Bộ Công Thương đang "ôm đồm quá nhiều việc không phải của mình"

16/07/2016 08:04
Mai Anh
(GDVN) - PGS.TS Bùi Quang Bình thẳng thắn cho rằng, Bộ Công Thương đang ôm đồm làm quá nhiều việc không phải của mình dẫn đến bộ máy cồng kềnh nhưng kém hiệu quả.

Dự hội nghị sơ kết 6 tháng của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra bộ máy cồng kềnh nhưng làm việc kém hiệu quả. Thủ tướng thẳng thắn kiểm điểm một số hạn chế của Bộ Công Thương, đặc biệt là trong công tác quản lý bộ máy nhân sự, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp còn quá chậm.

Từ đây Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phải cơ cấu ngay bộ máy này để phục vụ cho sản xuất và phát triển, kể cả sản xuất và xuất nhập khẩu, hội nhập quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ Bộ Công Thương đang có bộ máy cồng kềnh nhưng làm việc kém hiệu quả - ảnh Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ Bộ Công Thương đang có bộ máy cồng kềnh nhưng làm việc kém hiệu quả - ảnh Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Những chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được dư luận đồng thuận, đặc biệt khi nhìn vào quá khứ, việc quản lý yếu kém của Bộ Công Thương gây thất thoát tiền lớn của nhà nước, của nhân dân.

Gây thất thoát tiền của nhà nước

Bộ Công Thương hiện nay ngoài vai trò hoạch định chính sách ngành công thương đang trực tiếp quản lý 11 tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Trong quá trình điều hành, quản lý của Bộ Công Thương, nhiều dự án đầu tư nghìn tỷ do các doanh nghiệp trực thuộc Bộ đưa ra không hiệu quả, gây thoát thoát tài sản nhà nước.

Trong số dự án gây tai tiếng dư luận phải kể đến Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên.

Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên, chủ đầu tư là CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) công ty con thuộc Tổng công ty thép Việt Nam (đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương).

Nhà máy gang thép Thái Nguyên - ảnh Tạp chí kinh tế dự báo.
Nhà máy gang thép Thái Nguyên - ảnh Tạp chí kinh tế dự báo.

Dự án được khởi công xây dựng vào năm 2007 với công suất dự kiến 0,5 triệu tấn/năm, tổng vốn ban đầu là 3.843 tỷ đồng. Tháng 7/2007, Tisco ký hợp đồng tổng thầu EPC (E-thiết kế, P-cung cấp thiết bị, C-xây dựng công trình), với Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC).

Tuy nhiên, sau 5 năm, năm 2012 khi dự án gặp khó khăn về tài chính, nhà thầu MCC đã rút về nước và đem theo hơn 90% tiền thanh toán phần thiết bị mà chưa bàn giao các hạng mục quan trọng cho chủ đầu tư. 

Năm 2014 để cứu cánh dự án Bộ Công Thương tham mưu, đề nghị Chính phủ hỗ trợ Tisco giãn nợ.

Trước đề nghị của Bộ Công Thương, Chính phủ đã đồng ý và yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo ngân hàng Phát triển cơ cấu lại các khoản nợ khoảng 1.000 tỷ đồng, chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) rót vốn 1.000 tỷ đồng qua việc mua trái phiếu phát hành tăng vốn và nguồn vốn lấy từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương. 

Tuy nhiên khi có nguồn vốn thay vì hoàn thành dự án, Tisco lại tăng tổng mức đầu tư từ 3.843 tỷ đồng lên 8.104 tỷ đồng.

Bộ Công Thương đang "ôm đồm quá nhiều việc không phải của mình" ảnh 3

Cần một Bộ trưởng hành động để tái cơ cấu ngay Bộ Công Thương

(GDVN) - Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó chủ tịch VAFI, để tái cơ cấu bộ máy của Bộ Công Thương yếu tố quan trọng là con người, cần một Bộ trưởng hành động.

Bộ Công Thương đang "ôm đồm quá nhiều việc không phải của mình" ảnh 4

Bộ Công Thương cần làm rõ 3 vấn đề sau vụ bổ nhiệm con trai nguyên Bộ trưởng

(GDVN) - Sau văn bản của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, VAFI kỳ vọng Bộ Công Thương sẽ giải quyết 3 vấn đề.

Sau khi tăng tổng mức đầu tư, Tisco gửi văn bản xin cơ chế ưu đãi về thuế, thủ tục hải quan, chi phí lãi vay trong thời gian ngừng hoạt động… kết cục đến nay sau gần 10 năm, dự án này vẫn chỉ là khối bê tông, sắt rỉ “đắp chiếu”.

Ngoài ra, dự án đầu tư xây dựng ba nhà máy sản xuất Bio-Ethanol đặt tại Bắc, Trung, Nam với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương cũng gây bức xúc dư luận. 

Cả 3 nhà máy thuộc dự án sản xuất Bio-Ethanol tại Phú Thọ, Bình Dương và Dung Quất với mức đầu tư khoảng hơn 6 nghìn tỷ đồng. Đến nay chỉ duy nhất nhà máy tại Dung Quất hoạt động cầm chừng. Hai nhà máy tại Phú Thọ và Bình Dương đã ngừng hoạt động.

Bên cạnh hai dự án đầu tư thất bại kể trên, dự án đầu tư nhà máy sản xuất phân đạm urê từ than cám do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đề xuất với tổng mức đầu tư 667 triệu USD, tương đương khoảng 12.000 tỷ đồng cũng gây không ít tai tiếng.

Sau khi đàm phán, Vinachem đã quyết định chọn vay vốn từ Trung Quốc 250 triệu USD với Tập đoàn China Huanqiu Contracting & Enginneer làm tổng thầu thực hiện.

Theo dự tính bán đầu nhà máy sẽ đi vào hoạt động giữa năm 2011, tuy nhiên phải đến 30/3/3012, Đạm Ninh Bình mới cho ra tấn urê đầu tiên và vận hành thương mại từ 15/12/2012.

Hoạt động không bao lâu năm 2012, Đạm Ninh Bình lỗ 75 tỷ đồng, năm 2013 lỗ 759 tỷ đồng, năm 2014 nhà máy lỗ khoảng 500 tỷ đồng và năm 2015 vừa qua lỗ trên 370 tỷ đồng.

Đấy là những dự án thất bại điển hình, dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây bên cạnh những yếu kém trong quản lý kinh doanh đa cấp, quản lý giá điện hay các vấn đề hàng giả hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ được các chuyên gia chỉ ra.

Ôm đồm làm việc không phải của mình

Nhìn vào những thất bại tại các dự án kể trên PGS. TS Phạm Quý Thọ - Chuyên giá chính sách công cho biết: “Ở đây cần khẳng định có phần trách nhiệm trong điều hành, quản lý của Bộ Công Thương”.

PGS.TS Phạm Quý Thọ bình luận, việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại dự hội nghị tổng kết 6 tháng của một bộ, ngành cho thấy Chính phủ nhìn ra những bất cập, tồn tại lâu nay của Bộ Công Thương.

“Không riêng vấn đề bổ nhiệm nhân sự liên quan đến con trai nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng mà rất nhiều vấn đề của Bộ Công Thương từ bộ máy cồng kềnh, cho đến quản lý điều hành quá nhiều dẫn đến hoạt động không hiệu quả”, PGS.TS Phạm Quý Thọ nhận định.

11 Tập đoàn, tổng công ty Bộ Công thương đang quản lý: gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietNam); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin); Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem); Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco); Tổng Công ty Thép Việt Nam (Vnsteel); Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba); Tổng Công ty Máy và thiết bị công nghiệp (MIE); Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp (VEAM).

Theo PGS. TS Phạm Quý Thọ, sự logic trong quản lý quá nhiều dẫn đến hoạt động kém hiệu quả.

Cụ thể, khi Bộ Công Thương quản lý cả mặt nhà nước về công nghiệp và thương mại, quản lý cả các viện nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp.

Quản lý nhiều dễ tạo ra lỗ hổng trong vấn đề quản lý nhân sự, một khi có tiêu cực tức việc tuyển chọn nhân sự dựa vào “tiền tệ - hậu duệ - quan hệ” thì không thể làm việc hiệu quả.

PGS.TS Phạm Quý Thọ nhận định: Yếu tố con người là then chốt, với nhân sự kém hoạt động trong bộ máy nhà nước sẽ khiến cả hệ thống trì trệ, làm việc máy móc, thiếu trách nhiệm. Với nhân sự kém trong doanh nghiệp sẽ gây thất thoát tiền của nhà nước. Những yếu kém doanh nghiệp do Bộ Công thương quản lý có phần nguyên nhân từ việc tuyển chọn nhân sự.

Chung quan điểm, PGS.TS Bùi Quang Bình - Tạp chí Khoa học kinh tế cho biết: “Bộ Công Thương đang ôm đồm làm việc không phải của mình”.

PGS.TS Bùi Quang Bình nêu dẫn chứng, ngay phần giới thiệu Bộ Công Thương đã chỉ rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Công Thương được quy định tại Nghị định số 95/2012/NĐ-CP.

“Trong đó nhấn mạnh, Bộ Công Thương là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại… Trong đó không nhắc đến việc Bộ Công Thương phải quản lý tổng công ty này, tập đoàn kia làm ăn lời lỗ. Việc của Bộ Công Thương là làm chính sách, tham mưu chính sách và quản lý nhà nước”, PGS.TS Bùi Quang Bình nói.

Theo ông Bình việc ôm đồm lo quản lý doanh nghiệp theo kiểu bao cấp, nhà nước dẫn đến doanh nghiệp trì trệ thiếu tính canh tranh.

“Quản lý doanh nghiệp, quản lý các trường đại học, cao đẳng là không phải việc của Bộ Công thương. Trong khi quản lý nhà nước về công nghiệp thương mại anh làm chưa tốt không tham quản lý cái khác”, ông Bình nêu quan điểm.

Theo PGS.TS Bùi Quang Bình, Bộ Công Thương đến chuyển giao quyền quản lý các tập đoàn, tổng công ty cho đơn vị khác, với các trường đại học cũng vậy nên tách ra. Từ đó sẽ có bộ máy gọn nhẹ hơn.

Mai Anh