Chủ đầu tư Quốc lộ 51 thu phí trái luật, Tổng cục Đường bộ không thể vô can

22/03/2016 15:22
Mai Anh
(GDVN) - Dự án chưa hoàn thành, chưa quyết toán nhưng Công ty CP phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vẫn ung thu thu phí trái luật từ năm 2012 đến nay.

Sai phạm kéo dài

Những ngày qua dư luận xôn xao trước những sai phạm của Công ty CP phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Công ty BVEC) trong dự án đầu tư xây dựng mở Quốc lộ 51, nối TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai với TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Điều đáng nói những sai phạm này kéo dài suốt hơn 3 năm qua giờ mới lộ tẩy.

Quốc lộ 51 là tuyến đường huyết mạch nối Đồng Nai với Bà Rịa - Vũng Tàu là 2 trung tâm kinh tế sôi động nhất tại khu vực Đông Nam Bộ.

Quốc lộ 51 nhiều đoạn hư hỏng sau khi vừa đưa vào sử dụng - ảnh nguồn: Báo Tiền Phong
Quốc lộ 51 nhiều đoạn hư hỏng sau khi vừa đưa vào sử dụng - ảnh nguồn: Báo Tiền Phong 

Quốc lộ 51 tuy được mở rộng nâng cấp lên 4 làn xe vào năm 1997, nhưng có dấu hiệu mãn tải do sự bùng nổ rất nhanh của hàng loạt các khu công nghiệp và khu đô thị lớn dọc tuyến đường.

Do đó việc nâng cấp, cải tạo và mở rộng Quốc lộ 51 là yêu cầu bắt buộc.

Trước tình hình đó năm 2009, dự án BOT nâng cấp mở rộng Quốc lộ 51 dài 73,6km qua Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu được Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giao cho tổ hợp các doanh nghiệp, ngân hàng gồm: Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), Tổng Công ty Sông Đà và một ngân hàng lập thành công ty cổ phần.

Tuyến đường sau khi được đầu tư mở rộng từ 4 làn xe lên 6 làn xe. Chiều rộng nền đường tại các đoạn thông thương là 32,9 mét. Vận tốc thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư tạm tính 2.073 tỉ đồng (bao gồm cả dự phòng trượt giá 335 tỉ đồng). 

Nhà đầu tư được quyền sử dụng 2 trạm thu phí tại Long Thành (km 16) và trạm thu phí Cầu Cỏ May (sau khi hết hạn hợp đồng BOT cầu vào năm 2012) để tổ chức thu phí hoàn vốn. 

Chủ đầu tư Quốc lộ 51 thu phí trái luật, Tổng cục Đường bộ không thể vô can ảnh 2

Làm đường, tăng phí BOT, anh đã hỏi dân chưa?

(GDVN) - Câu hỏi trên được ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội đặt ra trước những bức xúc của người dân xung quanh việc tăng phí đường BOT.

Tổng vốn đầu tư của dự án nâng cấp, cải tạo và mở rộng Quốc lộ 51 khoảng 4.000 tỷ đồng, trong đó vốn vay chiếm 90%, vốn chủ sở hữu 10%.

Điều này có nghĩa Công ty CP phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu phải góp vốn chủ sở hữu ít nhất là 400 tỷ đồng theo đúng quy định của pháp luật.

Theo tiến độ phê duyệt dự án được thực thiện từ quý I/2009 đến quý IV/2011. Theo quy định tại Điều 51, Nghị định 15/2015  quy định đầu tư đối tác công tư thì sau 6 tháng dự án hoàn thành phải tiến hành quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình. Sau đó Công ty CP phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu mới được tiến hành thu phí.

Tuy nhiên tiết lộ với báo chí, ông Nguyễn Văn Đạt, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp (IDICO) dự án đầu tư xây dựng mở rộng quốc lộ 51 đã hoàn thành đưa vào sử dụng và thu phí hoàn vốn từ 4 năm trước (2012), nhưng đến nay vẫn chưa thể thanh quyết toán theo quy định.

Cũng theo ông Đạt, số tiền thiếu nợ các nhà thầu xây dựng dự án lên đến 300 tỉ đồng; việc triển khai thực hiện có nhiều sai sót… 

Bên cạnh việc thu phí khi dự án chưa quyết toán chưa hoàn thành, đến thời điểm này Công ty BVEC mới có được 115 tỷ vốn chủ sở hữu thiếu gần 300 tỷ đồng tiền vốn góp theo quy định của luật.

Để bù vào số vốn chủ sở hữu còn thiếu đại diện BVEC cho biết sẽ huy động từ bên ngoài, từ thu phí, từ hoàn thuế VAT…

Trách nhiệm của Tổng cục Đường bộ

Sai phạm BVEC kéo dài trong thời gian dài đặt ra trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước. 

Trở lại thời điểm năm 2008, khi Dự án BOT đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 được công bố có đến 3 nhà đầu tư muốn được độc lập tham gia dự án.

Song thay vì tổ chức đấu thầu lựa chọn một nhà đầu tư có phương án tài chính hấp dẫn nhất theo quy định tại Nghị định số 78/2007/NĐ-CP, chủ đầu tư dự án là Tổng cục Đường bộ Việt Nam lại dàn xếp mời cả 3 cùng tham gia góp vốn, khiến đã quá thời hạn cho phép mà vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Ba đơn vị muốn độc lập tham gia dự án gồm Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), Tổng Công ty Sông Đà và một Ngân hàng lập thành công ty cổ phần.

Tuy nhiên, sau đó thì hai thành viên trong dự án BOT này là Tổng Công ty Sông Đà và ngân hàng đã rút khỏi dự án và thay vào đó là 2 cổ đông mới gồm: Tổng công ty CP đầu tư phát triển xây dựng (Công ty DIC) và Công ty CP xây dựng và thương mại tổng hợp Thái Ninh (Công ty Thái Ninh).

Việc thay đổi nhà đầu tư này cho đến nay vẫn chưa được phép của Chính phủ, Bộ GTVT theo quy định của hợp đồng BOT này.

Từ điều chỉnh thay thế cổ đông trong công ty cổ phần thực hiện dự án Quốc lộ 51 không báo cáo Bộ GTVT đến việc 2 cổ đông thay thế là Công ty DIC, Công ty Thái Ninh cùng IDICO không thu xếp đủ vốn chủ sở hữu cho thấy trách nhiệm của Tổng cục Đường bộ.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam với tư cách đại diện Bộ GTVT ký với BVEC hợp đồng xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 theo nội dung Hợp đồng số 21/2009/HĐ.BOT-QL51 ngày 12/11/2009 và Phụ lục hợp đồng số 23/2012/PLHĐ.BOT-QL51 ngày 28/5/2012.

Theo đó Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải có trách nhiệm giám sát BVEC trong việc thực hiện các điều khoản hợp đồng từ vốn chủ sở hữu, tiến độ thực hiện các dự án, quyết toán dự án…

Song, dù cho nghĩa vụ của BVEC chưa hoàn thành Tổng cục Đường bộ cũng không lên tiếng ngược lại còn để BVEC ung dung thu phí gần 4 năm qua. Thực tế này đặt ra trách nhiệm của Tổng cục Đường bộ trong sai phạm của BVEC.

Được biết, ngày 9/3/2016 Bộ GTVT ban hành văn bản số 694/QĐ-BGTVT thành lập Tổ rà soát Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 theo hình thức hợp đồng BOT trên địa phận tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Và dư luận cũng đang chờ kết luận của Bộ GTVT sau những lùm xùm tại dự án này.

Mai Anh