Tính cần thiết của dự án
Chiều 7/5, Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra sau 4 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm.
Trong bài phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định sự cần thiết, đúng đắn của chủ trương đầu tư xây dựng cảng hàng không trung chuyển quốc tế Long Thành đã được Hội nghị Trung ương 4 khóa XI (tháng 12/2011) đề ra. Coi đây là Dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11, khóa XI (ảnh: VGP) |
Ban chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu, trong quá trình nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện Dự án, cần lưu ý xác định rõ những tiêu chí, điều kiện tiền đề để trở thành một cảng trung chuyển hàng không quốc tế trong điều kiện cạnh tranh gay gắt giữa các sân bay trung chuyển quốc tế trong khu vực Đông Nam Á.
Tính toán kỹ hiệu quả đầu tư, lộ trình, phân kỳ đầu tư sao cho khả thi, phù hợp với tình hình phát triển của ngành hàng không Việt Nam và khả năng huy động nguồn lực cho đầu tư, phát triển.
Cần phải giải trình cụ thể
Nhiều ĐBQH cho rằng, cần xem xét một cách thận trọng, cụ thể lộ trình cụ thể, phương án đầu tư Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, nhằm khai thác hiệu quả đầu tư sinh lời từ Dự án này.
Hôm 8/5, trao đổi với Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, chủ trương đầu tư Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành là phù hợp. Tuy nhiên, để Dự phát hiệu quả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
“Về tầm nhìn chiến lược lâu dài, chủ trương, đầu tư xây dựng Dự án là cần thiết. Tuy nhiên, việc chấp thuận về mặt chủ trương không đồng nghĩa với việc sẽ thực hiện ngay dự án ngay tại thời điểm này. Điều này phụ thuộc vào tính khả thi trong báo cáo về công tác huy động vốn, hiệu quả, tính rủi ro của Dự án...”, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương lưu ý.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cũng cho rằng, đơn vị được giao nhiệm vụ cần phải xây dựng một lộ trình cụ thể, đặc biệt là nguồn vốn thực hiện thực hiện Dự án.
“Hiện có rất nhiều quan điểm trái chiều về khả năng huy động vốn, tính khả thi, hiệu quả kinh tế, mức độ rủi ro… do vậy, vấn đề nguồn vốn đầu tư, công tác huy động vốn, lộ trình, cách thức triển khai dự án cần phải được tính toán thật kỹ”.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình (Ảnh: internet) |
Cũng theo ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương, sau khi báo cáo đầu tư được thông qua, cần xem xét đến yếu tố thời gian cụ thể thực hiện Dự án: “Không thể thực hiện Dự án nếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Trong khi đó, điều kiện ngân sách nhà nước hiện tại chưa thể đáp ứng việc đầu tư cho dự án này”.
Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cũng lưu ý, tất cả các ý kiến phản biện về Dự án là tâm huyết của người dân, các nhà khoa học, cần được xem xét một cách nghiêm túc.
Đồng quan điểm trên, ĐBQH Lê Nam (Thanh Hóa) cũng cho rằng, Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành được coi là 1 trong 4 vấn đề quan trọng trong hội nghị lần này, thể hiện thái độ thận trọng của lãnh đạo Đảng đối với dự án có tầm chiến lược quan trọng.
"Đầu tư Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành là sự cần thiết để phát triển đất nước trong tương lai. Tuy nhiên, cần xem xét thật kỹ về hiệu quả kinh tế trong việc thực hiện đầu tư dự án. Hiệu quả sử dụng vốn, và khả năng thu hồi, trả nợ từ dự án”, ĐBQH Lê Nam nhận định.
Phải có cơ quan thẩm định độc lập
Nói về Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, ĐBQH Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng, cần thiết phải có cơ quan thẩm định độc lập về Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.
“Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành chỉ là một phần nhỏ trong quy hoạch tổng thể khu vực Miền Đông. Từ 2005 đến nay, quá trình thực hiện dự án đã diễn ra đúng bài bản. Nếu Quốc hội phủ quyết không làm sẽ gây ra sự lãng phí khủng khiếp. Bây giờ quan trọng là làm thế nào cho nó tốt, cho có hiệu quả mà thôi”, ĐBQH Dương Trung Quốc nhận định.
ĐBQH Dương Trung Quốc (Ảnh: Ngọc Quang). |
ĐBQH Dương Trung Quốc cũng cho rằng, hiện tại nhiều ý kiến cử tri cho rằng, chưa vội xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành: “Cần phải làm rõ băn khoăn, liệu trong việc thực hiện dự án có nảy sinh lợi ích nhóm hay không? Mặt khác các ý kiến phản biện cần được chú ý, xem xét một cách tổng quan hơn nữa”.
“Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nên mở rộng sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất thay vì xây dựng sân bay Long Thành. Tuy nhiên, nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất theo chuẩn quốc tế về đường băng, thì việc giải tỏa mặt bằng cũng còn nhiều vấn đề phải bàn. Còn việc đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành thì cần tính toán đến hiệu quả kinh tế, mức độ rủi ro từ dự án. Vấn đề này thuộc về các nhà chuyên môn. Do vậy, để ĐBQH cho ý kiến về đề này, cần phải có báo cáo rõ ràng về mặt chuyên môn của dự án.
Đại biểu Dương Trung Quốc cũng nhấn mạnh: “Vấn đề nằm ở chỗ, phải có một cơ quan độc lập, đứng ra thực hiện thẩm định Dự án. Mục đích để xem xét ý kiến cử tri, tính phản biện của các nhà khoa học đúng đến đâu? Đồng thời xem xét báo cáo của cơ quan có thẩm quyền về tính khả thi của dự án, tránh trường hợp như chuyện lấp sông Đồng Nai”.