Con đòi mua sữa chỉ để lấy đồ chơi: "Bố mẹ phải nghiêm khắc!"

11/01/2013 13:21
Viết Cường
(GDVN) - Trước việc có nhiều bà mẹ lo lắng, bực bội khi con mình "nhất quyết" đòi mua sữa có đồ chơi về chỉ để lấy quà mà không thiết tha gì đến việc uống sữa, một giảng viên PR – Quan hệ công chúng cho rằng: Bố mẹ cần nghiêm khắc và giám sát con trong những tình huống này. 

Như báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin., hiện trên thị trường có một số hãng sữa như Dutch Lady hay Izzi của Hanoimilk kích cầu tiêu dùng bằng cách tặng kèm các loại đồ chơi như: “Truy tìm gôm thú”, “Chiến cơ siêu hạng”... vào trong vỉ sữa đã khiến không ít các bậc phụ huynh bực mình vì con đòi mua sữa về để lấy đồ chơi, còn sữa thì không chịu uống.

Là giảng viên môn PR – Quan hệ công chúng của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đồng thời cũng là một người mẹ đang có con nhỏ, cô Quỳnh Nga chia sẻ: “Tôi cũng có cháu nhỏ, cháu cũng giống như một số trường hợp mà PV đã phản ánh. Khi mà sữa Izzi có kèm thêm bộ đồ chơi “Chiến cơ siêu hạng” vào trong vỉ sữa, thấy các bạn mang đồ chơi này ra khoe nên cháu cũng tị với các bạn và nằng nặc đòi mẹ mua sữa này và chắc chỉ "khoái" mỗi bộ đồ chơi”.

Nhiều trẻ đòi bố mẹ mua sữa Dutch Lady vì món quà tặng kèm hấp dẫn.
Nhiều trẻ đòi bố mẹ mua sữa Dutch Lady vì món quà tặng kèm hấp dẫn.
Theo cô Quỳnh Nga, đây là tâm lý chung của rất nhiều trẻ em. Nếu đợt nào các loại sữa có kèm theo đồ chơi thì con cũng tha thiết được mẹ mua cho loại sữa đó với lời giải thích “Con thích uống sữa đó”. Nhưng mục đích lớn hơn là được “rinh” món quà tặng mới hơn là thích uống loại sữa này vì thông thường trẻ nhỏ chỉ quen uống một loại sữa mà thôi.

Đang phụ trách giảng dạy và có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực PR, truyền thông, nói về chiêu thức để kích thích bán hàng của hai hãng sữa này (nhằm vào tâm lí của trẻ nhỏ, thường thích những đồ chơi có siêu nhân, anh hùng, quái vật...) cô Nga cho rằng: “Người kinh doanh có quyền kích cầu bằng nhiều cách khác nhau. Đó cũng là một trong những chiến lược của họ.

Ví dụ với đồ dùng cho sinh hoạt gia đình thì họ có thể tặng kèm các sản phẩm như chén ăn cơm, đĩa, hộp đựng đồ ăn… Đương nhiên họ phải đánh trúng tâm lý từng đối tượng khách hàng. Cũng có những đồ tặng kèm sữa như cục tẩy có hình các con vật của sữa Cô gái Hà Lan có thể vừa là đồ chơi, vừa phục vụ học tập của các con, tôi nghĩ cũng khá hợp lý, hoặc những lego xếp hình cũng giúp con trẻ tự khám phá, phát triển tư duy tốt. Nhưng những đồ chơi như quái thú và mang tính bạo lực đánh đấm… có lẽ cần phải cân nhắc nên chọn hay không".

Về tính hiệu quả cũng chiêu thức bán hàng này, cô Nga đánh giá: “Kinh doanh hiệu quả là đánh trúng tâm lý đối tượng khách hàng. Bạn hãy làm một bài toán kinh doanh đơn giản này nhé: 1 lốc sữa (không tặng kèm đồ chơi), được lãi 2 ngàn đồng, còn 1 lốc sữa có tặng kèm đồ chơi, mỗi lốc chỉ lãi 1.500 đồng (còn 500 chi phí cho đồ chơi). Nhưng với sữa không kèm đồ chơi mỗi ngày chỉ bán được 1 lốc, còn sữa kèm đồ chơi mỗi ngày bán được 10 lốc. Vậy có hiệu quả không, chắc ai cũng trả lời được.

Tôi nghĩ có nhiều hãng sữa họ đã thành công. Còn xét về đạo đức kinh doanh, họ không vi phạm, nhưng cần phải có những thay đổi cho phù hợp hơn nữa".

Sữa Izzi với trò "Chiến cơ siêu hạng' đang thu hút được rất nhiều trẻ em.
Sữa Izzi với trò "Chiến cơ siêu hạng' đang thu hút được rất nhiều trẻ em.

Những hình ảnh bên trong vỉ sữa mà trẻ em rất thích đó, theo như các hãng sữa thì là hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên có không ít NTD tỏ ra nghi vấn, liệu thực sự những đồ chơi hình đó miễn phí thật hay không hay NTD đã phải trả thêm tiền cho phần này?

“Là người tiêu dùng thường xuyên, tôi thấy nếu không có những quà tặng, người tiêu dùng vẫn phải trả bằng ấy tiền. Xét về mặt nào đó thì NTD không phải trả thêm tiền cho đồ chơi, nhưng thực tế đó là chiêu kích cầu, chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp (giống như bài toán ví dụ bên trên), và tiền đồ chơi đã bao gồm trong giá thành sản phẩm” – Cô Quỳnh Nga chia sẻ.

Cô Nga cũng cho biết thêm rằng: “Có nhiều cháu, sau khi chơi mấy món đồ trong vỉ sữa như "Chiến cơ siêu hạng, anh hùng, quái vật..." thì thường có những biểu hiện của sự bạo lực như thích đấm, đá, muốn làm giống như những nhân vật. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm lý của trẻ. Tuy nhiên, không thể chỉ “lên án” những hãng sữa đó, nguyên nhân còn do cả một chuỗi những ảnh hưởng khác: Từ phim ảnh, game…."

Trước việc có nhiều bà mẹ lo lắng, bực bội khi con mình "nhất quyết" đòi mua sữa có đồ chơi về chỉ để lấy quà mà không thiết tha gì đến việc uống sữa, cô Nga  cho rằng: “Đây là một bài toán khó cho nhiều bố mẹ, nếu không mua cho con thì con giận dỗi, thậm chí có bé còn phản pháo: “Mẹ không muốn cho con uống sữa để con cao lớn, thông minh à?”. Trong trường hợp này, bố mẹ cần nắm chắc sở thích của con: Con thường thích uống loại sữa nào? Nếu có thay đổi bất thường mà mục đích chỉ là đồ chơi thì sẽ thống nhất: Nếu con không uống thì chỉ mua một lần duy nhất và từ những lần sau sẽ không được phép mua sữa có đồ chơi. Bố mẹ cần nghiêm khắc và giám sát con trong những tình huống này”.

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Viết Cường