Coi trọng giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc và bản lĩnh của doanh nhân

24/06/2019 06:12
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong
(GDVN) - Kinh tế Việt Nam muốn có sức bật mới và động lực phát triển bền vững không thể thiếu khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Hành trình 30 năm đổi mới Việt Nam đã ghi nhận nhiều thay đổi cơ bản về chính sách hỗ trợ và diện mạo khu vực kinh tế tư nhân.

Cùng với những điều chỉnh nhận thức và cải thiện thể chế kinh tế thị trường, thừa nhận và bảo hộ quyền sở hữu tư nhân, quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng giữa các doanh nghiệp không phân biệt thành phần kinh tế, khu vực kinh tế tư nhân từ bị phủ định và kiểm soát chặt chẽ trong mô hình kinh tế tập trung bao cấp, đã và đang từng bước hồi sinh và phát triển mạnh mẽ, ngày càng gia tăng về lượng, mở rộng về quy mô, đa dạng về loại hình tổ chức và lan tỏa ngày càng sâu, rộng về phạm vi, lĩnh vực kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh và ngày càng trở thành động lực quan trọng, đóng góp ngày càng to lớn vào công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa, khẳng định tính tự chủ của nền kinh tế và phát triển bền vững đất nước.

Kinh tế Việt Nam muốn có sức bật mới và động lực phát triển bền vững không thể thiếu một khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, ngày càng trưởng thành và phát triển, vươn ra tầm khu vực và thế giới.

Phát triển kinh tế tư nhân là hướng đi cần thiết với nền kinh tế Việt Nam (Ảnh minh họa: tuyengiao.vn).
Phát triển kinh tế tư nhân là hướng đi cần thiết với nền kinh tế Việt Nam (Ảnh minh họa: tuyengiao.vn).

Một Chính phủ kiến tạo cần phát huy sức sáng tạo và phát huy toàn diện vai trò của doanh nghiệp, khu vực tư nhân trong mọi công đoạn của chuỗi giá trị sản xuất; tạo cơ hội cho doanh nghiệp, nhà đầu tư có sự lựa chọn và phản ứng nhanh nhậy, đáp ứng hiệu quả hơn với các tín hiệu thị trường, chủ động đổi mới, thích ứng và tập trung vào sản xuất cái mà xã hội, kể cả trong nước và nước ngoài đang cần;

Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, chế biến sâu, trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên sẵn có gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tạo ra những sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, có thương hiệu quốc gia đại diện tiêu biểu, góp phần hình thành nên một diện mạo mới cả về kinh tế và vị thế trên thị trường quốc tế của Việt Nam trong những thập niên tới…

Chính phủ cần đổi mới chính mình, đổi mới tư duy, cách nghĩ cách làm, xây dựng chính quyền đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân; giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giữ môi trường kinh doanh lành mạnh, giữ môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thúc đẩy đổi mới sáng tạo;

Kịp thời và thực tâm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách pháp luật tạo động lực huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển trong và ngoài nước; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thống nhất tinh thần “cùng thắng” giữa doanh nghiệp, người dân và nhà nước.

Đặc biệt, Nhà nước cần tìm tòi và nhân rộng các cách làm mới, đột phá hơn trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và kinh doanh; nâng cao vai trò, tính chuyên nghiệp, năng lực và trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp trong hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cả trong và ngoài nước;

Nới lỏng các quy định hạn điền và linh hoạt các cách thức thuê đất vừa tuân thủ đúng Luật Đất đai, bảo đảm lợi ích và quyền sở hữu ổn định của người dân, vừa thuận lợi cho doanh nghiệp an tâm đầu tư với thời hạn dài, cải thiện hiệu quả kinh doanh theo quy mô lớn, phát triển thị trường thứ cấp về đất kinh doanh.

Đồng thời, thống nhất quản lý và phối hợp các nguồn lực cho phát triển kinh tế biển và mở rộng không gian kinh tế, không gian sống hướng ra Biển Đông, tuân theo pháp luật và phù hợp quy hoạch, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chú trọng hình thức Hợp tác công tư (PPP), khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm, bảo đảm phát triển bao trùm và bền vững;

Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã trở thành niềm tự hào của Việt Nam với thế giới
Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã trở thành niềm tự hào của Việt Nam với thế giới

Coi trọng giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc và bản lĩnh kinh doanh cho các doanh nhân và người lao động trong kinh tế tư nhân; Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và các hiệp hội, nghề nghiệp  đối với khu vực kinh tế tư nhân, cũng như đối với từng doanh nghiệp.

Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo chuyển biến rõ nét hơn trong việc tháo gỡ một cách thực chất những ách tắc, rào cản đối với các hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh của người dân và các doanh nghiệp.

Khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật hoặc văn bản được ban hành có nội dung không rõ ràng, thiếu chuẩn xác; tệ nhũng nhiễu, chậm trễ trong việc giải quyết các thủ tục hành chính về quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên, xây dựng, bảo vệ môi trường, tiếp cận thị trường, các nguồn lực và các dự án đầu tư...

Xóa bỏ những định kiến về thành phần kinh tế nói chung, về kinh tế tư nhân nói riêng phải trở thành khâu đột phá trong nhận thức và cơ sở pháp lý cho sự phát triển kinh tế tư nhân tương lai.

Theo đó, cần tuân thủ các nguyên tắc và thông lệ quốc tế, đặc biệt là các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; đảm bảo sự tự do hoá ngày càng cao, đầy đủ và rộng rãi các lĩnh vực hoạt động kinh doanh cho phép khu vực kinh tế tư nhân tham gia.

Đặt khu vực kinh tế Nhà nước trong sự liên kết, hỗ trợ và cạnh tranh ngày càng bình đẳng với các khu vực kinh tế ngoài Nhà nước về pháp luật và điều kiện tiếp cận, sử dụng các yếu tố đầu vào, đầu ra của doanh nghiệp theo pháp luật và nguyên tắc thị trường;

Xây dựng, triển khai các công cụ quản lý và hỗ trợ mới đối với khu vực kinh tế tư nhân, chuyển từ mục đích “quản chặt” sang “hỗ trợ” doanh nghiệp bằng định hướng chính sách, thông tin thị trường và những khuyến khích tài chính, cũng như tinh thần theo ngành, sản phẩm, địa bàn..., chứ không theo từng doanh nghiệp, dự án cụ thể hoặc tính chất sở hữu.

Xây dựng hệ thống lý lịch tư pháp công dân, hệ thống thông tin doanh nghiệp, hệ thống đăng ký thế chấp, cầm cố tài sản… được nối mạng nhằm tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh, cũng như quản lý Nhà nước và phòng tránh, giảm thiểu các rủi ro tín dụng, kinh doanh, các hành vi vi phạm sở hữu thương hiệu, sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp và các vi phạm bản quyền, an ninh, trật tự an toàn văn minh thương mại  và thị trường khác.

Tăng cường phân cấp quản lý kinh tế - xã hội  cho các cấp chính quyền địa phương theo phương châm: Việc nào mà cấp nào, đơn vị nào làm nhanh, hiệu quả nhất thì giao cho cấp đó, đơn vị đó đảm nhận.

Kinh tế tư nhân đã sửa chữa rất nhiều yếu kém cho doanh nghiệp nhà nước
Kinh tế tư nhân đã sửa chữa rất nhiều yếu kém cho doanh nghiệp nhà nước 

Thúc đẩy cải cách hành chính nhằm thống nhất, đơn giản hoá và hiện đại hoá các quy trình, thủ tục, công nghệ và tiêu chuẩn quản lý kinh tế - xã hội, trong đó có quản lý Nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận với yêu cầu và trình độ quốc tế.

Cải cách, tăng cường năng lực và hiệu lực của các định chế và chế tài, kinh tế, hành chính, cũng như bộ máy tư pháp quốc gia và địa phương nhằm bảo vệ có hiệu quả lợi ích Nhà nước, lợi ích doanh nghiệp, doanh nhân và người lao động, phát triển hệ thống an sinh xã hội, hệ thống phòng ngừa rủi ro, cảnh báo sớm các nguy cơ và giải quyết kịp thời các chấn động kinh tế - xã hội do quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân và hội nhập kinh tế quốc tế gây ra;

Khen thưởng kịp thời và tôn vinh thích đáng các đơn vị và cá nhân có thành tích tiêu biểu trong quản lý và phát triển kinh tế tư nhân; không ngừng hoàn thiện các cơ chế, chính sách hiện hành để đảm bảo sự thích nghi nhanh chóng với các biến động thị trường và bối cảnh chung trong nước và quốc tế, đồng thời bảo đảm tính khả thi của những giải pháp đề xuất trong thực tiễn, lấy sự phát triển nhanh kinh tế tư nhân và hiệu quả kinh tế - xã hội chung, sự cải thiện chất lượng sống mọi mặt của nhân dân làm tiêu chuẩn đánh giá tính đúng đắn của những cơ chế, chính sách được lựa chọn.

Đồng thời, tư duy mới về phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam cũng cần nghiêm khắc với những doanh nghiệp cố tình chuyển giá, trốn thuế và trốn tránh trách nhiệm bảo vệ môi trường, không tôn trọng quyền lợi người lao động và khách hàng, người tiêu dùng…

Quá trình xóa bỏ những thể chế kìm hãm doanh nghiệp, điều chỉnh những thể chế làm lệch lạc, lãng phí các nguồn lực doanh nghiệp, lấp đầy những “khoảng trống thể chế” cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển lành mạnh, hiệu quả đã, đang và sẽ cho phép từng bước định hình một tầm nhìn mới, một thực tiễn mới và mở ra triển vọng phát triển mới với nhiều thay đổi về chất đối với vai trò, vị thế và cách thức tổ chức mới của khu vực kinh tế tư nhân trong toàn bộ đời sống kinh tế-xã hội Việt Nam thời kỳ chuyển mình hội nhập cùng thế giới...

Đặc biệt, tinh thần doanh nghiệp thể hiện tập trung ở sự dám nghĩ, đầu tư thông minh và nâng cao năng suất và chất lượng, giảm giá thành sản phẩm trên cơ sở coi trọng thu hút, đãi ngộ, trọng dụng nhân tài, nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ như các dự án mà Vingroup đang triển khai.

Chính phủ cần đột phá mạnh mẽ hơn về tư duy và thể chế; tập trung “kiến tạo” môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo hiệu quả; đổi mới nền giáo dục và đào tạo nghề quốc gia theo hướng thông minh và đi trước một bước, bảo đảm người lao động được chuẩn bị tốt các kỹ năng và phẩm chất cần thiết để  hòa nhập và tái hòa nhập thị trường lao động xã hội;

Phát triển thị trường công nghệ, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là thị trường tài chính đầu tư cho phát triển nghiên cứu, sáng chế và thuận lợi trong thương mại hóa ý tưởng kinh doanh và sáng tạo, để tinh thần cởi mở, sự hứng khởi và niềm tin của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, người dân lan tỏa trong xã hội và thị trường Việt Nam.

Cộng đồng kinh tế tư nhân hiện có hơn 700.000 doanh nghiệp, với 96% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, 2% doanh nghiệp quy mô vừa và 2% doanh nghiệp lớn, cùng một số công ty tư nhân, công ty cổ phần lớn, có thương hiệu mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế và chỉ được sử dụng chưa đến 30% diện tích đất kinh doanh cả nước, nhưng hiện chiếm trên 51% lực lượng lao động cả nước, đóng góp hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 30% ngân sách nhà nước.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII nhấn mạnh “tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”; “Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”…

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong