Bỏ qua dư luận, Bộ Giao thông vận tải đồng tình cho Vietstar Airlines "cất cánh"

07/04/2016 11:07
Mai Anh
(GDVN) - Dù dư luận, chuyên gia bày tỏ lo ngại về vấn đề nguồn vốn góp của Vietstar Airlines nhưng Bộ GTVT vẫn đề nghị Thủ tướng cấp giấy phép cho hãng hàng không này.

Bỏ qua ý kiến góp ý

Liên quan đến đề xuất cấp giấy phép kinh doanh hàng không cho Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt - Vietstar Airlines của Bộ Giao thông vận tải, những ngày qua giới chuyên gia và dư luận đã chia sẻ nhiều ý kiến lo ngại về phần vốn góp chưa được minh bạch của công ty này.

Cụ thể, trong đề xuất gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị Thủ tướng cho phép Vietstar Airlines nộp bổ sung Báo cáo tài chính đã kiểm toán đến ngày 31/12/2015 thay thế cho văn bản xác nhận vốn của tổ chức tín dụng.

Website của Vietstar Airlines trước đây từng đăng tải thông tin giới thiệu là đơn vị kinh tế của Quân chủng Phòng không - Không quân/ ảnh chụp màn hình.
Website của Vietstar Airlines trước đây từng đăng tải thông tin giới thiệu là đơn vị kinh tế của Quân chủng Phòng không - Không quân/ ảnh chụp màn hình.

Đề nghị của Bộ Giao thông vận tải trái ngược hoàn toàn với quy định tại Nghị định số 30/2013/NĐ-CP (Nghị định “Về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung”).

Cụ thể, tại Điều 9 Nghị định số 30/2013/NĐ-CP doanh nghiệp xin cấp giấy phép kinh doanh hàng không đối phải đảm bảo điều kiện về vốn. Trong đó, nếu vốn góp bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ tự do chuyển đổi thì phải có văn bản của tổ chức tín dụng xác nhận khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép;

Đối với vốn góp bằng tài sản, bất động sản trực tiếp phục vụ cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng không, kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại là văn bản của tổ chức định giá có thẩm quyền xác nhận giá trị quy đổi thành tiền của tài sản, bất động sản. 

Ngoài ra, nếu là hãng hàng không đang khai thác thì có thể sử dụng bảo lãnh của ngân hàng làm văn bản xác nhận vốn phù hợp.

Để chứng minh điều kiện về vốn góp, cá nhân, tổ chức xin cấp phép kinh doanh phải tuân thủ quy định này.

Ths. LS Trương Anh Tuấn - Ủy ban đào tạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam: "Không thể đánh đồng văn bản xác nhận vốn của tổ chức tín dụng với Báo cáo tài chính đã kiểm toán. Hai văn bản đó không thể thay thế cho nhau" - Ảnh: H.Lực.
Ths. LS Trương Anh Tuấn - Ủy ban đào tạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam: "Không thể đánh đồng văn bản xác nhận vốn của tổ chức tín dụng với Báo cáo tài chính đã kiểm toán. Hai văn bản đó không thể thay thế cho nhau" - Ảnh: H.Lực.

Từ quy định của luật và đề nghị của Bộ Giao thông vận tải, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Ths. LS Trương Anh Tuấn - Ủy ban đào tạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng: "Không thể đánh đồng văn bản xác nhận vốn của tổ chức tín dụng với Báo cáo tài chính đã kiểm toán. Hai văn bản đó không thể thay thế cho nhau".

Theo LS. Tuấn báo cáo tài chính của Vietstar Airlines chỉ chứng minh doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu tức có tiền, nhưng dòng tiền đó đang nằm tài sản doanh nghiệp, nằm ở các dự án… chứ không phải tiền mặt. 

Bỏ qua dư luận, Bộ Giao thông vận tải đồng tình cho Vietstar Airlines "cất cánh" ảnh 3

Cục Hàng không sai luật khi thẩm định hồ sơ xin cấp phép của Vietstar Airlines?

(GDVN) - TS.LS Vũ Thái Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH YouMe nhấn mạnh, cần yêu cầu Vietstar Airlines hoàn thiện hồ sơ xin Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Nếu muốn có văn bản xác nhận vốn từ tổ chức tín dụng hoặc văn bản của tổ chức định giá có thẩm quyền xác nhận giá trị quy đổi thành tiền của tài sản, bất động sản ra tiền mặt,Vietstar Airlines buộc phải phong tỏa tài sản để xác nhận vốn.

Do đó để thực hiện đúng quy định tại Nghị định 30 cần yêu cầu Vietsar Airlines cung cấp văn bản xác nhận vốn của tổ chức tín dụng.

Bộ Giao thông vận tải đồng tình

Trước ý kiến đóng góp của chuyên gia, trong thông cáo báo chí mới đây nhấy, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, Vietstar Airlines là hãng hàng không đã được cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại năm 2011.

Đến nay, Vietstar Airlines có nhu cầu mở rộng loại hình hoạt động sang cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không.

Tháng 8/2015, Vietstar Airlines trình Hồ sơ xin cấp Giấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không lên Cục Hàng không Việt Nam.

Sau khi rà soát quy định pháp luật, đối chiếu với hồ sơ của Vietstar Airlines, Cục Hàng không Việt Nam nhận thấy trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hồ Chí Minh đã thực hiện xác nhận vốn khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty cổ phần nên Cục Hàng không Việt Nam đã sử dụng kết quả của thủ tục hành chính này thay cho văn bản xác nhận vốn. 

Thông tin báo chí của Bộ Giao thông vận- Ảnh chụp lại màn hình
Thông tin báo chí của Bộ Giao thông vận- Ảnh chụp lại màn hình

Tuy nhiên, Văn phòng chính phủ đã đề nghị doanh nghiệp bổ sung văn bản xác nhận vốn để phù hợp với Nghị định 30.

Đến tháng 2/2016, Vietstar Airlines trình lại Hồ sơ xin cấp Giấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không; trong đó, đã nộp bổ sung Báo cáo tài chính đã kiểm toán đến ngày 31/12/2015.

Trên cơ sở báo cáo kết quả thẩm định của Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải quyết định trình Thủ tướng Chính phủ về việc cấp Giấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietstar Airlines;

Trong đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng Báo cáo tài chính đã được kiểm toán thay thế văn bản xác nhận vốn. 

Theo Bộ Giao thông vận tải, việc thay thế văn bản xác nhận vốn bằng báo cáo tài chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016.

Tuy nhiên dù thực hiện giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh nhưng Bộ Giao thông vận tải phải tuân thủ quy định tại Nghị định 30 cho đến khi Nghị định 30 bị xóa bỏ không còn hiệu lực.

Cách lý giải của Bộ Giao thông vận tải gây mâu thuẫn bởi nếu vì tạo điều kiện cho doanh nghiệp mà trái luật, xé luật thì rõ ràng sẽ tạo tiền lệ xấu.

Mặt khác cũng cần phải thấy theo quy định tại Nghị định 30, Vietstar Airlines phải có đủ nguồn vốn 700 tỷ đồng, tuy nhiên trong Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2015 của hãng hàng không này mới có vốn chủ sở hữu 652.7 tỷ đồng còn thiếu 47,3 tỷ.

Dù Bộ Giao thông vận tải dẫn giải sau khi được Thủ tướng đồng ý, Vietstar Airlines vẫn cón 6 tháng để bổ sung vốn nhưng ai cũng hiểu khi đó “gạo đã nấu thành cơm”.

Lỗ triền miên

Được thành lập từ năm 2010 với số vốn điều lệ 400 tỷ đồng, Vietstar Airlines là kết quả của liên doanh giữa ba tổ chức gồm Công ty TNHH MTV Hàng không Ngôi sao Việt góp 262,7 tỷ đồng - tương ứng 65% vốn và Công ty cổ phần Logistic Ngôi sao Việt góp 37,5 tỷ đồng, 25% còn lại là cổ phần của Công ty Sửa chữa máy bay A41 (góp bằng đất quốc phòng).

Tính đến ngày 31/12/2015, Vietstar Airlines lỗ lũy kế 47,4 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính của doanh nghiệp này còn cho thấy, khoản vay nợ đáng lưu ý nhất của Vietstar là khoản vay dài hạn Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Eximbank với tổng dư nợ tại ngày 31/12/2015 là 290 tỷ đồng – tăng 40% so với thời điểm đầu năm.

Đây là khoản tiền vay theo Hợp đồng tín dụng số 2000-LAV-201405688 ngày 05/11/2014 chịu lãi suất 10,5%/năm dùng để mua sắm tài sản cố định.

Năm 2015, “ôm mộng” cất cánh bay, Vietstar Airlines quyết định tăng vốn lên 800 tỷ đồng phần vốn góp thực tế của chủ sở hữu mới là 700 tỷ đồng - đúng với số vốn tối thiểu cần có để được cấp giấy phép bay quốc tế theo điều 8 Nghị định 30/2013/NĐ – CP.

Khoản tiền tăng thêm 300 tỷ do Công ty cổ phần Logistic Ngôi sao Việt và Công ty TNHH MTV HK Ngôi sao Việt do Tổng Giám đốc Phạm Trịnh Phương làm Chủ tịch HĐQT.

Tuy nhiên, do khoản lỗ lũy kế, mức vốn điều lệ 700 tỷ đồng mà các nhà đầu tư của Vietstar góp thêm trong năm vừa qua cũng bị ảnh hưởng, dẫn tới không đạt tiêu chuẩn về vốn chủ sở hữu tối thiểu của hãng hàng không nội địa và quốc tế.

Mai Anh