"Bán" sân bay Phú Quốc, xây sân bay Long Thành: Lãng phí!

26/03/2015 10:01
Mai Anh
(GDVN) - Theo TS Trần Đình Bá, từ thực trạng đìu hiu của sân bay quốc tế Cần Thơ, Phú Bài, Liên Khương... thì việc xây sân bay tầm cỡ như Long Thành sẽ là lãng phí lớn.

Bán sân bay Phú Quốc, ai chịu thiệt?

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ xin chấp thuận chủ trương thí điểm chuyển nhượng quyền khai thác cảng hàng không Phú Quốc.

Cụ thể, trong văn bản trình Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải cho rằng một trong những hình thức kêu gọi xã hội hóa trong đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không là hình thức chuyển nhượng quyền khai thác các sân bay. Hình thức này đã được nhiều nước trên thế giới triển khai nhưng chưa áp dụng tại Việt Nam.

Sân bay Phú Quốc (ảnh nguồn anninhtiente)
Sân bay Phú Quốc (ảnh nguồn anninhtiente)

Theo đó Bộ Giao thông vận tải đã lựa chọn một số dự án có điều kiện thuận lợi để triển khai thí điểm, trong đó ưu tiên cảng hàng không Phú Quốc do cảng này đã được đầu tư hoàn chỉnh và đi vào khai thác, không có căn cứ quân sự và không hoạt động quân sự thường xuyên, quy mô không quá lớn, Phú Quốc có tiềm năng phát triển du lịch, tốc độ tăng trưởng cao...

Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị việc chuyển nhượng khai thác cảng hàng không Phú Quốc sẽ theo hai hình thức: Nhượng quyền theo hợp đồng kinh doanh - quản lý (hợp đồng O&M) hoặc nhượng quyền theo hình thức chuyển đổi doanh nghiệp.

Nếu nhượng quyền theo hợp đồng O&M, Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và Nhà đầu tư sẽ ký kết hợp đồng để kinh doanh công trình nhượng quyền trong một thời hạn nhất định. Còn nhượng quyền theo hình thức chuyển đổi doanh nghiệp thì sẽ chuyển đổi chủ sở hữu của chi nhánh Cảng hàng không Phú Quốc (đơn vị hạch toán phụ thuộc của Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam - ACV) cho tập thể, cá nhân hoặc pháp nhân khác có thu tiền.

Dù việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hình thức nào thì nguồn kinh phí thu được cũng sẽ được sử dụng để đầu tư vào dự án xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành. 

TS Trần Đình Bá (Ảnh do nhân vật cung cấp)
TS Trần Đình Bá (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Đồng ý với chủ trương chuyển nhượng khai thác sân bay Phú Quốc để đầu tư hạ tầng hàng không, tuy nhiên việc dành kinh phí đầu tư cho dự án sân bay Long Thành – một dự án đang gây nhiều tranh cãi cũng tạo ra những tranh luận trái chiều trong giới chuyên gia về giao thông vận tải.

Chia sẻ đến báo Giáo Dục Việt Nam, TS Trần Đình Bá - Hội viên Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng: "Sân bay Phú Quốc là dự án sân bay quốc tế đầu tiên được triển khai tại Việt Nam được xây dựng mới hoàn toàn theo hình thức 100% vốn đầu tư doanh nghiệp, khởi công ngày 23/11/2008 với tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỉ đồng (tương đương gần 1 tỷ USD), do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư theo nhiều giai đoạn. Dự án khánh thành vào tháng 12/2012. 

Quy mô sân bay quốc tế cho các loại máy bay hiện đại hoạt động như Boeing 777, Boeing 747-400 và tương đương. Đường băng hạ cất cánh dài 3.000 mét, rộng 45 mét. Sân đậu máy bay được xây dựng bằng kết cấu bê tông ximăng với 5 vị trí đậu máy bay Boeing hoặc có thể bố trí chỗ đậu cho 8 máy bay Airbus A321. Các hạng mục quan trọng khác như đài kiểm soát không lưu, nhà ga hành khách, phòng chờ… được thiết kế hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây là tham vọng rất lớn của ngành hàng không mà cơ quan quản lý Nhà nước là Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn, đỡ đầu.

Tuy nhiên từ khi khánh thành năm 2012, sân bay Phú Quốc vắng vẻ đìu hiu, gây lãng phí lớn. Cho tới nay, với việc xây dựng sân bay Phú Quốc, dù là vốn vay nào thì nhà đầu tư cũng phải chịu trả lãi suất thì từ khi vay vốn xây dựng, từ khánh thành đến nay phải chịu thiệt hàng chục triệu USD, chưa nói chi phí quản lý bảo dưỡng vận hành. Như vậy có thể nói, dự án sân bay quốc tế Phú Quốc đã hoàn toàn thất bại theo dự án tiền khả thi, gây tác động xấu đến chiến lược tổng thể giao thông vận tải trong khi các công trình giao thông đường bộ, đường sắt đang thiếu vốn nghiêm trọng.     

Có thể xuất phát từ hiệu quả đầu tư không cao nên Bộ Giao thông Vận tải buộc phải bán sân bay Phú Quốc nhằm “chữa cháy” cho nhà đầu tư. Nhưng dù chuyển nhượng theo hình thức định giá hay đấu thầu gì đi chăng nữa thì việc nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc cũng chỉ là giải pháp tình thế mà phần lãng phí thiệt hại lớn vẫn thuộc về Nhà nước, từ tiền thuế đóng góp của nhân dân. Bởi ban đầu mục tiêu của dự án là 100% vốn đầu tư doanh nghiệp nhưng nay nhà nước phải gánh lấy trách nhiệm “lãnh nợ" cho doanh nghiệp, ôm lấy một đống tài sản nợ công phải trả.  

Xây sân bay Long Thành là lãng phí lớn

Đánh giá về việc Bộ Giao thông vận tải sẽ dùng nguồn tài chính từ nhượng quyền sân bay Phú Quốc để tạo kinh phí đầu tư vào Cảng hàng không quốc tế Long Thành, TS Trần Đình Bá cho rằng, trên thực tế không chỉ sân bay Phú Quốc mà hội chứng lãng phí sân bay ở Việt Nam còn thể hiện ở sân bay quốc tế Cần Thơ, Phú Bài (Huế), Liên Khương (Đà Lạt)... .Những sân bay này đang khai thác không hiệu quả, nhiều ngày mới có một chuyến bay quốc tế nhưng Bộ Giao thông vận tải vẫn muốn xây một sân bay quốc tế tầm cỡ khu vực như Long Thành sẽ là sự lãng phí lớn và không cần thiết.

"Khi được đầu tư xây dựng, sân bay quốc tế Phú Quốc nhằm mục đích phục vụ nhiệm vụ giao thông vận tải và phục vụ phát triển kinh tế xã hội – an ninh quốc phòng cho huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), là công trình đặc biệt về phòng thủ quốc gia, vì vậy nó không phải hàng hóa thương mại như bất động sản theo kiểu mua đất làm nhà rồi bán theo kiểu “tiền trao cháo múc” và không phải gặp ai cũng bán”, TS Bá nêu quan điểm.

Do đó, trước khi tính đến việc chuyển nhượng sân bay Phú Quốc, TS Trần Đình Bá cho rằng Bộ Gia thông vận tải cần phải "truy cứu trách nhiệm của nhà đầu tư trong thất bại của dự án sân bay Phú Quốc...Tôi nghĩ đây cũng là một dịp tốt để Bộ Giao thông vận tải đánh giá thẳng thắn về thực trạng của các sân bay để có quyết sách đúng, đảm bảo quyền lợi nhà nước và nhân dân”. 

Mai Anh