Có ai biết vụ ngộ độc tập thể ở trường tiểu học nổi tiếng bậc nhất thủ đô?

26/11/2015 06:39
Mai Anh
(GDVN) -Việc đề nghị phụ huynh học sinh không thông tin rộng rãi hiện tượng con em họ bị ngộ độc đặt ra câu hỏi phải chăng Trường tiểu học Kim Đồng muốn "ém" thông tin?

Nôn, ói sau bữa trưa tại trường

Sáng ngày 19/11/2015, đường dây nóng Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của nhiều phụ huynh học sinh lớp 2I trường tiểu học Kim Đồng (Trần Huy Liệu, Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) về hiện tượng các con bị ngộ độc sau bữa ăn trưa tại nhà trường xảy ra hai ngày trước đó.

Cụ thể, theo phản ánh của phụ huynh, sau khi ăn trưa  ngày thứ 3 (17/11) tại trường như thường lệ, học sinh bước vào giờ ngủ trưa. Nhưng chỉ khoảng hơn 1 giờ đồng hồ sau bữa trưa, nhiều học sinh lớp 2I có hiện tượng nôn.

Số học sinh bị nôn ngày một nhiều, theo phản ánh của phụ huynh, ngoài lớp 2I còn xảy ở một số lớp khác.

Trưởng Tiểu học Kim Đồng (ảnh H.Lực).
Trưởng Tiểu học Kim Đồng (ảnh H.Lực).

Chị M., phụ huynh một học sinh bị nôn tại lớp 2I cho biết: “Phải đến buổi chiều đón con, phụ huynh mới được giáo viên chủ nhiệm thông báo về tình trạng sức khỏe của con. Riêng với con tôi, khi về nhà cháu mới bị nôn sốt, tôi có điện thoại liên hệ với nhiều phụ huynh trong lớp thì mới biết nhiều gia đình các cháu cũng có hiện tượng nôn, sốt, đi ngoài”. 

Trước hiện tượng sức khỏe bất thường của các con, ngay ngày hôm sau (thứ 4, 18/11) nhiều phụ huynh lớp 2I đã đến yêu cầu nhà trường có những lý giải. 

“Lúc đầu nhà trường đổ tại nguyên nhân khách quan thời tiết, cơ địa các con yếu, các con ốm sốt. Nhưng trước sự quyết liệt của phụ huynh, nhà trường quyết định chiều thứ 5 (19/11) sẽ làm việc trực tiếp với phụ huynh và đơn vị chế biến thức ăn để làm rõ vấn đề”, chị M. cho biết.

Theo chị M., lớp 2I có khoảng 60 cháu nhưng hôm thứ 4 khoảng 30 cháu phải nghỉ học do hiện tượng nôn, sốt, đi ngoài. Riêng với con chị M., là một trong số trường hợp nặng nhất, bị nôn và sốt cao 2 ngày.

Có ai biết vụ ngộ độc tập thể ở trường tiểu học nổi tiếng bậc nhất thủ đô? ảnh 2

Cả nước có 500.000 cơ sở sản xuất cần kiểm tra an toàn thực phẩm

Có ai biết vụ ngộ độc tập thể ở trường tiểu học nổi tiếng bậc nhất thủ đô? ảnh 3

Tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể

Trở lại vấn đề, theo thông tin chị M., chiều muộn ngày thứ 5 ban giám hiệu nhà trường đã làm việc với hội phụ huynh học sinh lớp 2I và Công ty TNHH TPT (phường Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội) đơn vị chế biến thức ăn cho học sinh.

Tại đây, phụ huynh học sinh yêu cầu đơn vị chế biến thức ăn phải đưa ra đầy đủ giấy tờ nguồn gốc thực phẩm chế biến món ăn hôm đó.

“Theo lời các cháu, bữa trưa thứ ba có trứng rán, canh bắp cải và một số món. Các cháu cho biết trứng rán vẫn còn lòng đỏ chưa chín kỹ. Tuy nhiên phụ huynh nghi ngộ độc từ rau nên đã yêu cầu đơn vị chế biến thức ăn đưa ra địa chỉ nguồn gốc rau. Họ có nói là từ Vân Nội nhưng không đưa ra địa chỉ cụ thể”, chị M. kể.

Mặt khác theo chị M., tại buổi làm việc nhà trường và bên cung cấp suất ăn xin rút kinh nghiệm đề nghị phụ huynh không thông tin rộng rãi.

Thiếu trách nhiệm, “ém" thông tin?

Trong số học sinh bị ngộ độc có một trường hợp phải nhập viện. Theo thông tin, đến thứ 6 ngày 20/11 hầu hết các cháu đã quay trở lại đi học bình thường.

Tuy nhiên, qua sự việc trên theo nhiều phụ huynh, nhà trường đã xử lý thiếu chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệm. “Đáng nhẽ với việc nhiều cháu xảy ra hiện tượng nôn, ói bất thường, nhà trường phải thông báo với phụ huynh các cháu ngay để bố mẹ các cháu đến đón sớm và tìm nguyên nhân. 

Nhưng phải đến chiều muộn mới thông báo, nhiều cháu về nhà mới bị nên gia đình không biết xử lý như thế nào”, một phụ huynh học sinh cho biết.

Bên cạnh đó, thái độ ban đầu nhà trường không thiện chí, đổ lỗi do thời tiết mà không nhìn nhận nguyên nhân từ thực phẩm các cháu ăn trong bữa trưa.

Trường tiểu học Kim Đồng nằm tại quận Ba Đình và lâu nay vẫn được xem là trường cấp 1 thuộc diện bề thế và có uy tín bậc nhất Thủ đô. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến cho việc tuyển sinh vào trường nhiều năm qua luôn nóng bỏng. Không ít dư luận cho rằng để "con cái được vào học" tại trường phải tốn kém không ít. Thực tế, nhiều phụ huynh đã vượt qua cửa ải "trái tuyến" một cách ngoạn mục.

Tuy nhiên, chính các phụ huynh phải "cạy cục, gặp gỡ" để cho con mình vào học trái tuyến ở đây đã phải ngậm bồ hòn làm ngọt vì con cái phải học ở các lớp có sĩ số rất đông, quá tải. Điều này, cũng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các em học sinh đúng tuyến tại địa bàn.

Theo phản ánh, sau khi xảy ra sự việc bên an toàn thực phẩm quận Ba Đình có xuống lấy mẫu thức ăn về kiểm nghiệm nhưng theo nhiều phụ huynh, thức ăn lấy mẫu không được niêm phong trước đó. Vì vậy, kết quả kiểm nghiệm được cho không khách quan.

Cùng với việc đề nghị phụ huynh không thông tin rộng rãi ra ngoài, có thể thấy ban đầu trường tiểu học Kim Đồng dường như muốn “ém thông tin” sợ ảnh hưởng danh tiếng.

Đặc biệt, chiều ngày 19/11 trước thông tin phản ánh phụ huynh học sinh, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đến trường để đặt lịch làm việc. Tuy nhiên từ cổng trường, bảo vệ nhà trường ngăn cản không cho vào với lý do ban giám hiệu đi vắng.

Liên lạc bằng số điện thoại bàn, sau khi nghe phóng viên trao đổi thông tin người cầm máy đã tìm cách thoái thác: “Tôi chỉ là nhân viên văn phòng” sau đó dập máy, phóng viên không thể liên hệ được.

Phải sau gần một tuần, phóng viên với liên hệ được với bà Bùi Thị Hằng – Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng.

“Bài học cho nhà trường”

Ngày 25/11 trao đổi với phóng viên, bà Bùi Thị Hằng thừa nhận có hiện tượng học sinh lớp 2I bị ngộ độc.

“Đến khoảng 3h chiều các cháu có hiện tượng nôn, ban đầu có 1 cháu sau đó thêm 2 cháu nữa, các cháu được đưa xuống phòng y tế nhà trường. Y tế nhà trường nghĩ rằng do cảm hoặc thay đổi thời tiết”, bà Hằng cho biết.

Về số học sinh bị ngộ độc, bà Hằng cho biết có tất cả khoảng 16 cháu có hiện tượng nôn. Càng về cuối giờ chiều càng nhiều cháu có hiện tượng nôn chứ không phải ngay sau bữa trưa. 

Đặt câu hỏi phải chăng nhà trường muốn “ém” thông tin khi đề nghị phụ huynh không thông tin rộng rãi đồng thời không cho báo chí tiếp cận? Bà Hằng khẳng định: “Chúng tôi không “ém” thông tin bởi nếu muốn “ém” thông tin chúng tôi không báo cho cơ quan chuyên môn, không báo cho Phòng Giáo dục – Đào tạo quận Ba Đình”.

Về việc cán bộ, nhân viên trong nhà trường không cho phóng viên tiếp cận làm việc với ban giám hiệu bà Hằng lý giải: “Do hôm đó có hội nghị ở Sở”.

Trở lại vấn đề, tuy thừa nhận có ngộ độc nhưng bà Hằng cho rằng, chưa thể khẳng định nguyên nhân ngộ độc do thức ăn trong bữa tại nhà trường. Bởi theo bà Hằng lớp 2I có 59 cháu nhưng chỉ có hơn 16 cháu có hiện tượng bị ngộ độc, nếu do thức ăn thì số cháu bị ngộ độc sẽ lớn hơn.

Bà Hằng cho biết, trước khi ký kết với đơn vị nấu và cung cấp bữa ăn cho học sinh  ban giám hiệu nhà trường đã tìm hiểu kỹ các điều kiện đảm bảo phục vụ việc nấu, cung cấp suất ăn. 

“Đây là năm thứ 5 đơn vị này thực hiện nấu ăn tại trường phục vụ học sinh ăn trưa bán trú nhưng là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng học sinh nôn ói”, bà Hằng nói.

Trước ý kiến phụ huynh cho rằng bộ phận y tế nhà trường phản ứng chậm, không thông báo cho phụ huynh khiến các cháu bị nặng hơn, bà Hằng nhận trách nhiệm: “Ban đầu xảy ra với vài cháu, càng về cuối giờ chiều lại đúng giờ ra chơi nên có thể y tế chưa triệt để, hôm trước chúng tôi đã nhận thiếu xót về nhà trường. Trước phụ huynh chúng tôi nhìn nhận đây bài học của nhà trường”.

Cũng theo bà Hằng, sau khi xảy ra sự việc trên nhà trường đã làm việc với đơn vị chế biến thức ăn và yêu cầu đơn vị này tạm thời không sự dụng bắp cải trong chế biến món ăn. Mặt khác, nhà trường yêu cầu không sử dụng thức ăn sẵn như giò, chả mà phải mang thức ăn tươi đến để nấu trực tiếp tại trường.

Mai Anh