Chồng đại gia Diệu Hiền được mời "giải cứu" thủy sản Phương Nam

05/11/2012 15:59
Theo Vnexpress
Với vai trò là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Trí Việt, chồng bà Diệu Hiền được mời về Sóc Trăng tham gia giải cứu thủy sản Phương Nam.
Ngày 5/11, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Sóc Trăng làm đầu mối tổ chức cuộc họp khẩn cấp với 6 ngân hàng chủ nợ của Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam để bàn phương án tái cấu trúc doanh nghiệp thủy sản đang lún vào nợ nần. Ông Trần Văn Trí (chồng bà Diệu Hiền) được Agribank Sóc Trăng mời dự với vai trò là nhà đầu tư ở cương vị Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Trí Việt có trụ sở tại quận 3, TP HCM. Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Trí Việt vốn điều lệ 300 tỷ đồng, có chức năng tư vấn đầu tư, nuôi trồng thủy hải sản xuất khẩu.
Biệt thự của ông Khuân xây cạnh Công ty Phương Nam đã thế chấp cho một ngân hàng để vay hàng chục tỷ đồng. Ảnh: Thiên Phước
Biệt thự của ông Khuân xây cạnh Công ty Phương Nam đã thế chấp cho một ngân hàng để vay hàng chục tỷ đồng. Ảnh: Thiên Phước
Theo nguồn tin, Công ty Phương Nam nợ nhiều nhất là Agribank Sóc Trăng với 548 tỷ đồng (tính đến giữa tháng 8/2012), trong đó có hơn 498 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn, còn lại là dư nợ cho vay vốn nhận của các tổ chức, cá nhân khác (2,4 triệu USD). Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Sóc Trăng là chủ nợ lớn thứ hai với 341 tỷ đồng, còn lại là Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) Sở giao dịch Hậu Giang (hơn 328 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VietcomBank, 147 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, gần 147 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) chi nhánh Bạc Liêu (80 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) 8 tỷ đồng. Để vay được số tiền lớn, Công ty Phương Nam đã thế chấp rất nhiều đất đai, nhà xưởng, hàng tồn kho, xe tải của nhà máy chế biến thủy sản tại TP Sóc Trăng và nhiều căn nhà của Chủ tịch HĐQT Lâm Ngọc Khuân tại TP HCM. Ngoài ra, Công ty Phương Nam còn có công ty con là KM Phương Nam tại huyện Kế Sách (Sóc Trăng) vay của VDB chi nhánh Sóc Trăng 195 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi (6,9% một năm). Hiện, VDB đã giải ngân được khoảng 175 tỷ đồng, số còn lại chưa phát vay vì phía ngân hàng chưa nhận được hồ sơ từ phía doanh nghiệp.
Tờ trình "giải cứu" Công ty Phương Nam của ông Trí. Ảnh: Thiên Phước
Tờ trình "giải cứu" Công ty Phương Nam của ông Trí. Ảnh: Thiên Phước
Tại cuộc họp sáng nay, sau khi nghe đại diện các chủ nợ ngân hàng báo cáo dư nợ tại Công ty Phương Nam, ông Trần Văn Trí cho biết với kinh nghiệm điều hành, tái cơ cấu Bianfishco vượt qua khó khăn, ông đã gửi tờ trình đến UBND tỉnh Sóc Trăng, Công ty Mua bán nợ (Bộ Tài chính) và các ngân hàng để xin tham gia tái cấu trúc toàn diện Công ty Phương Nam. Theo ông Trí, sau chuyến công tác Hà Nội tuần rồi, Công ty Trí Việt đã bàn bạc với Công ty Mua bán nợ về phương án mua nợ và làm đại diện pháp luật cho Công ty Phương Nam khi chính thức tham gia tái cơ cấu. Đối với các ngân hàng, phương án tốt nhất là tham gia góp vốn bằng nợ vay nhưng theo Luật các tổ chức tín dụng thì không quá 11%. Sau cuộc họp này, tuần tới Công ty Trí Việt tiếp tục làm việc với 7 ngân hàng để tiến hành thực thi các thủ tục pháp lý vào cuối tháng 11 và đưa đội ngũ điều hành mới vào Công ty Phương Nam để làm việc, hoạt động tốt trở lại vào ngày 3/12. "Phần nợ còn lại sẽ có phương án khoanh, giãn nợ và không phát sinh lãi trong 5 năm. Ngân hàng chủ nợ cũng phải cử người tham gia hội đồng quản trị, ban điều hành và công ty đi vào ổn định phải tăng vốn điều lệ, tăng thêm hạn mức tín dụng 50 triệu USD để đủ năng lực mua nguyên liệu hoạt động, cạnh tranh với các nước trong khu vực", ông Trí cho biết thêm. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tấn Bửu, Giám đốc Agribank Sóc Trăng cho biết các chủ nợ ngân hàng cơ bản thống nhất phương án tái cấu trúc của Công ty Trí Việt là giao cho ông Trí đại diện Công ty Phương Nam với vai trò Tổng giám đốc, đại diện theo pháp luật. Sau khi tái cấu trúc xong, ngân hàng sẽ tiếp tục bơm vốn cho doanh nghiệp sản xuất ổn định như trước đây.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo Vnexpress