"Che giấu nợ xấu thực sẽ rất nguy hại đến hệ thống ngân hàng"

25/02/2014 07:46
Hoàng Lực
(GDVN) - TS Lê Đăng Doanh ví von việc che gấu con số nợ xấu thực giống như người ốm nhưng không nói rõ bệnh khiến cho việc chẩn đoán điều trị khó khăn.

Cuộc tranh luận về số nợ xấu thực của hệ thống ngân hàng Việt Nam thực sự diễn ra sau khi Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service đưa ra con số nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam lên đến 15%. Con số này chênh lệch khá lớn gấp hơn 3 lần con số nợ xấu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra giữa tháng 11/2013 là 4,7%.

Tổ chức này cũng cho rằng, những chính sách được thực hiện gần đây, trong đó có việc Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) đi vào hoạt động để mua nợ xấu, chưa giải quyết trực diện được tình trạng thiếu vốn của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Nợ xấu thực của hệ thống ngân hàng Việt Nam đang có nhiều con số khác nhau
Nợ xấu thực của hệ thống ngân hàng Việt Nam đang có nhiều con số khác nhau

Ngay sau đánh giá của Moody’s, NHNN cho rằng vấn đề nằm ở chỗ do không có chuẩn mực thống nhất về phân loại nợ nên các cơ quan, tổ chức khác nhau đưa ra số liệu nợ xấu không giống nhau về cùng một đối tượng là bình thường. Theo NHNN nếu tính toán một cách thận trọng, nợ xấu bao gồm cả nợ xấu được cơ cấu lại theo Quyết định 780/QĐ-NHNN thì tỷ lệ nợ xấu cũng chỉ khoảng 9%.

Những lý giải của NHNN sau con số đưa ra của Moody’s càng khiến nhiều người tin rằng con số thực nợ xấu của hệ thống ngân hàng lớn hơn. Thông tin này ảnh hưởng không nhỏ đến giới đầu tư tài chính.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, về sự chênh lệch giữa hai con số nợ xấu của Moody’s và NHNN đưa ra, TS Lê Đăng Doanh  - nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (Central Institute for Economic Management - CIEM) cho rằng, con số nợ xấu thực sự là bao nhiêu vẫn chưa rõ nhưng sẽ lớn hơn con số NHNN công bố.

“Cho đến nay con số nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra là con số thấp nhất. Những con số khác của các kinh tế gia độc lập của Việt Nam đưa ra trong các cuộc thảo luận nội bộ cao hơn rất nhiều. Nó bằng hoặc thậm chí là cao hơn con số của Moody’s”, TS Lê Đăng Doanh đưa ra nhận định.

Lý giải sự chênh lệch về số nợ xấu, TS Doanh cho rằng xuất phát từ việc chúng ta không áp dụng tiêu chuẩn giống nhau để xác định nợ xấu, tức là quốc tế áp dụng một tiêu chuẩn khác còn mình muốn đẹp nên mình áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam.

Thêm vào đó theo TS Doanh, không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các nước kể các nước phát triển như Nhật, Thái Lan, Malaysia thì các ngân hàng thương mại luôn giấu nợ và báo cáo số nợ thấp hơn. Nhiều khi con số chênh nhau đến 100%. Tức là các ngân hàng thương mại chỉ báo cáo con số khoảng độ 50% hoặc dưới 50% số nợ thực tế.

“Sở dĩ có điều này vì nếu báo cáo con số thực các ngân hàng sẽ buộc phải tái cơ cấu”, TS Doanh lý giải.

TS Lê Đăng Doanh ví von việc, che giấu con số nợ xấu thực giống như người ốm nhưng không nói rõ bệnh khiến cho việc chẩn đoán điều trị khó khăn. “Tôi cho rằng việc chẩn bệnh và báo cáo con số nợ xấu cũng giống nhau, việc chẩn bệnh ấy là việc hết sức nghiêm túc, và nên có nỗ lực để đi đến nhận định chính xác thì mới có thể chữa bệnh được, còn anh nếu anh bị bệnh nặng nhưng lại nói bệnh nhẹ khi đó anh sẽ dùng thuốc không phù hợp”, ông Doanh nói.

Theo đó, việc che giấu con số nợ xấu thực sẽ rất nguy hại đến hệ thống ngân hàng bởi khi đó người ta không biết rõ thực trạng vấn đề ở đâu.

Cũng liên quan đến sự chênh lệch con số nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam, trao đổi với Giáo dục Việt Nam, TS Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh - Business Development Institute (BDI) cho rằng: “Tôi chỉ khẳng định rằng không thể có con số nợ xấu như thế vì sẽ xảy ra sụp đổ, hơn nữa dù là con số nào thì mình cũng đã có đề án giải quyết nợ xấu và được Chính phủ phê duyệt bây giờ chỉ đi vào thực hiện”.

Lý giải việc giải quyết nợ xấu tại các ngân hàng thực hiện chậm trễ, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, nguồn tiền của NHNN tham gia giải quyết nợ xấu không phải là tiền ngân sách cho nên phải làm từ từ để kiểm soát được lạm phát, còn nếu nguồn tiền của NHNN mà làm ồ ạt là không được.

“Một nguồn tiền khác nữa là nguồn tiền dự phòng rủi ro ở các ngân hàng thương mại, nếu yêu cầu các ngân hàng thương mại phải trích dự phòng rủi ro như chuẩn thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng tài chính của nó. Cho nên mình phải làm rất mềm dẻo, linh hoạt vì nguồn lực có hạn”, TS Nghĩa nói.

Hoàng Lực