Có tới 46 nghìn cán bộ, vì sao ngành thuế vẫn để bị thất thu?

23/05/2018 06:17
Đỗ Thơm
(GDVN) - Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, thực tế hiện nay, ngành thuế có 46 nghìn cán bộ, công chức nhưng cũng chỉ hậu kiểm được 18% thôi, còn 82% đang là một khoảng.

Tại thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 (trong đó có kết hợp thảo luận cùng báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017); quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã có nhiều lưu ý chi tiết xung quanh các báo cáo. 

Thứ nhất là, GDP quý I tăng trưởng cao (7,38%), cao nhất trong 10 năm trở lại đây tuy nhiên chúng ta cần phân tích một cách thực chất về cơ cấu tăng trưởng.

Tăng trưởng của GDP như vậy là tăng trưởng của lĩnh vực nào, là lĩnh vực FDI hay đó là kinh tế thuần việt, cần phải có sự phân tích.

Có tới 46 nghìn cán bộ, vì sao ngành thuế vẫn để bị thất thu? ảnh 112 dự án yếu kém vì tính toán kiểu "đếm cua trong lỗ"

Bởi vì, chúng ta thấy tăng trưởng cao song thu ngân sách vẫn không đạt, đặc biệt là nguồn thu ngân sách trung ương; công ăn việc làm vẫn rất khó khăn; đầu tư công rất hạn hẹp.

Về các địa phương ngày trước mỗi năm cũng khởi công được hàng trăm công trình nhưng bây giờ rất ít; các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó khăn; đời sống của nhân dân cũng khó khăn.

“Do đó, chúng tôi đề nghị phải làm rõ cơ cấu tăng trưởng và thực chất tăng trưởng có mang lại lợi ích và đời sống cho người dân hay không để xác định một cách lâu dài”, ông Hồ Đức Phớc nói

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, cái đáng lo nhất là năng suất lao động. Chúng ta muốn cạnh tranh được, kể cả trong sản xuất nông nghiệp muốn cạnh tranh được đều do năng suất lao động.

“Nếu năng suất lao động tốt, chất lượng sản phẩm tốt thì mới nói đến chuyện xuất khẩu còn nếu năng suất lao động thấp thì giá thành cao và như vậy thì khó bán được hàng hóa, khó phát triển bền vững.

Việc xuất khẩu hàng hóa cũng phải có sự phân tích xem chúng ta xuất khẩu chủ yếu ở thị trường nào, hiện nay chủ yếu là xuất sang Trung Quốc còn các thị trường khó tính như Châu Âu thì rất khó khăn. Vì vậy, cần làm rõ các vấn đề này để đưa ra giải pháp”, ông Hồ Đức Phớc phân tích.

Về quản lý thuế và điều hành ngân sách, Tổng kiểm toán cho rằng cần phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính: “Nếu chúng ta không siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính thì bao nhiều tiền cũng không sử dụng có hiệu quả được. Tại sao một số tỉnh cứ giữ lại nguồn ngân sách mà không phân bổ ngay, không đưa ra Hội đồng Nhân dân để phân bổ.

Chẳng hạn có 10 nghìn tỷ trên cấp về chỉ đưa ra Hội đồng Nhân dân phân bổ 6 nghìn tỷ còn 4 nghìn tỷ giữa lại cấp lẻ. Như vậy là không đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và sẽ xảy ra những vấn đề sai phạm”.

Tiếp đó là vấn đề chống thất thu, đặc biệt là vấn đề chuyển giá, trốn thuế, nợ thuế, gây thiệt hại lớn.

“Chúng tôi đối chiếu khoảng gần 2,4 nghìn doanh nghiệp thì thất thu thuế ngoài quốc doanh 93,3% các doanh nghiệp được đối chiếu thuế. Hoặc là các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh thì lượng thuế thất thu cũng rất lớn. Cần phải tập trung tăng cường siết chặt nguồn thu”, ông Phớc nói.

Từ quy định của luật thuế là vấn đề hậu kiểm, chúng ta có quy định tự kê khai, tự nộp…nhưng khi người nộp thuế kê khai không đầy đủ thì phải dựa vào hậu kiểm.

Nhưng thực tế hiện nay, ngành thuế có 46 nghìn cán bộ, công chức nhưng cũng chỉ hậu kiểm được 18% thôi, còn 82% đang là một khoảng trống.

Đồng thời phải hoàn thiện về vấn đề luật thuế, chẳng hạn như thuế về bất động sản, thuế về đầu tư dự án và các vấn đề liên quan đến thuế. Vấn đề đặt ra là chúng ta có nên để tự kê khai, tự nộp hay phải quay trở về quyết toán thuế như trước nay đã làm.

“Nếu đưa về quyết toán thuế chúng ta có thể quy trách nhiệm được cán bộ thu thuế, nếu phát hiện thu sót, thiếu nguồn thu thì anh phải chịu trách nhiệm”, ông Phớc đưa quan điểm.

Vấn đề tiếp nữa mà Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị tập trung giải quyết những tồn tại.

Chẳng hạn như từ khi chúng ta có Luật Khoáng sản về truy thu tiền cấp quyền sử dụng khoáng sản từ 1/7/2011 đến 31/12/2013, Kiểm toán Nhà nước rà soát lại hiện nay tối thiểu là có trên 2.835 tỷ đang còn chờ nghị định hướng dẫn nên có thu hay không vẫn chưa giải quyết được. Đây cũng là một khoảng trống.

12 dự án thua lỗ cần tập trung giải quyết dứt điểm, bán thì bán hay cổ phần hóa thì cổ phần hóa mà không được thì xử lý dứt điểm bằng một biện pháp.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng: “Nếu chúng ta cứ kéo dài việc này đến hết nhiệm kỳ vẫn không giải quyết xog được 12 dự án này với gần 100.000 tỷ đồng thì sẽ kéo theo các hệ lụy khác như công ăn việc làm, lãng phí máy, thiết bị…".

Bên cạnh đó, cần quan tâm đến vấn đề hoàn thiện pháp luật đối với các dự án BT, BOT, đất đai đô thị.

Trong đó, vấn đề giá đất cần phải tính đến và phải thay đổi cách tính giá đất còn nếu tính giá đất như hiện nay thì 100/100 dự án đều sai phạm.

“Một khu đô thị, chúng ta đưa ra 5 phương pháp áp giá mà không bắt buộc chủ đầu tư thực hiện theo phương pháp nào, để họ tự lựa chọn. Trong khi giữa phương pháp này và phương pháp kia chênh lệch nhau hàng chục lần. Đó là điều không thể chấp nhận được”, ông Phớc bày tỏ.

Đỗ Thơm