10 sự kiện tài chính ngân hàng nổi bật năm 2011

26/12/2011 07:32
Dưới đây là 10 sự kiện ề chính sách tiền tệ, ngân hàng tiêu biểu nhất tác động mạnh mẽ tới nhiều mục tiêu kinh tế vĩ mô của đất nước.

1. Năm 2011, chính sách tiền tệ chặt chẽ, tăng trưởng tín dụng 12%

Với bối cảnh kinh tế vĩ mô Việt Nam bất ổn, lạm phát tăng cao, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 nhằm kiểm soát lạm phát,ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó chính sách tiền tệ chặt chẽ.

Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được áp dụng tại tất cả các ngân hàng là dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán tăng 15-16%. Giảm tỷ lệ dư nợ phi sản xuất đến cuối năm xuống dưới 16%.

Tại buổi tổng kết ngành ngân hàng năm 2011, NHNN đã thông báo kết quả thực hiện Nghị quyết 11 và Chỉ thị 01. Tăng trưởng tín dụng ở mức 12%, tổng phương tiện thanh toán tăng 10%. Mức tăng trưởng tín dụng năm nay gấp đôi mức tăng GDP trong khi các năm trước, tín dụng đều gấp 5-6 lần mức tăng GDP.

2. Cú sốc điều chỉnh tỷ giá 9,3%

Năm 2011, chứng kiến lần điều chỉnh tỷ giá mạnh nhất của NHNN, có thể coi là 1 cú “shock” trên thị trường ngoại hối. Ngày 11/2, NHNN đã tăng tỷ giá từ 18.932 đồng đổi 1 USD lên 20.693 đồng, đồng thời thu hẹp biên độ giao dịch tỷ giá từ 3% xuống 1%. Chỉ sau 1 đêm giá trị Việt Nam đồng đã hạ 9,3% so với dollar Mỹ.
Biến động tỷ giá năm 2011

Biến động tỷ giá năm 2011

Sau điều chỉnh tỷ giá của NHNN, tỷ giá ngoài thị trường tự do đã có biến động mạnh, một số thời điểm tỷ giá tự do lên mức 22.000 đồng/USD.

Để đảm bảo ổn định tỷ giá, Chính phủ ban hành nghị định 95, phạt hành chính tới 500 triệu đồng cho vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Nhiều đơn vị, tổ chức cá nhân đã bị bắt vi phạm, thu giữ và phạt hành chính như Đại học FPT niêm yết bằng USD.

Sau "cú sốc" điều chỉnh vào tháng 2, tỷ giá chỉ tăng 0,97% trong 9 tháng còn lại của năm 2011.

3. Bước ngoặt trong chính sách quản lý thị trường vàng

Giá vàng đã tăng khoảng 25% trong năm 2011, mức tăng cao nhất đạt 40% khi giá vàng đạt đỉnh 49,2 triệu đồng/lượng vào ngày 23/8/2011, lúc này giá vàng thế giới cũng chạm đỉnh 1.900 USD/oz. Cuối năm, giá vàng trong nước ở mức 43-45 triệu đồng/lượng, giá vàng thế giới cũng có lúc sụt mạnh xuống 1.600 USD/ounce

Giá vàng tăng mạnh đẩy nhu cầu mua lên cao. NHNN đã phải cho phép SJC và 5 NHTM được bán vàng bình ổn là Sacombank, ACB, Techcombank, DongABank và Eximbank; lượng vàng bán ra đạt trên 10 tấn trong vòng 2 tuần.

Khi giá vàng thế giới điều chỉnh, giá vàng trong nước vẫn ở mức cao, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế lên đến 3-5 triệu đồng/lượng.
(Giá vàng trong nước tăng 25% trong năm 2011, đạt đỉnh 49,2 triệu đồng/lượng vào tháng 8)
(Giá vàng trong nước tăng 25% trong năm 2011, đạt đỉnh 49,2 triệu đồng/lượng vào tháng 8)

Nhiều bất cập trong thị trường vàng đã được giải quyết bằng dự thảo quản lý thị trường vàng của NHNN, chỉ còn chờ phê duyệt. Quy định mới sẽ siết lại việc sản xuất vàng miếng, tập trung việc dập vàng miếng về 1 mối SJC. NHNN cũng chủ trương sẽ dùng SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia.

Người dân được sở hữu vàng miếng. Các loại vàng miếng phi SJC được phép sản xuất trước đây vẫn được lưu thông.

4. Thống đốc mới Nguyễn Văn Bình và "bàn tay sắt"


Ông Nguyễn Văn Bình sinh ngày 4/3/1961, chính thức lên nhậm chức thống đốc NHNN Việt Nam vào ngày 3/8/2011 với 92% phiếu ủng hộ.

Gần 5 tháng điều hành, ông Bình đã thể hiện quyết tâm cao trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, hạ lãi suất, bình ổn thị trường vàng, ngoại tệ.
Ông Nguyễn Văn Bình chính thức nhậm chức Thống đốc NHNN ngày 3/8/2011
Ông Nguyễn Văn Bình chính thức nhậm chức Thống đốc NHNN ngày 3/8/2011

Ông Bình đã có những biện pháp rất cứng rắn trong việc giữ trần lãi suất huy động VND ở mức 14%. Đã có nhiều giám đốc chi nhánh ngân hàng bị buộc thôi chức, ngân hàng bị hạn chế chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, ngừng mở rộng 1 năm...(DongA Bank, HDBank). Kết hợp cùng các cơ quan chức năng khác, NHNN cũng đã mạnh tay siết chặt giao dịch mua-bán ngoại tệ tự do, ổn định tỷ giá.

5. Căng thẳng lãi suất ngân hàng


Năm 2011, NHNN đã 2 lần tăng lãi suất chiết khấu (từ 7% năm 2010 lên 13%), 4 lần tăng lãi suất tái cấp vốn (từ 9% lên 15%), 5 lần tăng lãi suất OMO (từ 8% lên 15%). Lãi suất cơ bản đã được giữ nguyên 9% kể từ năm 2010.

Lãi suất bắt đầu leo thang kể từ đầu tháng 5/2011, có thời điểm huy động VND lên đến 20%/năm, lãi suất cho vay nông nghiệp nông thôn lên 16,5-20%/năm, cho vay phi sản xuất từ 25-28%/năm.

Quy định trần lãi suất 14%/năm khiến các NHTM gặp khó về thanh khoản và phải đi vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất cao. Cá biệt, có những giao dịch lãi suất lên tới mức 30-40%/năm kỳ hạn 1 tháng.

Khi NHNN chủ trương hạ lãi suất vào những tháng cuối năm 2011, lãi suất liên ngân hàng đã hạ nhiệt nhờ NHNN bơm một lượng vốn đáng kể trên thị trường OMO.

6. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng mạnh

Năm 2011, dự kiến nợ xấu chiếm 3,6-3,8% tổng dư nợ, đó là con số được Thống đốc NHNN thông báo tại phiên chất vấn của Quốc hội. Đây là tỷ lệ được xác định bằng tiêu chuẩn kế toán Việt Nam.

Tại báo cáo cáo dự thảo lần 3 tình hình sản xuất kinh doanh của các Tcty, Ngân hàng thuộc khối doanh nghiệp nhà nước tính đến 30/6/2011 thì nợ xấu Agribank lên tới 6,67%; Vietcombank là 3,47%. Thủ phạm nợ xấu cao tại Agribank là do tín dụng bất động sản tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với dự án từ năm 2008, 2009.

Theo đánh giá của Fitch thì tỷ lệ nợ xấu Việt Nam khi áp dụng tiêu chuẩn Quốc tế về phân loại nợ sẽ cao hơn nhiều con số đã được công bố.

Đến cuối tháng 8/2011, nợ không đủ tiêu chuẩn hơn 76.700 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu gia tăng đều đặn từ đầu năm do kinh tế khó khăn đặc biệt là sự xuống dốc của thị trường bất động sản.

T.S Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia, đánh giá nếu hạch toán đầy đủ con số nợ xấu có thể lên tới 100.000 tỷ đồng tương đương khoảng 5 tỷ USD, trong đó nợ nhóm 5 lên tới 47% và một tỷ lệ lớn nợ nhóm 5 đang ẩn trong nợ nhóm 4.

7. Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng – Hợp nhất 3 ngân hàng TMCP


Hệ thống ngân hàng Việt Nam đã bộc lộ nhiều điểm yếu trong năm 2011. Đó là cuộc đua lãi suất huy động lên 20%/năm; căng thẳng thanh khoản khiến lãi suất liên ngân hàng tăng lên 20%/năm, nợ xấu lên cao do BĐS suy giảm.

Hội nghị TW 3 đã ban hành nghị quyết tái cơ cấu nền kinh tế, có tái cấu trúc thị trường tài chính trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống NHTMCP và các tổ chức tài chính. Chính phủ đã chỉ đạo NHNN xây dựng đề án và thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, đối tượng là các NHTMCP hoạt động yếu kém. Thống đốc xác nhận có 8 ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ, hoạt động yếu kém.

Đến ngày 06/12, Thống đốc NHNN chính thức tuyên bố hợp nhất 3 ngân hàng. Ngân hàng sau hợp nhất có tên là NHTMCP Sài Gòn với vốn điều lệ trên 10.500 tỷ đồng, tổng tài sản khoảng 150.000 tỷ đồng.

Đây là những hành động dứt khoát đầu tiên trong lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng còn "dài kỳ".

8. Vỡ nợ tín dụng đen quy mô lớn


Năm 2011 có hàng loạt vụ vỡ nợ xảy ra tại khắp các tỉnh thành trên toàn quốc. Nghệ An năm vừa qua có 47 vụ vỡ nợ lên tới hơn 400 tỷ đồng. vụ vỡ nợ hàng trăm tỉ tại Phú Xuyên, Văn Quán, Vụ Huỳnh Thị Huyền Như, đại gia OTC huy động một lượng tiền lớn với lãi suất cao để đáo hạn ngân hàng và đầu tư chứng khoán, bất động sản sau đó thua lỗ và bị bắt vì không có khả năng trả..

Nguyên nhân là do Thị trường BĐS đóng băng khiến các khoản vay ngân hàng đến hạn trả đều không có khả năng thanh toán. Người dân/doanh nghiệp phải đi vay tín dụng đen với lãi suất 2%/ngày (60%/tháng) để đáo hạn ngân hàng. Có nơi đi vay 9%/tháng, tương đương hơn 100%/năm.

9. Ngân hàng hút mạnh vốn từ cổ đông chiến lược nước ngoài, IPO hai ngân hàng Nhà nước


Năm 2011, hàng loạt ngân hàng đã tăng vốn được nhờ việc bán cổ phần cho đối tác ngoại. Riêng hai ngân hàng lớn là Vietinbank và Vietcombank đã tìm được đối tác chiến lược.

Vietinbank chào bán hơn 168,58 triệu cổ phần cho các tổ chức đầu tư thuộc Tổ chức tài chính quốc tế - IFC. Giá phát hành là 21.000 đồng/cổ phần. Đồng thời, Vietinbank dự định bán tiếp 15% cổ phần cho Bank of Nova Scotia của Canada.

Vietcombank cũng đã bán cho Mizuho 15% cổ phần (347 triệu cổ phiếu) với bản hợp đồng trị giá 570 triệu USD giá thỏa thuận đạt 34.000 đồng/cổ phiếu. VIB bán 20% cổ phần cho Commonwealth Bank of Australia (CBA) với giá 46.000 đồng/cp, OCB được chấp thuận bán cho BNP Paribas (PNPP) tăng tỷ lệ nắm giữ lên 20%; SouthernBank được chấp bán cổ phần riêng lẻ cho UOB tăng tỷ lệ nắm giữ từ 15% lên 20%.

Ngoài ra, ABBank bán 600 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho IFC và Maybank; Shinhan Financial Group (SFG) quyết định sẽ mua lại toàn bộ cổ phần của VCB trong Shinhan Vina Bank…

Năm nay IPO Ngân hàng MHB đấu giá hơn 64,5 triệu cổ phần với giá khởi điểm 11.000 đồng vào ngày 20/7, Kết quả MHB bán được 17,85 triệu CP, bằng 27,6% lượng chào bán, giá bình quân là 11.025 đồng/cổ phần.

28/12 tới đây, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ chính thức IPO, bán 3% ra công chúng, tương đương hơn 84 triệu cổ phần. Giá khởi điểm là 18.500 đồng/cp.

10. Huy động vốn trái phiếu Chính phủ không đạt kế hoạch

Trong năm 2011 theo kế hoạch dự kiến KBNN huy động 95.000 tỷ đồng . Thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát nên Bộ tài chính đã điều chỉnh kế hoạch huy động còn 80.000 tỷ đồng

Nguồn: MB, TLS, Bloomberga
Nguồn: MB, TLS, Bloomberga

Tuy nhiên đến cuối tháng 11, KBNN chỉ huy động được 65.180 tỷ đồng TPCP hoàn thành 81,47% kế hoạch. Do vậy mục tiêu hoàn thành kế hoạch 2011 dường như khó đạt được. Nguyên nhân huy động TPCP không thành công là do lãi suất chào bán của Bộ tài chính thấp hơn lãi suất kỳ vọng của người mua.

Bên cạnh đó thị trường trái phiếu thứ cấp kém phát triển, thanh khoản yếu nêm làm giảm tính hấp dẫn của TPCP.

Theo cafeF