Giải pháp cho ngành chăn nuôi bò sữa Hà Nội
Nhằm nâng cao hiệu quả, tăng năng suất kinh tế cho ngành chăn nuôi bò sữa Hà Nội, Trung tâm chăn nuôi Hà Nội phối hợp với Công ty CP Sữa quốc tế IDP tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình hợp tác phát triển chăn nuôi bò sữa và xây dựng chuỗi chăn nuôi tiêu thụ sữa tươi tại địa bàn Hà Nội.
Chương trình hợp tác này sẽ mang đến cho người nuôi bò tại Hà Nội có cơ hội phát triển đàn bò, ổn định đầu ra, đồng thời người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm chất lượng, giá rẻ.
Toàn cảnh Hội nghị triển khai Chương trình hợp tác phát triển chăn nuôi bò sữa và xây dựng chuỗi chăn nuôi tiêu thụ sữa tươi tại địa bàn Hà Nội (ảnh H.Lực). |
Trong đó nhiệm vụ Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội sẽ tham mưu và triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò sữa và tiêu thụ sữa trên địa bàn Hà Nội. Tham mưu ban ngành tại Hà Nội xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển mạnh sản phẩm chủ lực của Thủ đô trong đó có sữa.
Về phía IDP, Công ty sẽ cùng địa phương xây dựng vùng nguyên liệu sữa trên địa bàn, đảm bảo ổn định lâu dài gắn với quy hoạch phát triển chăn nuôi bò sữa của Hà Nội.
Sản xuất và cung ứng sản phẩm đảm bảo chất lượng như đã công bố và có nguồn gốc hàng hóa rõ ràng “100% sữa tươi Ba Vì” với giá tiết kiệm giảm gần 20% so với sản phẩm sữa tươi Ba Vì hiện nay.
Xây dựng chính sách và quản lý tốt các trạm thu gom sữa, đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm…
Ông Lê Tiến Dũng – Phó Tổng giám đốc IDP: Yêu cầu lúc này của ngành sữa là phải giảm giá thành sữa nước nguyên liệu, tăng năng suất chất lượng. |
Để hiện thực hóa nội dung chương trình hợp tác, ông Lê Tiến Dũng – Phó Tổng giám đốc IDP cho rằng cần sự phối hợp chắt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nông dân.
Theo ông Lê Tiến Dũng, có một thực tế là mùa đông được ví như vụ chín sữa – vì năng suất sữa tươi nguyên liệu đạt cao nhất. Trong khi mùa đông nhu cầu tiêu thụ sữa của người dân lại giảm, dẫn đến giá sữa giảm. Lúc đó người dân không mặn mà với bò sữa do chi phí đầu vào cao giá bán.
Mặt khác, giá sữa trên thị trường thế giới trong thời gian qua liên tục giảm cũng ảnh hưởng đến giá sữa trong nước. Trong khi giá thành sản xuất 1 kg sữa nước nguyên liệu Việt Nam đang cao hơn thế giới.
Yêu cầu lúc này phải giảm giá thành sữa nước nguyên liệu tăng năng suất chất lượng.
Để thực hiện mục tiêu trên, ông Dũng khẳng định cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Qua đó, ông Dũng đưa ra 4 đề xuất:
Thứ nhất cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng cần có định hướng trong chăn nuôi với nông dân. Đề các nông hộ áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, nâng cao chất lượng con giống cho năng suất cao hơn.
Thứ hai quy hoạch chuyên môn hóa các vùng trong điểm chăn nuôi bò. Theo đó IDP chủ trương không phát triển đàn bò tăng lên theo cơ học mà hướng đến chất lượng, năng suất cho sữa. Tập chung vùng chăn nuôi bò sữa hai khu vực Ba Vì và Gia Lâm
Thứ ba, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương xây dựng vùng thức ăn, chủ động nguyên liệu thức ăn cho bò trong các thời điểm trong năm.
Thứ tư tiến hành kiểm tra giám sát thực hiện đảm bảo chăn nuôi tốt, năng suất cao.
Nông dân phải bắt tay doanh nghiệp
Song song với đó, IDP sẽ đưa ra thị trường sản phẩm sữa tươi 100% Ba Vì với giá bán rẻ gần 20% giá sữa tươi Ba Vì hiện nay.
Với cách làm này IDP hy vọng sẽ giúp thúc đẩy hành vi tiêu dùng của người dân, nhờ đó đẩy mạnh sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân.
Theo ông Tạ Văn Tường – Giám đốc Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội, sản phẩm sữa tươi 100% Ba Vì chính là “trái ngọt” cho mô hình chuỗi liên kết Nhà nước – Doanh nghiệp – Nông dân. Theo đó, các ban ngành, doanh nghiệp đã tư vấn, định hướng sản xuất, người nông dân ủng hộ việc thu mua nguyên liệu theo hướng thị trường…
Nhờ đó, sản phẩm đáp ứng mong đợi của người tiêu dùng về giá cả và chất lượng, góp phần kích cầu thị trường, tăng đầu ra sữa tươi.
Ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi Việt Nam: Trong thời điểm kinh tế khó khăn, khi nhà nhà đều giảm chi tiêu thì việc đưa ra sản phẩm chất lượng giá thành giảm là biện pháp giúp doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường. |
Nhận xét về mô hình hợp tác phát triển chăn nuôi bò sữa và xây dựng chuỗi chăn nuôi tiêu thụ sữa tươi giữa Trung tâm chăn nuôi Hà Nội và IDP, ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi Việt Nam cho rằng đây là sáng kiến hay giúp phát triển ngành chăn nuôi bò sữa trong lúc đang khó khăn.
Theo ông Hoàng Thanh Vân, thời gian qua giá sữa trên thị trường thế giới liên tục giảm, trước thềm mội nhập TPP và AEC sữa các nước sẽ tràn vào Việt Nam. Trong khi hiện nay giá thành sản xuất 1 kg sữa Việt Nam đang đắt hơn thế giới rất nhiều, nếu không tìm biện phát nâng cao năng suất hạ giá thành sản phẩm thì trong một vài năm tới sẽ rất khó cạnh tranh.
Theo ông Vân, lúc này bản thân nông hộ phải chủ động phối hợp với doanh nghiệp, bắt tay doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng.
Muốn làm được điều này Cục trưởng Cục Chăn nuôi chỉ ra 4 vấn đề: Nâng cao chất lượng con giống; Xây dựng chuỗi thức ăn; Giảm khấu hao để hạ giá thành sữa và xây dựng chuỗi liên kết nông dân và doanh nghiệp.
Ông Vân cho rằng trong thời điểm kinh tế khó khăn, khi nhà nhà đều giảm chi tiêu thì việc đưa ra sản phẩm chất lượng giá thành giảm là biện pháp giúp doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường.
Hiện Hà Nội có 15,3 nghìn bò sữa với sản lượng sữa năm 2015 ước đạt 40 nghìn tấn (tăng 28,2% so với năm 2014). Hà Nội có 45 trạm thu gom sữa trong đó có 28 trạm của IDP (chiếm 62,2%). Sản lượng sữa bình quân IDP mua hàng ngày là 79,6 tấn/ ngày (chiếm 71,4% tổng sản lượng sữa). Theo định hướng phát triển của TP Hà Nội sẽ tập trung chăn nuôi bò sữa hai huyện là Ba Vì và Gia Lâm với 15 xã trọng tâm. |