800.000 chủ thể kinh doanh bỗng dưng không biết ở đâu, làm gì là vô lý

02/11/2019 08:16
Đỗ Thơm
(GDVN) - Khó có thể lý giải thuyết phục được lý do tại sao có tới gần 800.000 chủ thể kinh doanh mà bỗng dưng các cơ quan nhà nước không biết được họ đang ở đâu.

Ngày 1/11, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Đại biểu Ngô Trung Thành. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Ngô Trung Thành. Ảnh: Quochoi.vn

Giải pháp nào tránh thất thu người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, không liên lạc được

Đại biểu Ngô Trung Thành - đoàn Đắk Lắk có ý kiến về hai nội dung.

Nội dung thứ nhất, về Nghị quyết khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp.

Đại biểu hoàn toàn nhất trí với chủ trương khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên phải thực sự là đối với các đối tượng không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Trong số 7 nhóm đối tượng được dự kiến cho hưởng chính sách này, đại biểu còn rất băn khoăn đối với nhóm đối tượng là người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế.

“Tôi cho rằng trong nền kinh tế thị trường việc các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh thay đổi địa điểm kinh doanh, địa chỉ liên lạc là điều hết sức bình thường và phổ biến.

Luật pháp của nhà nước ta đã quyết định rõ khi thay đổi địa chỉ liên lạc thì doanh nghiệp phải báo cáo với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Việc các doanh nghiệp khi thay đổi địa chỉ mà không báo cáo là việc làm sai của các doanh nghiệp, nhưng vấn đề đặt ra là khi doanh nghiệp làm sai như vậy mà cơ quan quản lý nhà nước không làm gì để biết được các doanh nghiệp đó hiện đang hoạt động ở đâu, còn kinh doanh hay không còn kinh doanh nữa.

Nếu quả thực như vậy thì đây là một lỗ hổng quá lớn trong quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, quản lý dân cư.

Tôi thấy khó có thể lý giải thuyết phục được lý do tại sao có tới gần 200.000 doanh nghiệp, gần 600.000 hộ gia đình, cá nhân đang kinh doanh mà bỗng dưng các cơ quan nhà nước không biết được họ đang ở đâu.

Việc này dẫn đến không chỉ nhà nước không thu được thuế, gây thất thu cho ngân sách mà hệ lụy còn là gần 800.000 chủ thể hiện đang làm gì, có vi phạm pháp luật hay không chúng ta cũng không thể biết được”, đại biểu nhấn mạnh.

Trong điều kiện chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì việc này không thể chấp nhận được. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo làm rõ thêm và có giải pháp như thế nào trong thời gian tới để có thể quản lý được và tránh thất thu thuế từ nhóm đối tượng này.

Đảm bảo tính ràng buộc, tránh tình trạng khoanh nợ, xóa nợ tràn lan

Cũng bàn về vấn đề trên, đại biểu Thạch Phước Bình – đoàn Trà Vinh cho rằng, về nguyên tắc xử lý tiền thuế nợ mà dự thảo nghị quyết đã nêu, đó là phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền.

Việc phân cấp thẩm quyền cho Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã được nêu trong nghị quyết, đã cơ bản đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng quy định tại Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Nhưng theo đại biểu cần phải đảm bảo tính ràng buộc hơn, tránh tình trạng khoanh nợ, xóa nợ tràn lan.

Gần 43.000 tỉ đồng tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách
Gần 43.000 tỉ đồng tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách

“Theo tôi, cần quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và chế tài xử lý vi phạm cá nhân có thẩm quyền cao hơn để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Bên cạnh đó, như một số ý kiến đại biểu đã nêu, tôi cho rằng cần thành lập Hội đồng tư vấn và kiểm toán khoanh nợ, xóa nợ thuế, với các cục thuế địa phương thì cơ quan thuế là đơn vị đề xuất xóa nợ thuế, nhưng Hội đồng xét duyệt xóa nợ thuế phải đầy đủ các thành phần như một số đại biểu đã nêu, gồm Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Hiệp hội doanh nghiệp, các đoàn thể, người đứng đầu, đặc biệt là người đứng đầu và có tiếng nói quyết định.

Sau khi có đề xuất của cơ quan thuế địa phương, Hội đồng nhân dân địa phương sẽ xem xét, phê duyệt và đưa ra danh sách các doanh nghiệp được xóa nợ thuế”, đại biểu nói.

Theo đại biểu, Hiệp hội doanh nghiệp phải tham gia vào tổ chức này, bởi họ nắm rất rõ doanh nghiệp nào thật, giả, làm ăn tốt, không tốt để kịp thời có ý kiến trong Hội đồng xét duyệt xóa nợ thuế.

Điều này tạo thuận lợi cho việc xét duyệt chính xác và hợp lý mức thuế cần xóa nợ. Mặt khác, cần quy định về kiểm toán khi đã hoàn thành nhiệm vụ này để đảm bảo sự minh bạch, công khai.

Một trong những đối tượng được đề xuất xử lý tiền thuế nợ đó là người đã chết, các đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ thêm bởi vì thực tế có trường hợp người chết nhưng doanh nghiệp vẫn còn người thừa kế pháp lý, nghĩa là doanh nghiệp vẫn tồn tại.

Trong trường hợp này, doanh nghiệp vẫn phải có trách nhiệm nộp thuế chứ không phải chủ doanh nghiệp chết rồi thì được xóa nợ thuế.

Đỗ Thơm