Chưa tìm ra nguyên nhân vì sao sân bay Tân Sơn Nhất nhiễu sóng lạ

28/06/2015 09:22
Cao Nguyên (nguồn Cục hàng không VN)
(GDVN) - Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, nguyên nhân chính xác của sự cố can nhiễu tần số nêu trên vẫn chưa được làm rõ.

Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa ký công văn số 8120/BGTVT-VP gửi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị làm rõ nguyên nhân việc can nhiễu tần số điều hành bay tại sân bay Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng.

Công văn nêu rõ: Ngày 16/6/2015, tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Đà Nẵng đã xảy ra hiện tượng can nhiễu tần số điều hành bay, gây ảnh hưởng lớn đến công tác điều hành bay của Tổng công ty Quản lý bay VN, gây nguy cơ uy hiếp an toàn hoạt động bay.

Đài không lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh: Dicom)
Đài không lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh: Dicom)

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương điều tra, xác minh nhằm làm rõ nguyên nhân để xử lý, khắc phục, đồng thời phòng ngừa tái diễn vụ việc trong tương lai.
 
Quá trình điều tra của Cục Hàng không Việt Nam đã nhận được sự phối hợp rất chặt chẽ, trách nhiệm của Cục Tần số vô tuyến điện, đặc biệt là Trung tâm tần số Khu vực 2.

Ngày 24/6/2015, Cục Hàng không Việt Nam đã có Báo cáo kết quả điều tra, xác minh ban đầu. Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, sau khi thống nhất với đại diện của Cục Tần số vô tuyến điện, Quân chủng Phòng không - Không quân, nguyên nhân chính xác của sự cố can nhiễu tần số nêu trên vẫn chưa được làm rõ.
 
Đối với hoạt động điều hành bay tại Việt Nam đã từng xảy ra nhiều lần can nhiễu tần số điều hành bay mà sau đó nguyên nhân được Cục Tần số vô tuyến điện điều tra, xác định là do điện thoại cố định kéo dài, do đài phát thanh địa phương, do các trạm thu phát ra đa, do truyền hình cáp… ở trong và ngoài Việt Nam.

Tuy nhiên, dạng can nhiễu xảy ra ngày 16/6/2015 tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng là dạng can nhiễu lần đầu tiên xảy ra.
 
Việc xác định can nhiễu tần số là vấn đề phức tạp, cần phải có các chuyên gia có chuyên môn sâu về lĩnh vực thiết bị thu phát tần số vô tuyến điện. Vì vậy, Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo và đề nghị cho phép chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang Cục Tần số vô tuyến điện để thực hiện điều tra, xác minh với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành tần số vô tuyến điện.
 
Cũng từ đây, Bộ Giao thông vận tải kính đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm, chỉ đạo Cục Tần số vô tuyến điện thực hiện và công bố kết luận điều tra, xác minh vụ việc. Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục chỉ đạo Cục hàng không Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các cơ quan liên quan thuộc Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ và tạo mọi điều kiện cần thiết để Cục Tần số vô tuyến điện hoàn thành nhiệm vụ.

Trước đó, lý giải hiện tượng các sân bay bị can nhiễu sóng lạ, TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ&Quản lý TP.HCM (HASCON) cho rằng, dựa vào nguyên lý hoạt động thì đây là hiện tượng tần số “bị một nguồn sóng lạ đè”.

Theo đó, các giải tần số vô tuyến điện đã được phân chia rất khoa học và rất chặt chẽ, sao cho các giải tân số của các ứng dụng không chồng chéo và xâm phạm lẫn nhau, được Cục Quản lý tần số quản lý rất chặt chẽ, sự phân chia này có hiệu lực pháp luật.

Khoảng cách giữa giải tần của hai ứng dụng khác nhau đủ lớn để khó xảy ra sự cố chồng chéo (lưu ý: “giải tân số của các ứng dụng khác nhau” có nghĩa là “giải tần số, ví dụ của sóng phát thanh, của sóng truyền hình, của sóng truyền số liệu, của sóng điều khiển tên lửa, vũ khí...).

“Như vậy khi nói “bị một nguồn sóng lạ đè” lên, người nghe có thể hiểu nguyên nhân xuất phát từ một trong hai khả năng là ngẫu nhiên hoặc cố ý”, TS Phúc nhận định.

Ở trường hợp nguồn sóng lạ là ngẫu nhiên, đây có thể do một sự cố nghiêm trọng xảy ra ở các thiết bị điện, năng lượng, hoặc các máy phát sóng của một ứng dụng khác đang hoạt động trong khu vực. Bởi vì, hằng ngày các thiết bị này vẫn làm việc bình thường mà không gây ra sóng lạ, chỉ khi bị sự cố mới có khả năng phát ra sóng lạ.

Trường hợp ngẫu nhiên thứ hai, là sự cố xảy ra tại chính nguồn phát sóng của điều khiển không lưu. Sự cố khiến máy phát phát ra một nguồn sóng lạ, khác với nguồn sóng bình thường của mình.

Tuy nhiên, cách giải thích trường hợp này không có sức thuyết phục, bởi vì sóng lạ tại sao chỉ đè có 18 phút, chẳng lẽ máy phát sóng của điều khiển không lưu chỉ sự cố có 18 phút, rồi tự khôi phục lại như bình thường?

Ở giả thiết một nguồn sóng lạ là cố ý, hiện tượng này chỉ xảy ra khi có hành động cố tình phá hoại.

“Cục quản lý tần số và lực lượng an ninh hoàn toàn có khả năng phát hiện chính xác nguồn sóng lạ phát ra từ đâu, nhờ họ đã có đầy đủ những phương tiện tự động hóa tối  tân hiện đại”, TS Phúc cho biết.
Cao Nguyên (nguồn Cục hàng không VN)