Mấy ngày nay dư luận Thủ đô lại nóng lên khi có thông tin hung thủ Nguyễn Mạnh Tường có thể được trả tự do nếu không tìm thấy xác chị Lê Thị Thanh Huyền – người phụ nữ đáng thương mà Tường khai đã ném xuống sông Hồng từ hơn 2 tháng trước.
Như Báo Giáo dục Việt Nam đã đưa, LS Nguyễn Hoàng Tiến - Trưởng văn phòng luật sư Đức Thịnh (Hà Nội) cho biết, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả với luật hình sự quốc tế cũng phải bó tay trong trường hợp này. Luật hình sự của Liên hợp quốc đang sử dụng cũng phải xét xử dựa trên hậu quả để lại.
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong tội phạm hình sự, không chứng minh được hậu quả đó thì đồng nghĩa với việc không đủ căn cứ để chứng minh hành vi phạm tội. Nếu không tìm được xác chị Huyền thì không thể truy tố xét xử Nguyễn Mạnh Tường ở bất kỳ tội danh nào.
Ông Tiến nêu thí dụ: “Trong một vụ án, nạn nhân bị giết rồi bị đốt ra thành tro. Để truy tố, xét xử kẻ giết người, cơ quan điều tra phải thu được cái tro đó, mang đi giám định, kết luận tro đó có phải là tro từ xương, từ thịt của người bị giết hay không. Như vậy mới có căn cứ để xét xử”.
|
Một cựu lãnh đạo của VKSNDTC nhận định, dù không tìm thấy xác chị Huyền, hung thủ Nguyễn Mạnh Tường vẫn bị xử nghiêm theo quy định của pháp luật. |
Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, một cựu lãnh đạo cao cấp của VKSNDTC, nhận định: “Kể cả trong trường hợp không tìm thấy xác chị Huyền thì hung thủ Nguyễn Mạnh Tường vẫn bị đưa ra xét xử với tội danh vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp làm thiệt hại sinh mạng người khác, còn hành vi phi tang xác xuống sông là tình tiết tăng nặng”.
Cũng theo vị cựu lãnh đạo của VKSNDTC, trong trường hợp tìm được xác của chị Huyền có hai khả năng xảy ra: Thứ nhất, nếu trong phổi có nước hoặc bùn thì Nguyễn Mạnh Tường phạm tội giết người, tức là chị Huyền bị ném xuống sông khi vẫn còn sống; Thứ hai, nếu không thấy có dấu hiệu bất thường trong phổi thì vẫn truy tố tội danh vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp làm thiệt hại sinh mạng người khác.
“Hung thủ sau khi bị bắt đã thừa nhận hành vi có phẫu thuật cho chị Huyền và dẫn tới cái chết, sau đó thực hiện hành vi che dấu tội phạm là ném xác phi tang xuống sông Hồng. Trong quá trình thực nghiệm hiện trường, hung thủ cũng đã khai khá rõ các chi tiết về hành vi phạm tội của mình, đó là căn cứ để kết tội, và tất nhiên còn có nhiều căn cứ khác nữa”, vị cựu lãnh đạo VKSNDTC cho biết.
Trước những thông tin cho rằng, hung thủ Nguyễn Mạnh Tường có thể không bị xét xử nếu không thể tìm thấy xác của chị Huyền, nếu ra tòa hung thủ có thể phản cung cho rằng quá trình điều tra bị ép cung nên khai bừa, vị cựu lãnh đạo của VKSNDTC cho biết: “Đúng là trên thực tế có những trường hợp ra tòa rồi mà vẫn ngoan cố không nhận tội và nói là bị ép cung trong quá trình điều tra, tuy nhiên trong trường hợp này thì hung thủ Tường không thể chối cãi. Ngoài Tường còn có những người khác tham gia ê kíp phẫu thuật cho chị Huyền, lời khai của họ là căn cứ. Bên cạnh đó, còn có một nhân viên bảo vệ là Đào Quang Khánh đã đem chiếc xe máy của chị Huyền ra đường Cổ Linh, rồi cùng với Tường đưa xác chị Huyền lên cầu Thanh Trì ném xuống sông Hồng. Như vậy là có đủ căn cứ để xử chứ không phải không có căn cứ, tôi tin là pháp luật sẽ xử nghiêm với trường hợp này”.
Trước những thông tin dư luận rất bất bình trước hành vi man rợ của Nguyễn Mạnh Tường, vị cựu lãnh đạo của VKSNDTC bày tỏ: “Tôi không hiểu tại sao người ta chỉ nhăm nhăm tìm cách buộc tội hung thủ ở vụ án này, mà không tìm ra nguyên nhân sâu xa để ngăn chặn? Việc Nguyễn Mạnh Tường gây ra cái chết cho chị Huyền có phần lỗi rất lớn của các cơ quan quản lý nhà nước, nhưng không thấy xử lý được ai. Thời gian vừa rồi rất nhiều vụ bác sĩ từ Trung Quốc sang mở cơ sở khám bệnh không giấy phép hành nghề gây bất an cho nhân dân, có thấy ai bị cách chức, xử lý đâu? Còn về mặt pháp luật, để ngăn chặn tốt hơn nữa thì tôi cho rằng cần phải nghiên cứu sửa đổi tăng nặng hình phạt đối với những trường hợp cố ý vi phạm đạo đức nghề nghiệp như hung thủ Tường”.
Diệu Linh