Giáo viên trưng tập về Phòng GD mong ổn định không phải chạy đi, chạy lại

04/03/2023 06:45
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên trưng tập về Phòng GD phải cố gắng sắp xếp, cân bằng giữa công việc ở Phòng với giảng dạy ở trường để việc không "đè" người. 

Theo chia sẻ của một số giáo viên trưng tập về Phòng Giáo dục và Đào tạo làm việc cho thấy, họ mong có cơ chế để được ổn định việc làm tại một đơn vị, thay vì phải chạy đi chạy lại giữa Phòng và trường trong khi chỉ được hưởng lương ở trường.

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Ngọc Sửu – Giáo viên trưng tập của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, thầy đã có 3 năm làm giáo viên biệt phái và 2 năm làm giáo viên trưng tập. Hiện thầy đang phụ trách chính nội dung phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, cùng các công việc kiêm nhiệm khác.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Bông hiện có 7 người gồm: 1 Trưởng phòng, 1 Phó Trưởng phòng, 3 chuyên viên phụ trách chuyên môn các bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, 1 chuyên viên kế toán, thầy Sửu là giáo viên trưng tập duy nhất ở Phòng.

Thầy Sửu là giáo viên dạy Toán. Năm 2018, thầy bắt đầu về Phòng làm giáo viên biệt phái. Hết thời hạn 3 năm biệt phái, thầy Sửu chuyển sang diện giáo viên trưng tập để tiếp tục làm việc.

Cùng trao đổi với phóng viên, một giáo viên trưng tập của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện khác cho biết, Phòng thiếu nhân sự, trường học cũng không đủ giáo viên, nhất là khi triển khai chương trình mới nên việc trưng tập giáo viên từ trường lên Phòng không dễ. Khi đã trưng tập lên Phòng, giáo viên cũng phải mất thời gian ban đầu để quen với công việc.

"Khi mới về Phòng, dù có chuyên môn nhưng do chưa quen với công tác quản lý, hành chính văn phòng nên tôi phải mất nhiều thời gian học việc. Một số đồng nghiệp của tôi cũng là giáo viên trưng tập về Phòng. Trong đó, có người làm quản lý tốt, mong muốn được chuyển sang công chức để gắn bó lâu dài với Phòng nhưng không phải dễ dàng", giáo viên này nói.

Thù lao vài trăm nghìn khi tham gia ban tổ chức, giám khảo các cuộc thi cấp huyện

Với thầy Sửu, làm giáo viên biệt phái hay giáo viên trưng tập, thầy vẫn vừa phải duy trì số giờ giảng ở trường, vừa phải hoàn thành công việc ở Phòng.

“Có năm tôi dạy 2 tiết/tuần hoặc 4 tiết/tuần ở trường. Năm nay, tôi dạy 4 tiết/tuần và vẫn phụ trách công tác phổ cập giáo dục ở Phòng. Khi triển khai chương trình mới ở lớp 7, dù rất muốn bồi dưỡng cho đối tượng học sinh yếu nhưng ngoài giờ lên lớp, tôi phải trưng tập về Phòng làm việc nên không có thời gian.

Ở Phòng, tôi làm việc như một chuyên viên nhưng không có chức danh, không có chế độ. Khi đi công tác theo nhiệm vụ của Phòng, tôi phải nhờ giáo viên khác ở trường dạy đổi tiết để đảm bảo số giờ đứng lớp, đủ nhận lương”, thầy Sửu tâm sự.

Về nội dung phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, thầy Sửu cho biết: “Về Phòng làm việc từ năm 2018 đến nay nên tôi đã quen với công việc này. Với công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, tôi phụ trách tham mưu kế hoạch; chỉ đạo mở các lớp phổ cập giáo dục, xóa mù ở các xã trên địa bàn huyện. Tham mưu kiểm tra, công nhận xóa mù và cập nhật lên hệ thống…

Ngoài ra, tôi kiêm thêm các nội dung như: làm thống kê, tổng hợp báo cáo cho các phòng, ban theo tuần. Hỗ trợ công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho các trường và quản lý các phần mềm giáo dục…”.

Dù không được hưởng chế độ gì nhưng do nhiều việc nên thầy Sửu phải mang việc ở Phòng về nhà để hoàn thành và thầy nói vui đó là “làm vì đam mê”.

“Trường cách Phòng khoảng 10km, nhà tôi nằm ở giữa. Tôi đến trường 2 ngày/tuần. Những ngày còn lại, tôi làm việc ở Phòng.

Một năm học, Phòng tổ chức 4-5 cuộc thi cho cả 3 bậc học. Tham gia vào ban tổ chức, giám khảo, tôi được tính ngày công đi làm nên có hỗ trợ nhưng chỉ vài trăm nghìn, không nhiều. Đảm trách công việc của ban tổ chức, công việc của tôi ở Phòng lại độn thêm", thầy Sửu chia sẻ.

Được mời trưng tập về Phòng nhưng giáo viên không mặn mà

Phòng muốn trưng tập thêm một số giáo viên để bổ sung nhân lực nhưng khó tìm người. Có giáo viên muốn về trưng tập nhưng không làm được việc. Hay có giáo viên làm được việc nhưng lại không muốn về Phòng vì việc hành chính nhiều, áp lực, trong khi không được hưởng chế độ đãi ngộ gì.

“Bản thân giáo viên trưng tập trước hết phải có chuyên môn tốt, khả năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng xử lý tình huống phát sinh, xây dựng kế hoạch, tham mưu lãnh đạo Phòng làm công tác chuyên môn.

Nguyên nhân khiến giáo viên làm được việc nhưng không muốn chuyển hẳn về Phòng làm công chức do lương, phụ cấp cho cán bộ, chuyên viên ở Phòng thấp hơn ở trường. Việc chuyển giáo viên trưng tập sang công chức của Phòng cũng không phải dễ dàng.

Thêm nữa, ngoài giờ lên lớp, giáo viên có thể làm các công việc khác như: dạy thêm, bán hàng online… để có thêm thu nhập thay vì trưng tập về Phòng làm việc không được tính công. Cũng có một số giáo viên đặt ra điều kiện là phải có chế độ chính sách rõ ràng cho giáo viên trưng tập thì họ mới đồng ý về Phòng làm việc”, thầy Sửu nói.

“Được trưng tập về Phòng, tôi luôn xác định phải làm việc bằng cả tâm huyết, trách nhiệm. Ở Phòng sẽ có thời điểm xử lý công việc này chưa xong thì lại phát sinh việc mới nên gây nhiều áp lực. Do đó, tôi cố gắng sắp xếp, cân bằng hài hòa giữa công việc ở Phòng với giảng dạy ở trường để việc không "đè" người”. Tôi cũng mong làm việc ở Phòng để ổn định, không phải chạy đi chạy lại 2 đơn vị, hưởng 1 nguồn lương", thầy Sửu chia sẻ.

Ngọc Mai