Chuyên gia Bùi Kiến Thành: DN nhà nước nợ "khủng" là do ỉ lại

04/12/2013 07:21
Hồng Minh
(GDVN) - “Vấn đề ở đây là sức ì cũng như sự ỉ lại của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Vòng lẩn quẩn của doanh nghiệp nhà nước là được cấp tiền nhưng làm ăn nhưng thua lỗ, rồi lại được cấp tiếp, rồi thua lỗ... Sau đó các khoản nợ không trả nổi lại được khoanh lại, rồi được xóa nợ”, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành phân tích.
Trong báo cáo tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2012 của các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp nhà nước được Chính phủ gửi tới các đại biểu Quốc hội cho thấy tính đến cuối năm 2012 có tổng số 846 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ cho thấy, ổng tài sản doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ là gần 2,6 triệu tỉ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 1 triệu tỉ, doanh thu đạt hơn 1,7 triệu tỉ, lợi nhuận trước thuế gần 167.000 tỉ và nộp ngân sách hơn 221.000 tỉ đồng. Đáng chú ý, chỉ riêng 127 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - công ty con đã có số nợ phải trả lên đến hơn 1,3 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 6% so với năm 2011. Con số nợ này xấp xỉ 50% GDP của Việt Nam năm 2012, bằng 78,9% doanh thu cả năm 2012 (doanh thu năm 2012 là 1.709.171 tỉ đồng); vượt 132% vốn chủ sở hữu (1.019.578 tỉ đồng) và chiếm già nửa so với tổng tài sản 2.569.433 tỉ đồng. Theo danh sách doanh nghiệp nhà nước có số nợ lớn, đứng đầu Tập đoàn Dầu khí với số nợ hơn 124.000 tỉ đồng, Tập đoàn Điện lực hơn 103.000 tỉ, Tổng công ty Hàng hải hơn 31.000 tỉ... Đáng chú ý có doanh nghiệp hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu bình quân năm 2012 của các tập đoàn, tổng công ty là 1,46 lần, song có 48 đơn vị có tỷ lệ này gấp ba lần trở lên, như tổng công ty Lắp máy Việt Nam hơn 53 lần; tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng là 20,97 lần; tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 là 18,41 lần…
Chỉ riêng 127 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - công ty con đã có số nợ phải trả lên đến hơn 1,3 triệu tỉ đồng gần bằng 50% GDP năm 2012
Chỉ riêng 127 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - công ty con đã có số nợ phải trả lên đến hơn 1,3 triệu tỉ đồng gần bằng 50% GDP năm 2012
Điều dư luận quan tâm là khả năng trả nợ của các doanh nghiệp này như thế nào? Đặt giả thiết, những doanh nghiệp này không có khả năng trả nợ, đặc biệt là các khoản vay nước ngoài thì chắc chắn Chính phủ phải đứng ra bảo lãnh, trả nợ như trường hợp của Vinashin. Đánh giá về số nợ lên tới trên 1.3 triệu tỉ đồng của doanh nghiệp nhà nước, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng đây là con số rất lớn, thể hiện sự yếu kém của nhiều doanh nghiệp nhà nước. “Nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả ai cũng thấy rõ nhưng qua những con số cụ thể mới thấy rõ căn bệnh trầm trọng của doanh nghiệp nhà nước lâu nay”, TS Bùi Kiến Thành nhận định.
Mặc dù không phải tất cả doanh nghiệp nhà nước đều hoạt động kém hiệu quả nhưng trong các doanh nghiệp có số nợ lớn hoạt động kém hiệu quả là do sức ì, ỉ lại của bản thân doanh nghiệp đó vào nhà nước. “Vòng lẩn quẩn là doanh nghiệp nhà nước được cấp tiền để làm ăn nhưng thua lỗ, rồi lại được cấp tiếp, rồi thua lỗ... Sau đó các khoản nợ không trả nổi lại được khoanh lại, rồi được xóa nợ”, chuyên gia Bùi Kiến Thành nêu vấn đề. Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân phải tự bỏ vốn kinh doanh, nếu điều hành kém, làm ăn thua lỗ là phá sản nhưng doanh nghiệp nhà nước thì ngược lại. Dù con số nợ lớn đến đâu, thua lỗ trầm trọng... xét cho cùng tiền đó vẫn của nhà nước, vì thế nhà nước không thể để doanh nghiệp “chết”. Tuy nhiên, chính điều này khiến doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả. “Những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài nên cho giải thể, nếu kéo dài hoạt động của những doanh nghiệp này sẽ chỉ thêm gánh nặng cho nền kinh tế khiến nợ chồng thêm nợ, khi đó giải quyết hậu quả sẽ càng khó khăn hơn”, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định. Doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả thời gian qua, theo TS Bùi Kiến Thành có hai nguyên nhân chính, thứ nhất do bản thân ban lãnh đạo doanh nghiệp, thứ hai do ban ngành quản lý trực tiếp doanh nghiệp thiếu kiểm tra đôn đốc hoạt động của doanh nghiệp. Từ đó nếu doanh nghiệp nhà nước của ngành nào hoạt động kém hiệu quả phải quy trách nhiệm quản lý cho người đứng đầu bộ ban ngành đó một cách rõ ràng, cụ thể. Tuy nhiên, trái với sự lo ngại của chuyên gia Bùi Kiến Thành về số nợ lên đến gần 1,35 triệu tỉ đồng phải trả của các tập đoàn, tổng công ty năm 2012, trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng “con số đó không có ý nghĩa gì cả”. "Nó bình thường chứ có gì mà đáng lo ngại, nợ 1 triệu hay 2 triệu tỉ nó không quan trọng. Vấn đề là có vay quá khả năng tài chính của họ không, họ vay thế thì hoạt động có hiệu quả hay không, cái đó mới quan trọng", ông Vũ Viết Ngoạn nói. Nói về khả năng trả nợ của các đơn vị nhà nước này, ông Ngoạn cho rằng: Một là phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính, thanh khoản thế nào, có quá xấu hay không, chứ không phải con số vay nợ nhiều hay không. Thứ hai là hoạt động có hiệu quả hay không, nếu có thì vẫn có thể trả nợ được bình thường. Không những thế, trước số nợ khổng lồ và các tập đoàn, tổng công ty vay từ nước ngoài, ông Ngoạn khẳng định: Nó không nói lên điều gì cả. Nếu bạn có vốn 1 tỉ mà đi vay 1 tỉ thì chẳng có vấn đề gì. Hoạt động kinh doanh thì phải đi vay thôi... Vốn có nhiều, đi vay nhiều, hoạt động nhiều, hoạt động đến đâu trả nợ đến đó. Liệu họ có khả năng trả nợ không thì nhìn con số khác, chứ không nhìn con số đó.
Hồng Minh