Cũng đã có không ít kiểu ăn chơi tàn nhẫn một cách quái dị được truyền thông và dư luận lên án. Óc khỉ, tay gấu, bào thai rắn, mắt đại bàng… được các đại gia “quý tộc” lựa chọn trong những món ăn được truyền tai là “bổ âm, kích dương, tốt tứ tung”. |
Mất nhân tính là món ăn óc khỉ, thời Từ Hy Thái Hậu đã dùng để chiêu đãi các sứ thần, đến nay nó cũng nằm trong danh sách các món ăn lạ của người giàu. Óc khỉ phải được ăn sống, người ta khoét một lỗ trên mặt bàn ăn, chiếm diện tích bằng 1/3 đầu con khỉ nhô từ dưới lên. |
Thực khách sau khi yên vị với các gia vị đi kèm, đến giờ “hành quyết”, “đao phủ” sẽ cầm dao sắc lẹm phạt một đường chỗ mỏm đầu con khỉ nhô lên. Khách sẽ dùng thìa múc óc tươi ăn trước khi con khỉ từ từ chết. |
Ăn bào thai động vật cũng là một thú chơi vừa xa xỉ và đáng khiếp sợ của các đại gia Việt. Trong đó rắn lục sắp đến kỳ “khai hoa nở nhụy” được nhiều người cho là “đẳng cấp” số 1. “Đao phủ” bằng cái vẩy tay trái nhanh như chớp mắt tóm gọn đầu con rắn lục, tay phải dùng dao nhọn phạt đứt đuôi con rắn, dòng máu đỏ được “chắt” vào từng ly rượu. Thêm một lần đưa dao, bộ lòng tung ra, trái tim con rắn được tách ra, thoi thóp đập trên đĩa, túi mật xanh lét được đánh giá là tinh túy nhất của con rắn được lấy ra cho vào một cốc rượu to. Nhát dao thứ ba xiên thẳng vào bào thai con rắn mẹ, những con rắn lục con chưa đủ tháng ngày nằm chiễm chệ trên đĩa, quằn quại. Ly rượu màu đỏ, ly rượu màu xanh được các đại gia khai màn, trái tim rắn được thả vào ly rượu khác rất nhanh trôi tuột vào bụng thực khách. Tiếp sau, các con rắn lục con nằm gọn trên từng đôi đũa, thực khách nhúng qua nồi nước dùng sôi sùng sục… và thế được gọi là bổ dương?!! |
Ăn thịt, uống máu, nuốt mật chưa đủ, với cái lý lẽ ăn gì bổ nấy, giới lắm tiền nhiều của đã tìm mua mắt đại bàng - chúa tể của bầu trời - để ăn cho… sáng mắt long lanh, bổ thấu trời xanh. Loại đại bàng được các đại gia ưa chuộng phải có trọng lượng từ 1kg trở lên, ăn phải lúc nó còn sống, đến giờ “hành quyết”, chú đại bàng được cột chặt đôi chân, hai sải cánh, con dao nhọn sẽ được khoét sâu vào hốc mắt xoáy tròn để móc lấy mắt. Sau khi lấy xong, “đao phủ” mới dùng cái chầy đập cho con đại bàng chết hẳn rồi mang đi chế biến. Đôi mắt đại bàng sẽ được hầm cách thủy để đại gia “thưởng thức”. (ảnh mang tính chất minh họa). |
Cách đây 5 năm, dư luận bổ ngửa trước một kiểu chơi "ngông" của ông Trần Công Lộc, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Cà Mau. Lúc đó, ông Lộc đã chi một khoản tiền khủng, rồi mướn thợ xây ở Cà Mau để xây phủ thờ họ Trần lớn nhất giữa một vùng quê nghèo ở thị trấn Ngã Năm (huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng), có diện tích khoảng 7.000 m2. Bà Trương Hoài Thanh, vợ ông Lộc, đã thừa nhận phủ thờ lớn nhất vùng. Tiền xây cất hết chừng 500 triệu đồng (con số khá lớn lúc bấy giờ). |
Nhìn từ ngoài, theo đường dẫn vào phủ là chiếc cầu bằng bê tông sơn phết đỏ tươi, cổng chính tòa phủ có mái ngói, rồng phượng uốn lượn, toàn bộ khuôn viên được đóng cọc bê tông, rào lưới B40. Khi qua cổng chính, gặp chiếc cầu hình bán nguyệt bắc qua ao sen. Phủ thờ chính cao vút, mái ngói cong vút trời xanh. Mỗi cây cột phủ thờ đều chạm rồng uốn lượn, cửa bằng gỗ đắt tiền. Phía sau là khu nhà lợp mái để thờ cúng. Được biết, vào thời điểm đó, đằng sau việc xây phủ thờ của ông Trần Công Lộc, dư luận còn nghi ngờ nguồn gốc tài sản của vị cán bộ này. |
Cũng "ý tưởng lớn" gặp nhau, năm 2011, truyền thông liên tục đưa tin ông Nguyễn Đức Lượng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Trường Linh (trụ sở tại Hà Nội), đã bỏ 10 năm (1998-2008) cùng với số tiền cả trăm tỷ đồng để kỳ công dựng nhà thờ người cha liệt sĩ tại quê nhà. Để thực hiện ý nguyện của mình, ông Lượng đã nhẫn nại thuyết phục làng xóm nhượng lại đất xung quanh. Từ mảnh đất 240 mét vuông, ông mua hết phía trước, mua rộng ra xung quanh và mua xuyên lên tận sườn dãy núi Chí Linh. Mảnh đất gom được rộng tới 5.000 m2, nằm trên một thế đất vàng theo phong thủy. Trước mặt là vòng tay ôm của con sông Kinh Thầy, sau lưng là dãy Chí Linh án ngữ, đúng là dựa núi nhìn sông. Nếu công việc đào hồ, đắp núi làm đi làm lại vài lần và được coi là kỳ công thì ngôi nhà thờ dát vàng còn tốn kém không biết bao nhiêu công sức, tiền bạc của chủ nhân. Theo một số tờ báo, ban đầu, khi đã gom đủ lượng gỗ lim (mua tận Nam Phi) để dựng nhà, đội thợ mộc nổi tiếng của Sơn Tây, gồm vài chục người, có lúc lên đến cả trăm, ăn dầm ở dề tại nhà anh đục đẽo. Suốt mấy năm trời kỳ công, đội thợ mới dựng lên được một ngôi nhà gỗ hoành tráng. Thế nhưng, gia chủ nhòm ngang ngó dọc, thấy không hài lòng, đã dỡ bỏ. Sau đó, ông lại mướn đội thợ giỏi nhất của Nam Định. Thợ mộc thì xẻ gỗ, đục đẽo ngày đêm như xưởng mộc khổng lồ, thợ đá đến từ Ninh Bình thì đẽo gọt, mài dũa đá xanh, đá trắng để lát nền, chạm trổ long, ly, quy, phụng… Cuối cùng, một công trình đẹp, hài hòa, mang đậm văn hóa Việt đã được hoàn thiện và các chuyên gia kiến trúc khó tìm thấy khiếm khuyết. |
Không phải phủ thờ, mà là lăng mộ... Ông Vũ Hồng K., đại gia bậc nhất Hải Phòng thời bấy giờ, đã thỏa khao khát tìm nơi an nghỉ cuối cùng bằng quần thể lăng mộ hơn 3.000 m2 tại quận Kiến An, với tổng chi phí ước chừng 1 triệu USD. Theo thông tin có được, ông K. đã gặp tất cả những hộ dân xung quanh mảnh đất để thỏa thuận, ngã giá mua lại, dù đắt cỡ nào ông cũng chịu. Cuối cùng, với 9 tỷ đồng, ông đã có trong tay mảnh đất như ý. Để bắt tay xây dựng lăng mộ cho mình, ông K. đã khăn gói quả mướp vào tận khu vực núi Nhồi, Thanh Hóa để tự tay chọn những khối đá đẹp nhất, đắt nhất. Ông bảo: "Đá xanh, đá đen đủ tiêu chuẩn phải nguyên khối, nguyên tảng, không có đường vân dù chỉ nhỏ bằng sợi tóc, không màu sắc pha tạp". Vì thế, ông K. không dùng cách khai thác bằng nổ mìn mà dùng sức người khai thác, bởi theo ông, đá khai thác bằng nổ mìn sẽ om, sức bền không tốt. Mỗi tảng đá như thế giá từ 10-30 triệu đồng. Và sau 5 năm cần mẫn làm việc của 3 anh em họa sĩ Trần Minh Tuấn cùng hàng trăm thợ lành nghề, khu trung tâm lăng mộ đã được hình thành vào năm 2010. |
Ngoài ra, "chơi" quan tài hàng tỷ đồng cũng là một "thú" mà các đại gia không bỏ quên. “Các loại quan tài dành cho tầng lớp thượng lưu, quan chức, đại gia thì có sự khác biệt hoàn toàn. Với những người này, người ta sẽ đặt quan tài từ khi vẫn còn khoẻ mạnh, hoặc khi mới ngã bệnh, chứ ít khi qua đời rồi con cái mới chạy đi mua. Vì có sự chuẩn bị từ trước nên họ rất kỹ trong việc chọn lựa từ kiểu dáng, mẫu mã, vật liệu… Họ thường thuê hẳn một người thiết kế riêng, sau đó mới đưa bản vẽ đến để cửa hàng đóng. |
Thường thì họ sẽ chọn gỗ Pơmu hoặc gỗ Sưa, hai loại gỗ này khá đắt tiền nhưng đúng là chất lượng tuyệt hảo. Muốn có một cỗ quan tài bằng gỗ này sẽ phải đặt trước ít nhất 3 tháng để gom nguyên liệu. Giá của nó thì thực sự là xứng tầm đại gia, ít nhất cũng phải 400.000 đến 600.000 USD một cỗ”. |
Mốt nuôi thú dữ bắt đầu được giới nhà giàu ưa chuộng từ khoảng 3 - 4 năm trở lại đây. Các đại gia đua nhau săn lùng những con thú lạ, thú độc, càng đứng đầu danh sách đỏ càng tốt. Trong nước không có thì đánh mối bên Lào, Campuchia, Ấn Độ… làm sao càng dữ, càng “độc” thì mới thể hiện được đẳng cấp. Thường thường thì "chơi" đà điểu, heo rừng, hươu, sóc, khỉ… Còn thời thượng, tay chơi hơn thì trong bộ sưu tập phải có gấu, có hổ, báo, hay sư tử, tê giác, trăn, rắn độc… trong vườn nhà. |