Bộ trưởng Vương Đình Huệ: "Xăng lãi 1.700 đồng/lít là có thật"

24/05/2012 07:15
Theo VnMedia
Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng, nếu tính xăng theo giá hôm nay thì đúng là doanh nghiệp đang lãi 1.700đ/lít. Tuy nhiên, cần phải nhìn một cách tổng thể và tính theo chu kỳ…
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều ngày 23/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết: “Báo chí những ngày vừa qua viết rằng xăng đang lãi 1700 đồng/lít, nếu tính giá xăng hôm nay thì đúng như vậy, nhưng cần nhìn một cách tổng thể và tính theo chu kỳ”.

- Thưa Bộ trưởng, người dân thắc mắc rằng, tại sao khi tăng giá xăng thì tăng rất cao, nhưng khi giảm lại chỉ “nhỏ giọt” từng chút một?

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ
Dư luận nói tại sao xăng tăng nhiều, giảm ít là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên cần xem xét bản chất của nó là gì. Nếu như khi giá thị trường tăng, chúng ta buộc phải tăng giá theo đúng tỷ lệ với giá cơ sở thì có thể giá tăng sẽ rất là cao. Cho nên khi tăng, để bảo đảm bình ổn giá, không để ảnh hưởng quá lớn đến sản xuất tiêu dùng, thông thường Nhà nước phải hy sinh phần của Nhà nước bằng cách giảm thuế xăng. Vì vậy, cả một thời gian dài thuế suất của các mặt hàng xăng dầu là 0%.

 Nhưng khi tính toán giảm giá, phải tính đến biểu thuế. Biểu thuế xăng đang là hơn 10% nhưng hiện thuế mới có 4%, tức là vẫn có sự chia sẻ của Nhà nước và suy cho cùng, thuế này cũng quay trở lại để phục vụ các mục đích an sinh cho nhân dân.

Tôi xin cam đoan, khi tăng giá, nếu thị trường chấp nhận đủ các yếu tố như nêu trên thì khi giảm cũng sẽ giảm triệt để. Báo chí những ngày vừa qua có viết, xăng đang lãi 1.700 đồng. Nếu tính giá xăng hôm nay thì đúng như vậy, nhưng cần nhìn một cách tổng thể và tính theo chu kỳ. Hơn nữa không thể tính giá xăng dầu hôm nay trên thế giới là bao nhiêu mà các cơ sở xăng dầu Việt Nam có thể bán ngay theo giá đó vì họ phải dự trữ từ trước.

- Vậy thưa Bộ trưởng, quy trình tăng, giảm giá xăng trong thời gian gần đây được tính như thế nào?


Theo Nghị định 84, quy trình tăng hoặc giảm giá ít nhất là 10 ngày. Nhưng khi tăng hoặc giảm giá phải tính giá cơ sở so với giá bán trong vòng 30 ngày chứ không phải 30 ngày mới được giảm hoặc 30 ngày mới được tăng. Từ lần giảm giá trước (ngày 9/5) đến hôm nay đã được 15 ngày, như vậy là quá thời hạn quy định 10 ngày.

Tuy nhiên, khi tính giá cơ sở so với giá bán thì phải tính chu kỳ lưu thông hàng hóa và dự trữ, vì doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu một mặt phải cung cấp sản phẩm cho người sản xuất tiêu dùng, mặt khác phải bảo đảm dự trữ lưu thông cho quốc gia. Dự trữ lưu thông quốc gia hiện nay là 30 ngày nên việc tính giá cơ sở so với giá bán là 30 ngày.

- Vậy sắp tới đây, Bộ Tài chính có quyết định giảm giá xăng xuống nữa không, thưa Bộ trưởng?

Theo chu kỳ này, trong những ngày tới vẫn có thể có khả năng tăng hoặc giảm giá xăng, bởi giá xăng vẫn có thể có biến động. Bộ đã tính toán kỹ tính từ 23/5 cho đến ngày 23/4, so với chu kỳ 30 ngày thì giá bán lẻ so với giá cơ sở chênh lệch khoảng hơn 900 đồng/lít.

900 đồng này được chia làm 3 phần: 2/3 giảm giá tiêu dùng, 1/3 tính thuế. Bộ đã bàn và báo cáo với Chính phủ, đối với mặt hàng xăng A92 thì tăng thêm 2% thuế nhập khẩu, còn 600 đồng để giảm giá cho sản xuất tiêu dùng. Còn diezel chênh lệch thấp hơn nên quyết định chỉ tăng thuế 1%.

Mặt khác, đây là mặt hàng liên quan nhiều đến sản xuất kinh doanh, nhiều bà con ngư dân đi biển nên Nhà nước chia sẻ nhiều hơn và quyết định tăng thuế 1%, giảm giá 400 đồng. Dầu hỏa và dầu ma-zút, mỗi loại giảm 300 đồng. Cụ thể, giá xăng giảm 600 đồng/lít, dầu diezel giảm 400 đồng/lít. Giá dầu hỏa và ma-zút giảm đồng loạt 300 đồng/lít. Việc giảm giá xăng được tính toán chi li cặn kẽ từng đồng.

Chính phủ và Bộ Tài chính nếu có cơ hội là giảm giá ngay để chia sẻ cùng bà con.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!


Có thể bạn quan tâm:
Thú chơi khuyển của các đại gia Choáng với thú chơi của đại gia Việt
Những dịch vụ "Đệ nhất Hà thành" Bảo vệ Người tiêu dùng
Clip - Ảnh ấn tượng Kinh hoàng "công nghệ" thực phẩm bẩn
Lình xình ở nhà N05 Vinaconex Món ngon 3 miền
Theo VnMedia