Không thầy cô nào muốn lên Phòng GD làm việc vì bị cắt phụ cấp, thu nhập giảm

06/03/2023 06:37
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhân sự tại Phòng GD ít, đầu việc nhiều nên có trưng tập GV lên làm việc cũng chỉ là giúp việc ngắn hạn, lâu dài thì GV không lên vì thu nhập giảm.

“Một phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện phải quản lý 3 cấp học với nhiều trường, nhiều đầu việc khác nhau. Tuy nhiên, nhân sự lại mỏng nên phải trưng tập anh chị em giáo viên, cán bộ quản lý ở các trường lên Phòng làm việc. Việc này khiến nhiều lúc anh chị em cũng rất tâm tư, các cấp quản lý cũng gặp rất nhiều khó khăn”, thầy Nguyễn Văn Hà – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Yên (Sơn La) nói về việc trưng tập hoặc biệt phái giáo viên, cán bộ quản lý ở dưới trường lên Phòng làm việc.

“Cũng như các phòng khác trên địa bàn huyện Bắc Yên, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Yên cũng có biên chế không quá 7 nhân sự. Công việc của ngành Giáo dục lại có nhiều đầu việc đặc thù khi quản lý nhiều trường, nhiều cấp học khác nhau nên anh chị em làm việc rất vất vả. Nhiều lúc phải đi làm cả thứ 7, Chủ nhật để đảm bảo tiến độ công việc.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ mà Ủy ban nhân dân huyện giao, đảm bảo chức năng của phòng Giáo dục, lãnh đạo Phòng thường phải tham gia các cuộc họp để tham mưu Ủy ban nhân dân nên khối lượng công việc của một cán bộ, chuyên viên phải xử lý ở phòng rất lớn.

Các thầy cô giáo không ngại khó khăn, chỉ mong làm đúng chuyên môn. Ảnh minh họa: LC

Các thầy cô giáo không ngại khó khăn, chỉ mong làm đúng chuyên môn. Ảnh minh họa: LC

Bên cạnh đó, thực hiện chuyển đổi số nên có họp trực tuyến đột xuất. Nhiều lúc việc họp trùng với kế hoạch tổ chức khảo sát thực tế tại các đơn vị trường học nên việc sắp xếp nhân sự đảm bảo công việc gặp rất nhiều khó khăn.

Năm học 2022-2023 toàn huyện Bắc Yên có trên 20.700 học sinh, có 44 đơn vị trường học các cấp, có 1 nhóm trẻ tư thục, với tổng số 785 nhóm, lớp, với hơn 20.550 học sinh.

Trước đây, chúng tôi có sử dụng giáo viên biệt phái lên phòng, tuy nhiên đến nay không sử dụng nữa mà chỉ trưng tập anh chị em giáo viên, cán bộ quản lý ở dưới trường lên làm việc bán thời gian”, ông Hà cho biết.

“Việc phải cho anh chị em làm bán thời gian vì cán bộ, giáo viên phải đảm bảo các công việc ở trường. Bên cạnh đó, việc anh chị em không muốn lên phòng vì nếu làm công việc của công chức thầy cô sẽ bị cắt các phụ cấp khi còn ở trường. Chính vì thế không thể biệt phái thầy cô lên phòng được.

Lý do nữa là nhân viên biệt phái kể cả giỏi chuyên môn nhưng chưa quen với công tác quản lý, hành chính văn phòng tại phòng Giáo dục và Đào tạo nên việc hỗ trợ, biệt phái gặp nhiều khó khăn.

Do cần thời gian làm quen tại đơn vị mới nên áp lực công việc với đội ngũ nhân viên biệt phái rất lớn, chưa kể phải hoàn thành công việc tại đơn vị chủ quản.

Trước đây, khi cho anh chị em đăng ký lên phòng làm việc còn có vài người đồng ý lên. Bây giờ thì không ai muốn lên phòng làm việc cả nên có muốn trưng tập anh chị em lên cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều khi đưa thầy cô đi dạy trường xa không ngại nhưng lên phòng về trung tâm làm việc lại khó khăn hơn nhiều”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Yên chia sẻ.

“Để không phải trưng tập anh chị em lên phòng làm việc, đề nghị các cấp các ngành tăng biên chế cho phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương. Bởi ngành giáo dục là ngành đặc thù, quản lý nhiều đơn vị trường, nhiều nhân sự. Việc không quyết được nhân sự, thêm biên chế khiến anh chị em gặp rất nhiều khó khăn.

Để đảm bảo tiến độ các đầu việc của ngành, đôi khi từ trưởng phó phòng phải thực hiện 2 – 3 đầu việc một lúc nên rất vất vả. Nếu được, mỗi phòng Giáo dục và Đào tạo địa phương ít nhất nên có khoảng 12 biên chế trở lên mới có thể đảm bảo. 2 – 3 nhân sự phụ trách 1 cấp học và các công việc chuyên môn khác”, thầy Nguyễn Văn Hà nêu ý kiến.

Thầy Nguyễn Đức Tôn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thuận Châu cho biết: “Thuận Châu là huyện rộng nhất của tỉnh Sơn La với 84 đơn vị trường học trải khắp huyện. Về biên chế của phòng hiện đang thiếu 1 biên chế.

Trước đây chúng tôi có biệt phái giáo viên từ trường lên nhưng hiện nay không thể biệt phái được bởi Phòng đã thiếu biên chế rồi nhưng các trường còn thiếu hơn nên chỉ khi có công việc yêu cầu cần nhiều nhân sự như kỳ thi, hội thi thì mới có quyết định cử giáo viên vào bộ máy giúp việc và một số việc phát sinh cần người”.

Nhiều phòng giáo dục thiếu giáo viên nên việc điều giáo viên lên phòng càng gặp nhiều khó khăn hơn. Ảnh minh họa: LC

Nhiều phòng giáo dục thiếu giáo viên nên việc điều giáo viên lên phòng càng gặp nhiều khó khăn hơn. Ảnh minh họa: LC

Thầy Tôn cũng cho biết thêm, việc cử giáo viên có lên làm cũng chỉ là trưng tập tạm thời nên chế độ anh chị em không có thay đổi.

Bên cạnh đó, các trường cũng đang thiếu biên chế, sĩ số học sinh/lớp đông. Phòng thiếu biên chế, trường cũng không đủ, nên việc trưng dụng, biệt phái viên chức từ trường lên phòng là không dễ.

Vấn đề cần giải quyết lớn nhất vẫn là phòng có được biên chế tăng lên, đảm bảo nhân sự cho các công việc đặc thù của ngành giáo dục sẽ tốt hơn, hạn chế việc phải trưng tập giáo viên, thầy Tôn cho biết.

Cô Lò Thị Hạnh – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp cho biết: “Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp hiện được giao 6 biên chế, trong đó có 3 lãnh đạo và 3 chuyên viên.

Hiện tại đang có 3 lãnh đạo và 1 chuyên viên, thiếu 02 chuyên viên (Phòng đang đề xuất tiếp nhận 02 người từ viên chức (giáo viên) thành công chức (chuyên viên).

Về nhân sự, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp có nhu cầu tối thiểu 07 công chức (3 lãnh đạo và 04 chuyên viên) để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ. So với hiện tại, Phòng cần bổ sung tối thiểu 03 người.

Trong giai đoạn khó khăn về nhân sự, phòng Giáo dục và Đào tạo có đề nghị 1 số đơn vị trường bố trí cho giáo viên hỗ trợ phòng giáo dục trong công tác chuyên môn, tổng hợp số liệu… Giáo viên chỉ hỗ trợ Phòng khi đã thực hiện đủ định mức tiết dạy ở trường, khi trống tiết hoặc buổi chiều. HIện nay Phòng không thực hiện trưng tập, biệt phái giáo viên, nhân sự từ phía trường lên làm việc.

Nói về những khó khăn khi trưng tập giáo viên, cán bộ quản lý từ trường lên phòng làm việc, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp bày tỏ:

“Việc trưng tập hay biệt phái giáo viên đều có khó khăn do áp lực về thời gian và công việc ở phòng Giáo dục.

Nếu biệt phái, giáo viên không còn được hưởng các chế độ chính sách như giáo viên đứng lớp. Đa số cán bộ quản lý, giáo viên không muốn nhận biệt phái lên làm việc tại phòng Giáo dục”.

Trần Phương