Áo chống nắng siêu đắt chống tia tử ngoại: Cẩn thận quảng cáo lừa!

17/06/2011 02:36
Thực hư chất lượng áo chống nắng có giá siêu đắt hiện đang thu hút sự quan tâm của chị em cũng điều mà nhiều người quan tâm...

Thị trường áo chống nắng hiện nay đang "nóng" lên với các sản phẩm chống nắng có tác dụng ngăn chặn tia cực tím. Giá sản phẩm cao đến mức... miễn bàn, còn thực hư chất lượng sản phẩm đến đâu lại là điều mà nhiều người quan tâm đến.

Mua vì mẫu mã đẹp


Áo, váy, quần, mũ, găng tay, khẩu trang... tất cả những trang phục và phụ trang gì bạn cần để chống nắng cho toàn bộ cơ thể mình đều có mặt đầy đủ trên thị trường. Tuy nhiên, sản phẩm thu hút sự chú ý của chị em hơn cả là dòng sản phẩm chống nắng có thêm tác dụng ngăn chặn tia tử ngoại. Cũng đủ chủng loại như trên, nhưng các sản phẩm này có giá cao gấp 5 -  10 lần các sản phẩm thông thường khác.

 Trời nắng gắt, chị em đua nhau trang bị áo chồng nắng.
Trời nắng gắt, chị em đua nhau trang bị áo chồng nắng.

Chị Nguyễn Ngọc Minh (khu tập thể Nam Thành Công, Hà Nội) cho biết, chị đặt mua một chiếc áo khoác chống nắng có giá 830.000 đồng được quảng cáo là có tác dụng chống tia tử ngoại xâm nhập gây tác hại cho da. Tuy nhiên, theo chị Ngọc, "nghe thế thì cũng cứ tin thế mà mua thôi chứ thực hư chẳng biết thế nào, nếu không chống được tia tử ngoại cũng có ung thư da ngay đâu mà biết được. Hơn nữa, cũng mua vì mẫu mã đẹp, màu sắc bắt mắt".

Chỉ số UPF chứng nhận gì?


"Dạo" qua thị trường mạng cũng thấy các loại áo váy chống nắng ngăn ngừa tia tử ngoại có giá rẻ nhất là 530.000 đồng, thậm chí có những sản phẩm giá lên tới trên 1 triệu đồng. Găng tay, khẩu trang, mũ cũng từ 300.000 -  500.000 đồng. Đa số các sản phẩm này đều có mẫu mã thiết kế đẹp, màu sắc sáng sủa, tươi mát (hồng, trắng ghi, ghi sáng, xanh nhạt...) và đều được giới thiệu là có chứng nhận của Cục bảo vệ an toàn bức xạ năng lượng nguyên tử Australia (ARPANSA) về chỉ số UPF (chỉ số chống nắng đối với vải vóc). Theo đó, các sản phẩm đa phần có chỉ số UPF 50+, với "tỷ lệ che UV" có thể đến 99,57.

Thông tin từ ARPANSA cho thấy, quần áo là một trong những cách bảo vệ da khỏi tác hại của tia tử ngoại (UV) tiện lợi nhất, nhưng hiệu quả đạt được ở các mức độ khác nhau. Đó là lý do phòng thí nghiệm UV của ARPANSA đưa ra chỉ số UPF. Theo cơ quan này chỉ số UPF cao được căn cứ trên các yếu tố như: thành phần sợi (cotton, polyester,...), độ kín khít của sợi dệt, màu sắc tối, độ ẩm vải thấp, độ co dãn thấp, được xử lý hóa chất thấm  hút UV... Cơ quan này cũng lưu ý rằng do sự khác biệt có thể phát sinh trong quá trình sản xuất, nên chứng chỉ này chỉ cấp cho một lô vải sợi nhất định và không có tác dụng chứng nhận đối với lô hàng khác dù cùng loại vải.

Vải nano nhanh mất tác dụng


Theo PGS.TS Phạm Văn Nho, chuyên gia về công nghệ nano, khoa Vật lý Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), vải nano đúng là có khả năng chống nắng, phân hủy hóa chất độc hại, diệt khuẩn. Vải nano bao gồm hai loại là tẩm chất nano và sợi nano. Vải tẩm nano sẽ có độ bền kém do sau một thời gian sử dụng cũng như giặt, chất bột nano sẽ bị thôi ra khỏi bề mặt vải từ đó mất tác dụng chống nắng. Có thể nhận biết vải tẩm chất này bằng cách đơn giản như khi cầm trên tay hoặc xoa nhẹ sẽ có dạng bột rơi ra ngoài.

Còn vải dệt nano sẽ bền hơn, chỉ khi sợi vải bị hỏng chất nano mới mất tác dụng. Tuy nhiên, loại này thường đắt hơn nhiều so với các dạng tẩm nano bột. Nếu là cơ sở làm ăn uy tín, dùng đúng chất liệu nano để tạo nên sản phẩm công nghệ cao thì họ sẽ công bố đầy đủ các yếu tố thành phần liên quan đến sản phẩm.
 
Người dân cũng nên tránh tình trạng chạy theo xu hướng chung của maketing hiện nay là gán ghép nano vào sản phẩm để tạo thị hiếu. Ngoài các cách phát hiện trên, người mua nên kiểm tra áo có chất nano hay không bằng cách soi dưới ánh đèn tia cực tím (như đèn soi tiền giả), nếu có nano vải sẽ phát sáng màu xanh vàng, còn không có nano vải sẽ như bình thường.

Trên bảng chứng nhận chống UV mà các cơ sở kinh doanh sản phẩm chống nắng đặc biệt này đưa ra, thực tế lại chỉ có thông tin hướng dẫn của Hiệp hội Ung thư Australia và New Zealand về cách chống nắng an toàn, ví dụ như chọn trang phục che phủ kín cơ thể, đội mũ rộng vành, dùng kem chống nắng, tránh ra ngoài từ 10 - 15h kể cả ngày mát và nhiều mây.

Theo Bee.net.vn