Kinh tế tư nhân đã "sửa chữa" rất nhiều yếu kém cho doanh nghiệp nhà nước

08/06/2019 06:09
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đại biểu Quốc hội trần Hoàng Ngân: “Để phát triển kinh tế tư nhân, quan trọng nhất là phải tạo được một môi trường kinh doanh thuận lợi".

Một trong những vấn đề hết sức quan trọng được đặt ra tại Hội nghị Trung ương 10 là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Đây là những doanh nghiệp đã có những đóng góp hết sức quan trọng vào sự phát triển của kinh tế quốc gia những năm qua, đặc biệt là trong khoảng gần 20 năm trở lại đây.

Hàng loạt những doanh nghiệp lớn như Vingroup, Vietjet, Sungroup, Thaco... đã tạo nên nhiều thay đổi mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, tạo việc làm cho hàng chục triệu người. Sự lớn mạnh của những doanh nghiệp ấy nói một cách thẳng thắn là đã bù đắp cho những yếu kém của khối doanh nghiệp nhà nước - nhiều năm nay quen với việc sử dụng các khoản chi phí bao cấp, hiệu quả rất thấp.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, để khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 10 về tạo động lực phát triển cho kinh tế tư. Đây là Nghị quyết riêng nhằm khuyến khích kinh tế tư nhân.

Ngoài ra, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thủ tướng Chính phủ cũng liên tục có những văn bản, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho kinh tế tư nhân phát triển.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Thành Trung
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Thành Trung

Ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh: “Để phát triển kinh tế tư nhân, quan trọng nhất là phải tạo được một môi trường thuận lợi, nên có những khu công nghiệp riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa với giá thuê đất ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp”.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích, việc phát triển hạ tầng giao thông, đường cao tốc, cảng biển... làm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cảm nhận được sự thuận lợi, phải đầu tư cho hệ sinh thái khởi nghiệp, thành lập những vườn ươm để kinh tế tư nhân được triển khai các dự án trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

“Kinh tế tư nhân rất năng động, chỉ cần có cơ hội là phát triển, vấn đề còn lại chỉ là tạo được môi trường thuận lợi cho họ”, ông Ngân nhấn mạnh và cho biết thêm, hiện các ngân hàng đang rất mở cửa cho vay, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên về vốn không phải là vấn đề quá lớn.

Về phát triển kinh tế tư nhân, trong báo cáo giải trình làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm trước khi trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 6/6, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh, cùng với quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội.

Theo đó, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách; tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp.

Hiện nay, cả nước có trên 730 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trên 100 nghìn doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm; trong đó hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa; hàng triệu hộ kinh doanh cá thể.

“Chúng ta đã có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có thương hiệu, uy tín trên thị trường trong nước, quốc tế, tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu”, Phó Thủ tướng cho biết.

Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa.

Có những thủ tục khiến nhà đầu tư nản lòng
Có những thủ tục khiến nhà đầu tư nản lòng

“Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, khẩn trương sửa đổi Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp theo hướng tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường, “đừng kỳ thị kinh tế tư nhân” như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã chỉ đạo; tăng khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng, vốn, đất đai, tài nguyên và nguồn nhân lực...

Triển khai hiệu quả Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh; kiên quyết loại trừ tiêu cực, tham nhũng vặt, gây cản trở, khó khăn cho doanh nghiệp, người dân”, Phó Thủ tướng khẳng định trước nghị trường.

Vai trò của kinh tế tư nhân đối với đất nước cũng đã được khẳng định qua nhiều kỳ Đại hội Đảng.

Báo cáo tổng kết 15 năm (2002 - 2017) thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân” khẳng định Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng về khuyến khích và tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển.

Tại Văn kiện Đại hội X của Đảng năm 2006 nhận định: Kinh tế tư nhân là khu vực “có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”; Nghị quyết Đại hội XI của Đảng năm 2011 cho rằng: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế”;

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng năm 2016 cũng chỉ rõ: “Hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Mới đây nhất, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII (tháng 5/2017) đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, với mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đưa kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng trong tổng sản phẩm nội địa.

Nghị quyết được đánh giá là một bước tiến mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân và toàn bộ nền kinh tế.

Đỗ Thơm