Bầu Đức: "Nên dẹp nhà máy đường, nông dân chuyển sang trồng bắp trồng cỏ"

22/01/2015 11:30
Hoàng Lực
(GDVN) - “Nhà máy đường Việt Nam nên đóng cửa nông dân chuyển qua cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn”, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn HAGL chia sẻ.

“Không có chuyện Hoàng Anh Gia Lai xin nhập đường”

Mới đây Bộ Công thương có văn bản đề nghị Chính phủ cho nhập khẩu 50.000 tấn đường từ Lào với thuế suất 0%. Ngay sau đó Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) lên tiếng khẳng định ngành đường Việt Nam đang tồn kho, cung đang vượt cầu.

VSSA cho rằng, vụ mía đường 2014-2015 dự báo tổng nguồn cung là 2 triệu tấn chưa kể đường nhập khẩu không chính thức, đường nhập lậu trong khi mức tiêu thụ năm 2015 khoảng 1,3-1,4 triệu tấn. Như vậy lượng đường dư thừa trong năm 2015 sẽ trên 600.000 tấn. Do vậy nếu cho nhập khầu đường từ Lào về sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp do tăng thêm nguồn cung nên sức ép rất lớn đến việc giảm giá bán đường trong nước.

Ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai khẳng định: Hoàng Anh Gia Lai không đề nghị xin nhập khẩu đường từ Lào.
Ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai khẳng định: Hoàng Anh Gia Lai không đề nghị xin nhập khẩu đường từ Lào.

Cũng liên quan việc Bộ Công thương đề xuất Chính phủ xin nhập khẩu 50.000 tấn đường, hiện có luồng ý kiến cho rằng, Bộ Công thương xin nhập đường do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đề nghị. Luồng ý kiến này xuất phát từ thực tế niên vụ trước, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã có đề xuất chính phủ xin tạm nhập 30.000 tấn đường về Việt Nam để tinh luyện tái xuất sang Trung Quốc.

Trong khi dó, khẳng định với phóng viên chiều ngày 21/1, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (người được biết đến với tên gọi khác là Bầu Đức) cho biết: “Không bao giờ có chuyện Hoàng Anh Gia Lai xin nhập đường. Hoàng Anh Gia Lai chưa có bất cứ văn bản xin bộ ngành nào nhập đường”.

Dù chênh lệch giá đường nhập từ Lào và giá đường trong nước rất lớn, cụ thể giá 1 tấn mía đường nhập từ Lào chỉ là là 240 nghìn đồng, trong khi Việt Nam sản xuất là 800 nghìn đồng. Giá 1 kg đường của Hoàng Anh Gia Lai chỉ ở mức 4.000 đồng, trong khi các nhà máy của Việt Nam bán là 16.000 đồng. Tuy nhiêu ông Đoàn Nguyên Đức khẳng định, Hoàng Anh Gia Lai không để xuất việc nhập đường từ Lào về Việt Nam như thông tin dư luận vừa qua.

Về vấn đề chênh lệch giá đường, Bầu Đức lý giải: “Giá mía đường Lào thấp do chúng tôi cơ giới hóa công nghệ cao, tự động toàn bộ giảm chi phí rất đáng kể, còn việc Bộ Công thương đề xuất nhập khẩu đường từ Lào, Hoàng Anh Gia Lai không biết”.

“Nên dẹp bỏ nhà máy đường”

Thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, giá đường bán lẻ trên thị trường liên tục giảm từ đầu năm đến nay. Do đó, các nhà máy đường cũng phải điều chỉnh giá bán buôn giảm hơn 1.000 đồng/kg so với những tháng đầu năm.

Cùng với việc giá đường bán lẻ giảm, nhiều nhà máy rơi vào tình trạng không có lãi hoặc bị lỗ. Giá đường bán buôn của nhà máy hiện chỉ còn dưới 12.000 đồng/kg, trong khi giá thành 1 kg đường dao động từ 11.500-13.000 đồng/kg, tùy khu vực.

Giá đường giảm dẫn đến giá thu mua mía của các nhà máy cũng giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân trồng mía. Cách đây khoảng 3 năm, giá mía ổn định ở mức 1-1,2 triệu đồng/tấn, vụ mía năm 2013 giảm còn 900.000-950.000 đồng/tấn.

Theo Bầu Đức, người dân trồng mía nên chuyển sang trồng bắp, trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi vì hiệu quả kinh tế lớn hơn.
Theo Bầu Đức, người dân trồng mía nên chuyển sang trồng bắp, trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi vì hiệu quả kinh tế lớn hơn.

Đến vụ mía năm 2014, giá lại giảm mạnh chỉ còn 850.000 đồng/tấn, thậm chí có nơi giảm còn 650.000-700.000 đồng/tấn. Với mức giá này người trồng mía không có lãi, nên một số vùng trồng mía có năng suất thấp, trữ đường thấp, nông dân trồng mía tiếp tục chịu thêm mùa mía đắng.

Còn đánh giá dưới góc độ là chủ doanh nghiệp đang đầu tư thành công trong nông nghiệp, ông Đoàn Nguyên Đức thẳng thắn cho rằng: Giá đường trong nước đang cao do chi phí sản xuất lớn. So với Thái Lan, nước xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới, giá mía đường trong nước đang cao hơn 40% vì vậy không nên tiếp tục đầu tư vào mía đường.

“Nên dẹp hết tất cả nhà máy đường, nhà máy đường nên đóng cửa lại, nông dân nên chuyển đổi cây trồng khác giá trị cao hơn đó là điều tốt nhất. Thay vì sản xuất đường, chúng ta nhập khẩu đường sử dụng có lợi hơn về kinh tế. Nhập khẩu đường chênh lệch 30% giá (giá đường nhập khẩu rẻ hơn 30% giá đường trong nước – PV), 90 triệu dân sẽ hưởng lợi”, Bầu Đức thẳng thắn cho biết.

Theo Bầu Đức, hiện tại hàng rào thuế quan chỉ bảo hộ cho một vài nhà máy đường nên nhà máy đường khó khăn trong việc tìm đầu ra. Với nông dân, diện tích đất hiện nay đang trồng mía nên chuyển đổi qua cây trồng khác, ví dụ trồng cây bắp sẽ nhiều tiền hơn cây mía, cỏ trồng nuôi bò sẽ lợi hơn trồng mía… Rất nhiều cây trồng có lợi hơn.

“Ở góc độ nhà kinh doanh, theo tôi nhà máy đường Việt Nam nên đóng cửa để nông dân chuyển tất cả diện tích đang trồng mía sang cây trồng khác như trồng bắp, trồng cỏ nuôi bò sẽ hiệu quả, người dân sẽ được lợi hơn”, Bầu Đức thẳng thắn.

Trước đó, tại một hội thảo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao cho biết: Năm 2009, Việt Nam đã nhập khẩu 2.800 tấn cỏ thành phẩm phục vụ chăn nuôi bò sữa. Đây là thực tế đáng buồn với một nước nông nghiệp như Việt Nam.

Trong khi đó theo TS. Đỗ Kim Tuyên, Trưởng phòng Gia súc lớn - Cục Chăn nuôi, việc giải quyết nhu cầu thức ăn thô xanh hiện là một thách thức lớn. Ông Tuyên cho biết, hiện tổng đàn gia súc ăn cỏ của nước ta khoảng 11 triệu con. Tổng nhu cầu thức ăn thô xanh vào khoảng 150 triệu tấn/năm. Trong khi Cả nước có khoảng 35.681 ha đất cỏ chăn nuôi tự nhiên, nhưng sản lượng rất thấp, chỉ đạt 20 tấn cỏ/ha/năm. Sản lượng cỏ hiện nay chỉ đáp ứng được gần 10% nhu cầu thức ăn thô xanh của các loại gia súc ăn cỏ.

Tương tự, thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, trong số 12,5 triệu tấn thức ăn chăn nuôi tiêu thụ mỗi năm thì lượng nhập khẩu chiếm tới trên 70%, tương đương 9 triệu tấn. Năm 2013, trong số 9 triệu tấn nguyên liệu nhập dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi thì phải nhập khẩu 4 triệu tấn khô dầu đậu tương, 1,9 triệu tấn ngô và các thành phần khác như: cám gạo, bột xương cá, bột mỳ…

Từ thực tế nhu cầu thị trường và giá trị kinh tế, ông Đoàn Nguyên Đức nhấn mạnh: “Cỏ và ngô chúng ta đang nhập khẩu nhiều, đang thiếu trong khi nếu so sánh thì trồng 1 ha bắp hơn 1 ha mía. Chuyển qua trồng cỏ nuôi bò là lợi thế lớn của Việt Nam, càng bao cấp nhà máy đường nông dân càng khó khăn”.

Chính việc trồng mía đường không mang hiệu quả kinh tế cao bằng trồng bắp và cỏ phục vụ chăn nuôi nên năm 2014, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã điều chỉnh hướng phát triển nông nghiệp.

“Hiện dự án nuôi bò đang triển khai, chúng tôi điều chỉnh giảm diện tích trồng mía chuyển qua bắp cỏ để nuôi bò. Làm nông nghiệp nên tôi hiểu tôi khuyên nông dân nên bỏ cây mía chuyển cây trồng khác, khuyên nhà máy đường nên đóng cửa làm việc khác, nông dân trồng mía không bao giờ giàu được”, Bầu Đức chia sẻ

Hoàng Lực