuổi, đâm chìm.
Rõ ràng Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng UNCLOS 1982 bởi việc: (1) can thiệp và ngăn chặn hoạt động đánh cá của ngư dân Việt Nam trên ngư trường truyền thống ở khu vực Hoàng Sa;
(2) Tàu chấp pháp Trung Quốc (Hải cảnh) đã bất chấp luật pháp quốc tế, hủy hoại tài sản và đe dọa tính mạng của ngư dân Việt Nam. Bất luận trong trường hợp nào, hành vi này đều không thể chấp nhận.
Mọi hoạt động "chấp pháp" của bất cứ quốc gia nào trên biển cũng phải tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có việc ứng xử với ngư dân nước khác.
Có phải Việt Nam "thiệt thòi" vì phán quyết vụ kiện trọng tài Biển Đông? |
Mọi hoạt động xâm hại tài sản, sức khỏe và tính mạng ngư dân thay vì thực hiện các tiến trình tố tụng pháp lý đều trái với luật pháp quốc tế và cần phản đối.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã kịp thời lên tiếng phản đối và yêu cầu Trung Quốc ngừng ngay các hoạt động trái pháp luật này, có bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam.
Tuy nhiên cá nhân tôi cho rằng, chúng ta cần tiến thêm một bước nữa, đó là xác định thiệt hại về vật chất, tinh thần, sức khỏe của ngư dân Việt Nam trong các vụ bị Trung Quốc đâm chìm, bắt bớ và gửi cho phía Trung Quốc yêu cầu xin lỗi, bồi thường cụ thể, đồng thời lưu lại bằng chứng, hồ sơ pháp lý để đấu tranh sau này.
Tất nhiên người viết cũng không hy vọng Trung Quốc có thể đáp ứng yêu cầu này, mặc dù đó là yêu cầu chính đáng.
Nhưng điều đó không chỉ thể hiện chúng ta đang thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa dù trên thực tế quần đảo đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, mà còn làm yên lòng ngư dân, để bà con tự tin bám biển.
Cũng chính những vụ việc như ngày 9/7 khiến dư luận Việt Nam rất bức xúc và ngày càng ác cảm với Trung Quốc. Chính Trung Quốc đang tự làm xấu hình ảnh của mình trong mắt người dân Việt Nam.
Những vấn đề này cần được đưa lên bàn đối thoại, đấu tranh, trao đổi thẳng thắn với phía Trung Quốc với đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng thuyết phục.
Nhân đây tôi cũng xin lưu ý, việc xác định vị trí tọa độ nơi ngư dân Việt Nam đánh bắt và bị tàu Trung Quốc hành hung, bắt bớ hay đâm chìm cũng rất quan trọng.
Nếu xảy ra bên trong lãnh hải tối đa 12 hải lý của một đảo thì cơ chế xử lý sẽ khác vì có liên quan đến yếu tố "chủ quyền".
Nếu xảy ra bên ngoài phạm vi 12 hải lý của các đảo ở Hoàng Sa, bên trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp của Việt Nam tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa Việt Nam, thì điều này lại liên quan đến "quyền chủ quyền, quyền tài phán", liên quan đến việc ứng dụng và giải thích UNCLOS 1982.
Nếu nó xảy ra bên ngoài phạm vi 12 hải lý của các đảo ở Hoàng Sa, bên ngoài phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, thì đó lại là vùng biển cả/vùng biển quốc tế, trên Biển Đông, cơ chế xử lý lại khác.
Thứ hai là gây hại cho môi trường biển
Toà xem xét ảnh hưởng với môi trường biển của các hoạt động bồi đắp và xây dựng nhân tạo của Trung Quốc trên 7 cấu trúc của Quần đảo Trường Sa.
Một góc đá Chữ Thập bị Trung Quốc phá tan hoang, ảnh: CSIS. |
Tòa nhận thấy rằng Trung Quốc đã gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rặng san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe doạ và bị huỷ diệt.
Toà cũng cho rằng nhà chức trách Trung Quốc đã nhận thức được việc ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt các loài rùa biển, san hô và trai khổng lồ quý hiếm trên diện rộng ở Biển Đông (bằng các biện pháp gây ra tổn hại nghiêm trọng với môi trường rặng san hô) và đã không thực hiện các nghĩa vụ của nước này trong việc ngăn chặn và chấm dứt các hoạt động này.
Có thể nói đây là phán quyết hết sức xác đáng, khách quan và cũng cho thấy mức độ nguy hại của các hành động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo Trung Quốc đã gây ra.
Thậm chí có thể xem những hành vi này là hành vi chiến tranh, là tội phạm đối với nhân loại, hủy diệt môi trường….
Việt Nam không chỉ với tư cách là nước có chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, mà còn với tư cách một thành viên UNCLOS 1982 hoàn toàn có thể đấu tranh yêu cầu Trung Quốc dừng các hoạt động này.
Thứ ba là làm trầm trọng thêm các tranh chấp
Toà nhận thấy rằng Toà thiếu thẩm quyền để xem xét tác động của vụ đối đầu giữa tàu hải quân của Philippines và tàu hải quân và chấp pháp của Trung Quốc ở bãi cạn Second Thomas (Cỏ Mây), cho rằng tranh chấp này liên quan đến các hoạt động quân sự và do vậy, nằm ngoài cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc.
Tuy nhiên, Toà nhận thấy rằng việc bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc gần đây là không phù hợp với nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước trong quá trình giải quyết tranh chấp, trong chừng mực mà Trung Quốc đã gây ra những tác hại không thể sửa chữa được với môi trường biển, xây dựng một đảo nhân tạo lớn trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các quôc gia ven Biển Đông.
Hành động này của Trung Quốc đã phá huỷ các bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc ở Biển Đông, phá hủy một phần căn cứ tự nhiên để xác định các loại tranh chấp giữa các bên…
Đây là vấn đề được dư luận cũng như nhiều nhà nghiên cứu đặt ra khi tìm hiểu xem việc Trung Quốc bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa thì có vi phạm UNCLOS 1982 hay không. Phán quyết trọng tài đã cho chúng ta một câu trả lời rõ ràng.
Thậm chí phán quyết trọng tài đã nhấn mạnh, tác động ảnh hưởng của việc bồi lấp xây dựng đảo nhân tạo đến môi trường biển là không thể sửa chữa được, làm trầm trọng thêm tranh chấp giữa các bên.
Phán quyết này đã trực tiếp bác bỏ lập luận của Trung Quốc rằng, các bên yêu sách khác xây dựng trước, Trung Quốc làm sau để phủi trách nhiệm trong việc phá vỡ hiện trạng, hủy diệt môi trường, leo thang căng thẳng.
Kiện hay không kiện, bao giờ kiện?
Quay trở lại câu hỏi "kiện hay không kiện", "bao giờ kiện" mà Tiến sĩ Dương Danh Huy đặt ra. Tôi tin rằng đây không chỉ là mối quan tâm, trăn trở của cá nhân Tiến sĩ Dương Danh Huy, mà của đại đa số dư luận nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước.
Hậu phán quyết trọng tài, ngư dân Philippines vẫn bị Trung Quốc ngăn cản không cho vào đánh bắt ở đầm phá Scarborough, ảnh minh họa: Reuters. |
Qua những phân tích phía trên chúng ta có thể thấy, Việt Nam hoàn toàn có đủ căn cứ pháp lý, bằng chứng và sự tự tin giành được ủng hộ của dư luận khu vực và quốc tế để đấu tranh chống lại các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm UNCLOS 1982, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông từ phía Trung Quốc, trong đó có phương tiện pháp lý, tức khởi kiện Trung Quốc.
Tuy nhiên, kiện Trung Quốc những nội dung cụ thể gì? Kiện ra cơ quan tài phán quốc tế nào? Căn cứ vào cơ sở pháp lý nào? Tiến trình ra sao? Tác động ảnh hưởng của vụ kiện đến Việt Nam và khu vực? Khả năng thực thi phán quyết?...
Rất nhiều câu hỏi đặt ra và yêu cầu chúng ta phải có câu trả lời, lường trước các tình huống và phản ứng của các bên, tính toán phương án phản ứng của mình làm sao để đảm bảo tốt nhất lợi ích hợp pháp quốc gia dân tộc.
Những câu hỏi này khó có thể trả lời ngay lập tức "có hay không", hoặc "bao giờ", bởi nó phụ thuộc nhiều yếu tố cần được tính toán thấu đáo.
Nhưng có một điều chắc chắn rằng, chúng ta sẽ sử dụng mọi biện pháp có thể để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, trong đó hiệu quả phải luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu cần tính đến.
Mặt khác, thông qua vụ kiện trọng tài của Philippines và thực tế tranh chấp quyền đánh bắt cá giữa các nước trong khu vực trên Biển Đông thời gian gần đây cho thấy, đã đến lúc chúng ta cần đưa ra những cảnh báo cần thiết cho bà con ngư dân, khu vực nào đánh bắt an toàn, khu vực nào có tranh chấp, khu vực nào nguy hiểm cần chú ý.
Đồng thời cần triển khai sâu rộng việc việc giáo dục, nâng cao nhận thức về luật pháp quốc tế bao gồm UNLCOS 1982 được cụ thể hóa trong từng lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực nghề cá cho bà con, tính toán các biện pháp hỗ trợ cần thiết.
Trong bài phân tích trước, có bạn đọc góp ý với tôi:
"Nhưng đúng như bạn Cao Như Ý nói, bác Trục nói chưa hẳn đã đúng hết quy định tại Điều 13 về bãi cạn nửa nổi nữa chìm, UNCLOS không quy định phải xây công trình nhân tạo mới được tính làm điểm cơ sở khi nằm trong 12 hải lý của 01 đảo khác, đấy là bác nhầm sang với xây công trình nhân tạo trong vùng nội thủy rồi;
Vấn đề là ở chỗ Vành Khăn và Cỏ Mây rõ ràng là ảnh hưởng nhất tới VN, không thể nói suông là VN khẳng định chủ quyền như vậy, thực sự yêu sách của VN ở Trường Sa tới giờ vẫn rất mơ hồ, muốn đảm bảo lợi ích ở đây đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ nội dung phán quyết chi tiết."
Tuy nhiên bạn đọc mới đề cập đến Điều 13: "Bãi lúc chìm lúc nổi", Phần 2: "Giới hạn của lãnh hải" thuộc Chương II: "Lãnh hải và vùng tiếp giáp".
Nhưng bản chất vấn đề với các thực thể mà bạn nêu ra theo phán quyết của Tòa, lại là áp dụng Khoản 4, Điều 7: "Đường cơ sở thẳng", thuộc Phần 2, Chương II, UNCLOS 1982 chứ không phải Điều 13 như bạn đọc nêu.
Cụ thể là ở chương này, UNCLOS 1982 đã quy định rất chặt chẽ 2 phương pháp thiết lập hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải cho các quốc gia ven biển cũng như các đảo xa bờ.
Với truyền thông và dư luận, cần hết sức bình tĩnh và tỉnh táo trước mỗi sự cố trên Biển Đông mà cá nhân tôi cho rằng, nó sẽ còn xảy ra nhiều hơn, xem xét nó một cách thấu đáo dưới góc độ pháp lý để có phản ứng thích đáng, phù hợp.
Mọi sự phản ứng chỉ dựa vào cảm xúc rất có thể dẫn đến những hành động cực đoan, gây bất ổn xã hội, chẳng giúp gì cho bà con ngư dân mà lại làm mọi thứ rối thêm.
Tuy nhiên các cơ quan chức năng cần thường xuyên cập nhật thông tin, đưa ra phản ứng chính thức, công khai, kiên quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Việc đẩy mạnh tuyên truyền giải thích, đối thoại với người dân để tăng cường đoàn kết thống nhất nội bộ có làm tốt thì mới mong đấu tranh hiệu quả với các thế lực đang đe dọa quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, tránh bị ai đó lợi dụng kích động và chia rẽ dân tộc này, đất nước này.