CEO Vietjet lọt Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2017

29/12/2017 09:00
Ngọc Hân
(GDVN) - Tổng tài sản nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đạt 17.669 tỉ đồng. Với kế hoạch đưa Ngân hàng HDBank lên sàn vào đầu năm 2018, thứ hạng bà Thảo còn thay đổi.

Theo thống kê đến hết phiên giao dịch cuối năm 2017, tính theo lượng cổ phiếu trên sàn được sở hữu trực tiếp bởi cá nhân, 1.000 người giàu nhất sàn chứng khoán đang nắm giữ 373.692 tỉ đồng vốn hóa, tương đương 16,48 tỉ USD.

Trong đó, chỉ riêng top 10 đã nắm giữ 189.636 tỉ đồng vốn hóa, tương đương 50% giá trị của nhóm 1.000 người giàu nhất sàn.

Tính theo lượng cổ phiếu trên sàn được sở hữu trực tiếp bởi cá nhân (không kể sở hữu gián tiếp qua công ty khác), đến hết phiên giao dịch ngày 29/12/2017, ở vị trí số 1 là ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC.

Ông Quyết sở hữu quy mô tài sản vốn hóa đạt 58.851 tỉ đồng, tăng 25.045 tỉ đồng so với năm 2016. Ông Quyết hiện đang sở hữu 318.514.630 cổ phiếu ROS, 135.187.150 cổ phiếu FLC và 2.630.000 cổ phiếu ART.

Nếu tính theo tiêu chí cá nhân trực tiếp và thêm cả công ty (cá nhân kiểm soát vốn) có sở hữu, dẫn đầu là tỉ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC), với tổng tài sản trị giá hơn 124.000 tỉ đồng, tương ứng 5,4 tỉ đô la Mỹ.

Khối tài sản này bao gồm 27,4% CP tại VIC do ông Vượng sở hữu trực tiếp và lượng sở hữu gián tiếp qua Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư VN (công ty cũng do ông Vượng nắm quyền kiểm soát).

Ở vị trí thứ 3 là "đại gia" ngành thép Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, người đang sở hữu cổ phiếu HPG liên tục tăng giá. Tổng tài sản của ông Long hiện đạt 17.875 tỉ đồng vốn hóa.

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo.
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo. 

Chiếm vị trí thứ 4, nữ tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air - người đang sở hữu các cổ phiếu VJC và HDB - cũng gặt hái nhiều thành công.

Tổng tài sản của bà Thảo chỉ kém ông Long hơn 200 tỉ đồng, đạt 17.669 tỉ đồng. Với kế hoạch đưa Ngân hàng HDBank lên sàn vào đầu năm 2018, có thể thứ hạng của bà Thảo sẽ thay đổi.

Vị trí thứ 5 thuộc về vợ ông Phạm Nhật Vượng, bà Phạm Thu Hương. Với việc sở hữu các cổ phiếu VIC và VPL, tổng tài sản vốn hóa của bà Hương đạt 9.650 tỉ đồng.

Vị trí thứ 6 là của ông Bùi Thành Nhơn, giảm 2 bậc so với cuối năm 2016, với tài sản đạt 9.486 tỉ đồng vốn hóa.

Vị trí thứ 7 và thứ 8 về tài sản vốn hóa đều thuộc về hai nữ tỉ phú là bà Phạm Thúy Hằng (nắm giữ cổ phiếu VIC) và bà Vũ Thị Hiền (nắm giữ cổ phiếu HPG).

Vị trí thứ 9, doanh nhân bất động sản Nguyễn Văn Đạt, người sở hữu cổ phiếu PDR, đã có một năm khá thành công khi đưa tổng tài sản vốn hóa của ông lên 4.846 tỉ đồng.

Vị trí thứ 10 thuộc về bà Lê Thị Ngọc Diệp là vợ ông Trịnh Văn Quyết, với tài sản 3.670 tỉ đồng vốn hóa.

Sự xuất hiện của bà Diệp đã đem lại sự cân bằng giới tính cho top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2017, dù khoảng cách chênh lệch giữa vợ Chủ tịch FLC và ông Nguyễn Đức Tài, ông chủ Thế Giới Di Động (MWG) chỉ là hơn 120 tỉ đồng.

Dưới sự điều hành của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Vietjet đang là doanh nghiệp dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng.
Dưới sự điều hành của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Vietjet đang là doanh nghiệp dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng. 

Đáng chú ý, trong danh sách 10 gương mặt giàu nhất sàn chứng khoán có duy nhất nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo.

Trên thương trường, nhiều người biết đến nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo là “người đàn bà thép”, giữ ghế nóng ở nhiều doanh nghiệp đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng.

Bà Thảo từng là thành viên Ban giám đốc của một số ngân hàng thương mại tại Việt Nam trước khi gia nhập Ngân hàng Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) trong vai trò Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Có lẽ trong số nhiều lĩnh vực ấy, đáng chú ý hơn cả là vai trò nổi bật của bà Thảo tại VietJet Air, cùng với các cộng sự đang viết lên câu chuyện “cổ tích” khó tin trong ngành hàng không. 

Thực hiện chuyến bay đầu tiên vào cuối năm 2011, VietJet Air chỉ mất 6 năm để trở thành hãng hàng không đứng đầu thị trường với mức độ nhận diện thương hiệu hơn 90%.

Trả lời các hãng thông tấn quốc tế, bà Nguyễn Thị Phương Thảo không giấu tham vọng VietJet Air đang vươn mình trở thành “một Emirates của châu Á".

Với triết lý kinh doanh nhân văn, hướng tới cộng đồng, khát vọng đem lại niềm vui, hạnh phúc cho tất cả mọi người trên các chuyến bay, mang lại cơ hội bay bình đẳng cho tất cả mọi người, VietJet Air góp phần đưa việc di chuyển bằng đường hàng không trở nên phổ biến, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn cũng đã được đi lại bằng máy bay Vietjet.

Ngọc Hân