Nhiều du khách sau khi đi viếng một ngôi chùa tại xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa phàn nàn về tình trạng một số người xưng là “phật tử” ngồi cạnh bàn “lấy quẻ” ngang nhiên hỏi du khách “bỏ bao nhiêu tiền vào hòm công đức?”.
Nếu bỏ trên 10 nghìn đồng thì mới được rút quẻ, còn dưới thì sẽ không được rút. Nhiều du khách tỏ ra bức xúc vì vấn đề tâm linh, tín ngưỡng bị một số người đem ra “mặc cả, kinh doanh”.
Việc đặt hòm công đức tràn làn, quá số lượng quy định đều đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND các tỉnh có văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở. Tuy nhiên, tình trạng các chùa chiền, đền thờ, miếu mạo đặt tràn lan hòm công đức vẫn diễn ra.
Hòm công đức được bày tràn lan tại nhiều điểm thờ tự. |
Việc đổi tiền lẻ vẫn diễn ra công khai ở nhiều đền thờ, tình trạng nhét vào tay tượng phật, vứt xuống giếng… đã làm méo mó hình ảnh nơi cửa thiền.
Một số du khách đã từng chứng kiến cảnh tại chùa Bái Đính, chỗ đặt cái chuông khổng lồ, người dân vừa ném tiền xuống người phục vụ lao đến quét cho vào được mấy bao tải, như quét lá khô. Hai bên hành lang các tượng La Hán nhiều người còn nhét tiền vào tay các tượng.
Được biết, chỉ trong 3 tháng lễ hội năm 2014, chùa Hương (Hà Nội) đã gom được 1.200 bao tiền lẻ, tương đương với 20 tỷ đồng. Cứ tưởng tiền lẻ nhưng đây là một số tiền không hề nhỏ. Vì vậy, việc các nơi thờ tự đua nhau đặt hòm công đức giống như một hình thức tận thu.
Hầu hết các điểm thờ tự đều có cảnh người bán hàng quây kín hai lối đi vào. Người bán thì chèo kéo, mời chào, người mua thì ngả giá làm náo loạn nơi cửa thiền…
Tâm linh, tín ngưỡng gắn liền với nét văn hóa tốt đẹp của người Việt nhưng đang bị một số cá nhân, tổ chức lợi dụng thu vén bất chính, làm méo mó, lệch chuẩn giá trị văn hóa. Thiết nghĩ, những thói xấu, hành vi sai trái cần phải được loại bỏ trong đời sống tâm linh người Việt.