Nhớ lại hơn mười năm trước (l999), một cô nhà báo hỏi tôi: “Gần nửa thế kỷ đứng trên bục giảng và chỉ giảng dạy một môn duy nhất là Lịch sử Việt Nam, thầy suy nghĩ như thế nào để những bài học quốc sử không bị lãng quên?”
Một câu hỏi vừa thú vị, vừa nhức nhối.
Thú vị, vì dạy và học quốc sử đang là một vấn đề lớn đặt ra cho toàn xã hội; điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở cách đây 70 năm (1941): “Dân ta phải biết sử ta”.
Nhức nhối, vì làm sao đến nỗi quốc sử lại có thể “bị lãng quên!”
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet) |
Trải hàng ngàn năm, dân tộc Việt Nam, cũng như bao dân tộc khác trên trái đất, rất có ý thức về lịch sử dân tộc mình. Có thể nói không quá đáng rằng: vừa lọt lòng mẹ chúng ta đã bắt đầu cảm nhận những âm điệu sâu lắng qua lời ru của mẹ về Hai Bà Trưng “quê ở Châu Phong”, về một Bà Triệu “cưỡi voi bành vàng”…Lời ru đưa ta ngược về nguồn cội “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng 10 tháng Ba”.
Lớn dần lên, bất cứ ai trong chúng ta mà lại không nhớ mẹ mình, bà mình vẫn rủ rỉ kể cho ta nghe những chuyện cổ tích tưởng như hoang đường mà thật hấp dẫn. Và cho đến hôm nay, tôi dám “đánh cược” rằng: Bất cứ ông lão, bà lão nào sống đến 90 tuổi có thể quên gần hết mọi chuyện trên đời, nhưng nếu còn chút minh mẫn của tuổi già, chắc chắn các cụ sẽ kể vanh vách cho ta nghe câu chuyện Thánh Gióng lên trời, Sơn Tinh - Thủy Tinh đánh nhau quyết liệt, chuyện Mỵ Châu - Trọng Thủy yêu nhau say đắm!
Bi hài: Học sinh Hà Nội nói "Thủ đô là Quảng trường Ba Đình"
GS Nguyễn Minh Thuyết bàn chuyện HS Hà Nội không biết tên Thủ đô
Học sinh Hà Nội nói: Yết Kiêu đánh giặc Minh, Sơn Tinh là... thần nước
Có thể có một cháu bé nào đó thắc mắc: Làm gì có chuyện đứa trẻ 3 tuổi chỉ cần vươn vai một cái là trở thành người lớn phi ngựa sắt như bay! Cũng có thể có một cậu thanh niên đang háo hức với mối tình đầu vắt vai đã sụt sùi “rơi lệ” khi nàng Mỵ Châu lén rắc lông ngỗng cho chàng lần theo dấu vết; lại còn trách nhà thơ chẳng hiểu gì yêu đương, nỡ kết tội nàng “trái tim lầm chỗ để trên đầu”…
Nhưng với thời gian, với từng trải sự đời, cháu bé và cậu thanh niên, và có lẽ cả nhà thơ nghiệm ra rằng: Truyền thuyết là truyền thuyết, nhưng hạt nhân cốt lõi của nó là những thông điệp tuyệt vời của tổ tiên hàng ngàn năm trước, những thông điệp chất chứa biết bao gian lao tủi nhục, cay đắng nữa... gói ghém những căn dặn khôn ngoan, tinh tế liên quan đến sự sống còn của dân tộc, của giống nòi.
Lại nhớ một lần đi thực tế điền dã về “vùng sâu, vùng xa”, tôi được trò chuyện với một thầy giáo già, da mặt thầy đã nhăn nheo nhưng cặp mắt thầy vẫn tinh anh:
- Chú dạy sử hả?
- Vâng ạ, cháu dạy sử, nhưng cháu đi thực tế để tiếp tục học sử. Thưa thầy, chuyện Thánh Gióng, chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh ngụ ý thế nào ạ?
- Thánh Gióng hả? Là quyết tâm giữ nước ngay từ lúc sức mình còn rất non yếu. Sơn Tinh hả? Là dốc sức chống thiên tai lũ lụt bảo vệ mùa màng, sinh mạng.
- Mỵ Châu - Trọng Thủy là sao, thưa thầy?
- Sâu sắc lắm, cay đắng lắm các chú ạ; không phải chuyện yêu đương mùi mẫn của đôi trai gái đâu!
- Thưa thầy, không "mùi mẫn" thì sao đến nỗi để lầm tim trên đầu?
- Nhà thơ "thi vị hóa" thế thôi, chứ nhà thơ thừa biết câu chuyện ẩn chứa một thông điệp lớn. Là tổ tiên ta muốn căn dặn con cháu rằng: ở đời không ai không mắc sai lầm, kể cả ông thánh. Sai lầm dù có nghiêm trọng đến mấy vẫn có thể được lịch sử tha thứ, nhưng tuyệt đối không được vướng vào Mỵ Châu - Trọng Thủy. Thông điệp là ở chỗ đó"… Phải biết sử ta cho tường gốc tích nước nhà…" cũng chính là ở những chỗ như vậy!
Thầy giáo già giải thích có vẻ đơn giản nhưng thật ấn tượng, giúp tôi cảm nhận lịch sử dân tộc mình càng học càng ngấm. Hình như trên thế gian này, cổ kim đông tây, chưa thấy một dân tộc nào chịu đau thương tủi nhục cả ngàn năm mà lại thoát ra được. Để đi từ tủi nhục đến vinh quang, bằng máu xương mình giành lại quyền làm chủ trên chính mảnh đất cha ông mình để lại không phải là chuyện bình thường! Một nhà sử học phương Tây đã có lý khi cho rằng: "Dân tộc nào dám vượt lên tủi nhục để khẳng định mình, dân tộc ấy xứng đáng để lại cho con cháu họ những trang sử đích thực".
Hẳn rằng Việt Nam ta đã có một lịch sử như thế: Một dân tộc luôn phải gồng mình lên gấp bội (Thánh Gióng) để giữ nước, luôn phải đắp cao ngọn núi để chống bão lũ (Sơn Tinh)...Đó cũng chính là hành trang cơ bản cho hết thế hệ Việt Nam này đến thế hệ Việt Nam khác đi hoài, đi mãi để mà phấn đấu. "Phải biết sử ta cho tường gốc tích" cũng tức là mỗi con người Việt Nam luôn tự hỏi mình từ đâu trong lịch sử đến đây. Có như vậy, ta mới biết mình đang ở đâu, sẽ đi tới đâu và để làm gì. Một dân tộc như Việt Nam, không có lịch sử mấy ngàn năm kiên cường như thế thì làm sao có thể sản sinh ra Hồ Chí Minh, và sự nghiệp hôm nay cũng không có.
Cô nhà báo năm nào còn hỏi: "Thưa Thầy, phải chăng sứ mệnh của quốc sử trong xã hội cũng như nhà trường đã hàm chứa trong hai câu thơ của Bác Hồ?". Tôi đã trả lời ngay: "Đúng vậy, cô ạ. Vì quốc sử là máu thịt, là tâm hồn Việt Nam. Có người còn bạo miệng cho rằng: không hiểu biết quốc sử là điều đáng hổ thẹn nhất.
Có lẽ đã đến lúc vị thế môn lịch sử dân tộc phải được "quán triệt" trong nhà trường các cấp. Ngay trong các trường đại học, kể cả khoa học tự nhiên, cũng nên có môn quốc sử với liều lượng khác nhau. Đơn giản là: Nếu chúng ta, trước hết là thanh thiếu niên ít hiểu biết lịch sử dân tộc từ gốc tích (chưa nói là hiểu một cách tường tận) thì làm sao xã hội có thể đòi hỏi ta phải thấu hiểu công ơn tổ tiên để đền đáp, để cống hiến xứng đáng cho quê hương, đất nước!
Một khi môn lịch sử dân tộc được đặt đúng vị thế mặc nhiên phải có trong nhà trường thì mọi sự sẽ tự nó vận hành; và mọi người bằng trí tuệ của mình sẽ chung sức xoay chuyển tình thế. Và đến lúc đó, ta khỏi loay hoay gỡ rối bằng những biện pháp chắp vá vụn vặt về cơ cấu chương trình, về sách giáo khoa hay về thời lượng dạy - học môn lịch sử trong nhà trường.
Vì rằng đến lúc đó, tự khắc ngành giáo dục - trước hết là các thầy cô dạy sử - sẽ có thừa bản lĩnh và tri thức để biết cách trả lại cho môn lịch sử dân tộc vị thế đích thực của nó. Lại càng khỏi lo học trò (từ tiểu học đến đại học) không biết tự thân vận động như thầy cô, một khi tài liệu dạy - học không còn bó hẹp trong sách giáo khoa, giáo trình hay các thư viện, và việc sử dụng laptop, truy cập chọn lựa thông tin về lịch sử trên internet đang trở thành câu chuyện bình thường khắp mọi miền đất nước. Ta nên đánh giá cao tư duy độc lập và khả năng sáng tạo của đội ngũ các thầy cô dạy sử cũng như hàng triệu học trò của họ.
Suy nghĩ miên man, tôi ngủ thiếp và… nằm mơ. Tôi mơ thấy người ta đang nghiêm túc tính chuyện coi môn Lịch sử dân tộc là một môn học chính trong các cấp học phổ thông, đặt ngang hàng với môn Văn và môn Toán. Đột nhiên tôi thở phào tỉnh giấc, chợt nhận ra mình vừa ước mơ một điều gì trọng đại lắm.
Cho dù ước mơ chỉ là ước mơ, và không phải ước mơ nào cũng có thể trở thành hiện thực, thì tôi vẫn nghĩ rằng đó là một giấc mơ đẹp của riêng tôi.
ĐIỂM NÓNG |
|
Nguyễn Quang