BOT trên Quốc lộ 51 nhiều sai phạm, Bộ Giao thông vận tải vào cuộc chậm trễ

14/06/2016 14:20
Hồng Minh
(GDVN) - Theo PGS.TS Bùi Quang Bình, những sai phạm của chủ đầu tư dự án BOT Quốc lộ 51 rất rõ nhưng Bộ Giao thông vận tải vào cuộc chậm trễ khiến dư luận bức xúc.

Sai phạm rõ như ban ngày

Dù dự án chưa hoàn thành các hạng mục, chưa quyết toán nhưng từ năm 2012, Công ty CP phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Công ty BVEC) - chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng mở Quốc lộ 51, nối TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai với TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn thu phí.

Điều đáng nói, sự việc kéo dài nhưng cơ quan quản lý nhà nước chậm xử lý dẫn đến bức xúc trong dư luận.

Trước đó năm 2009, dự án BOT nâng cấp mở rộng Quốc lộ 51 dài 73,6km qua Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu được Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải giao cho tổ hợp các doanh nghiệp, ngân hàng gồm: Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), Tổng Công ty Sông Đà và một ngân hàng lập thành công ty cổ phần.

Liên danh này đã thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) để quản lý và thực hiện dự án.

Quốc lộ 51 nhiều đoạn hư hỏng sau khi vừa đưa vào sử dụng - ảnh nguồn: Báo Tiền Phong.
Quốc lộ 51 nhiều đoạn hư hỏng sau khi vừa đưa vào sử dụng - ảnh nguồn: Báo Tiền Phong.

Tuy nhiên, sau đó hai thành viên trong dự án BOT này là Tổng Công ty Sông Đà và ngân hàng đã rút khỏi dự án và thay vào đó là 2 cổ đông mới gồm Tổng công ty CP đầu tư phát triển xây dựng (Công ty DIC) và Công ty CP xây dựng và thương mại tổng hợp Thái Ninh (Công ty Thái Ninh). 

Việc thay đổi nhà đầu tư này cho đến nay vẫn chưa được phép của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải theo quy định của hợp đồng BOT này.

Ngoài ra theo quy định, tổng vốn đầu tư của dự án nâng cấp, cải tạo và mở rộng Quốc lộ 51 khoảng 4.000 tỷ đồng, trong đó vốn vay chiếm 90%, vốn chủ sở hữu 10%.

BOT trên Quốc lộ 51 nhiều sai phạm, Bộ Giao thông vận tải vào cuộc chậm trễ ảnh 2

Đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc vụ chủ đầu tư Quốc lộ 51 thu phí trái luật

(GDVN) - Theo ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc làm rõ sai phạm trong việc thu phí tại Quốc lộ 51.

BOT trên Quốc lộ 51 nhiều sai phạm, Bộ Giao thông vận tải vào cuộc chậm trễ ảnh 3

Chủ đầu tư Quốc lộ 51 thu phí trái luật, Tổng cục Đường bộ không thể vô can

(GDVN) - Dự án chưa hoàn thành, chưa quyết toán nhưng Công ty CP phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vẫn ung thu thu phí trái luật từ năm 2012 đến nay.

Điều này có nghĩa Công ty CP phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu phải góp vốn chủ sở hữu ít nhất là 400 tỷ đồng theo đúng quy định của pháp luật. Song đến thời điểm này, Công ty BVEC mới có được 115 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, thiếu gần 300 tỷ đồng tiền vốn góp theo quy định của luật.

Mặt khác, dù chưa đủ vốn góp và dự án chưa hoàn thành tất cả các hạng mục nhưng từ năm 2012 BVEC đã lập trạm thu phí trên tuyến đường. 

Thông tin trên báo Lao động cho hay, tại một số gói thầu chưa thỏa thuận được mặt bằng để triển khai thi công nên dự án vẫn ngổn ngang. Việc thu phí nhưng BVEC chưa xác định thời gian thu phí chính xác (thời gian thu phí hiện nay vẫn tính trên dự toán tổng đầu tư).

Trước phản ánh của các cơ quan báo chí, ngày 16/3/2016, Bộ Giao thông vận tải đã tiến hành kiểm tra rà soát dự án đầu tư xây dựng mở rộng quốc lộ 51 của BVEC. Đến nay việc xử lý sai phạm vẫn chưa minh bạch rõ ràng.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về những thông tin trên, PGS.TS Bùi Quang Bình – Tạp chí Khoa học Kinh tế đặt câu hỏi: Một sai phạm kéo dài 4 năm, người dân bất bình kéo dài nhưng tại sao phải đến tháng 3/2016 Bộ Giao thông vận tải mới kiểm tra rà soát dự án này?

PGS.TS Bùi Quang Bình bày tỏ quan điểm, nếu những vấn đề cơ quan báo chí nêu là đúng thì Công ty VBEC đã có quá nhiều sai phạm, cần phải xử lý chủ đầu tư cũng như đơn vị quản lý giám sát nhà nước tại dự án này.

Bộ Giao thông chậm vào cuộc

Trở lại thời điểm năm 2012, khi Công ty VBEC dựng trạm thu phí và tiến hành thu phí khi dự án chưa hoàn thành chưa quyết toán, PGS.TS Bùi Quang Bình đặt vấn đề: Lúc đó Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính có biết doanh nghiệp thu phí không và chiếu theo quy định của pháp luật, việc thu phí đó đúng hay sai?

Cụ thể, doanh nghiệp dựng trạm thu phí nhưng không thể tự in vé mà phải được phép của Bộ Tài chín. Vậy khi đó, chắc chắn bộ ngành phải biết chuyện doanh nghiệp chưa đủ vốn góp, phải biết việc dự án chưa quyết toán. 

Còn nhớ nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng tại cuộc họp về thanh tra, kiểm toán các dự án BOT từng khẳng định: Tất cả các dự án BOT trong 6 tháng kể từ khi đưa vào khai thác phải thực hiện quyết toán và ký hợp đồng chính thức, xác định thời gian thu phí. 

Dự án nào không thực hiện quyết toán, yêu cầu dừng thu phí và nếu không hoàn thành quyết toán, xác định chính xác thời gian thu phí sẽ không được tiếp tục thu phí. Như vậy rõ ràng ở đây chỉ đạo của người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải rất rõ nhưng nhưng việc thực hiện lại có vấn đề.

“Đặt ra những câu hỏi trên để thấy trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải. Tôi nghĩ Bộ vào cuộc chậm, xử lý chậm. Người dân đi lại và trả phí đường BOT khi đường chưa hoàn thành khác nào bắt người dân mua một sản phẩm lỗi với giá cao”, PGS.TS Bình cho biết.

Ở góc nhìn khác, TS. Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, việc thực hiện các dự án BOT giao thông nói riêng và BOT trong xây dựng đang có lỗ hổng để hình thành lợi ích nhóm dẫn đến việc kiểm tra, giám sát không hiệu quả, biết sai phạm nhưng không công bố xử lý triệt để.

Theo ông Liêm, hiện các dự án BOT không đấu thầu mà được chỉ định. Khi chỉ định doanh nghiệp bao giờ cũng có lợi ích nhóm trong đó.

“Có lợi ích nhóm thì việc giám sát chỉ ra sai phạm rất khó vì các bên đều có lợi ích. Đây chính là vấn đề dẫn đến những méo mó trong dự án đầu tư BOT”, TS. Liêm cho biết.

Được biết sau khi kiểm tra dự án BOT trên Quốc lộ 51, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản yêu cầu Công ty VBEC phải khẩn trương nộp đủ vốn chủ sở hữu theo quy định hợp đồng trước ngày 31/5/2016.

“Sau khi nộp đủ vốn chủ sở hữu, khẩn trương nộp hồ sơ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo đúng quy định”, Thứ trưởng Trường yêu cầu.

Thứ trưởng Trường thừa nhận trong quá trình thực hiện đầu tư BOT Quốc lộ 51 có một số tồn tại liên quan đến việc chuyển nhượng trong doanh nghiệp dự án; việc thanh, quyết toán giữa doanh nghiệp dự án với các nhà thầu, việc quyết toán chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Những sai phạm trên, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu nếu không hoàn thành quyết toán trước 31/9/2016, Công ty BVEC sẽ bị dừng thu phí tuyến Quốc lộ 51, đoạn qua tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hồng Minh