"Để xảy ra chuyển giá, trốn thuế là do năng lực chính sách kém"

01/11/2013 07:50
Hoàng Lực
(GDVN) - Theo GS Nguyễn Mại, nguyên nhân dẫn đến tình trạng chuyển giá trốn thuế của các doanh nghiệp FDI thời gian qua do năng lực phản ứng chính sách hiện nay kém cùng với đó là thiếu các giải pháp đồng bộ.
Hiện nay, đứng đầu cả nước về số thuế truy thu của doanh nghiệp FDI là Hà Nội với 98 tỷ đồng; TP.HCM với hơn 15 tỷ đồng; Thái Bình hơn 7 tỷ đồng; Quảng Ninh, Lâm Đồng hơn 5 tỷ đồng; Hải Phòng 1,3 tỷ đồng; Đồng Nai phải truy thu thuế nhiều nhất là hơn 100 tỷ đồng, trong đó, có một doanh nghiệp đã là 78 tỷ đồng. Trong 122 doanh nghiệp FDI vừa bị phát hiện chuyển giá với tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp bị truy thu hơn 214 tỷ đồng, những trường hợp chuyển giá như Keangnam (bị truy thu tới 95,2 tỷ đồng, chiếm 44% tổng số thuế bị truy thu), Liên doanh Malaysia- Đài Loan- British Virgin Island với 20 năm chuyển giá trốn thuế không chỉ khiến dư luận bức xúc mà còn làm nóng hội trường Quốc hội trong phiên thảo luận ngày 31/10.
Đại gia FDI bị truy thu thuế TNDN hàng chục tỷ đồng.
Đại gia FDI bị truy thu thuế TNDN hàng chục tỷ đồng.
Theo ghi nhận tại phiên thảo luận ngày 31/10, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng một trong những hạn chế của chính phủ là chưa giải quyết được tình trạng chuyển giá, báo lỗ của các doanh nghiệp FDI cũng như việc doanh nghiệp trong nước nợ, trốn thuế. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhìn nhận chuyển giá, trốn thuế là một trong những "điểm tối" của thu hút đầu tư hiện nay. Có thể nói vấn đề chuyển giá của doanh nghiệp FDI không mới nhưng đến nay về mặt quản lý nhà nước vấn chưa có giải pháp cụ thể để giải quyết tình trạng này. Nhiều ý kiến cho rằng nếu việc xử lý doanh nghiệp FDI chuyển giá chỉ dừng lại mức độ phạt, truy thu thuế sẽ không giải quyết tận gốc vấn đề. Thậm chí doanh nghiệp FDI sẽ tìm kẽ hở mới để chuyển giá tinh vi hơn. Là một trong những người luôn theo dõi và quan tâm đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp FDI, GS. Nguyễn Mại - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận, vấn đề chuyển giá trốn thuế câu chuyện muôn thuở vì bản chất doanh nghiệp muốn lợi nhuận nhiều và vấn nạn chuyển giá trốn thuế của doanh nghiệp không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Câu chuyện chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp FDI xảy ra ở nhiều nước, tuy nhiên GS Nguyễn Mại cho rằng để xảy ra tình trạng doanh nghiệp FDI đua nhau chuyển giá với số doanh nghiệp bị phát hiện ngày một tăng là do năng lực phản ứng chính sách của nhà nước còn kém, thiếu giải pháp đồng bộ.
GS. Nguyễn Mại - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: "Năng lực phản ứng chính sách của ta quá kém"
GS. Nguyễn Mại - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: "Năng lực phản ứng chính sách của ta quá kém"
GS Nguyễn Mại cho biết: “Cách đây 3 – 4 năm mình đặt ra nghi vấn chuyển giá với Coca-Cola, Kengnam…đáng nhẽ chúng ta phải có phản ứng chính sách nhanh nhạy hơn. Từ đó ngăn chặn các doanh nghiệp FDI khác nếu có ý định chuyển giá. Còn hiện nay việc phát hiện thêm hàng loạt doanh nghiệp FDI chuyển giá mới điều này chứng tỏ năng lực phản ứng chính sách của ta còn kém”.
Để giải quyết vấn đề chuyển giá doanh nghiệp FDI, cần đưa ra giải pháp đồng bộ trong đó có bốn giải pháp cụ thể: Thứ nhất cần phải có nghiên cứu kỹ hơn, phân loại rõ hơn tìm ra những nguyên nhân, những kẽ hở tạo ra chuyển giá trốn thuế trong thời gian qua. 

“Gần đây trong một hội thảo quốc tế tổ chức tại Việt Nam người ta có đưa ra giải pháp: Giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước phải thỏa thuận về giá cho hợp lý. Đó là một trong những giải pháp để có thể chống chuyển giá. Nếu ta chưa thực hiện thì nên quan tâm đến giải pháp như vậy”, GS Nguyễn Mại cho biết.

Thứ hai cần xem xét lại những lỗ hổng về chính sách và luật pháp để nghiên cứu phân tích đầy đủ từ đó sửa đổi chính sách, pháp luật.

Thứ ba, quan trọng nhất là phải thường xuyên theo dõi giám sát thông tin doanh nghiệp. Hiện nay vấn đề này đang bị cơ quan quản lý xem nhẹ, điều này rất nguy hiểm. GS Nguyễn Mại đưa ra ví dụ cụ thể: Khi trả lời về vấn đề chuyển giá của Coca-Cola một lãnh đạo cục thuế TP. HCM nói rằng: Bây giờ Coca-Cola chuyển giá nhưng chúng tôi cũng không biết rõ là như thế nào? “Nói như vậy thì “chết”! Đáng nhẽ ra khi phát hiện hành vi, nghi vấn chuyển giá của một hay nhiều doanh nghiệp phải kiểm tra, giám sát, theo dõi tìm các nguồn thông tin để xử lý chứ”.

Thứ tư, cái cuối cùng cũng rất quan trọng nhưng lại ít được nói đến là nguyên nhân dẫn đến trốn thuế, gian lận thuế là do thuế quá cao. Có những nước để giải quyết vấn đề này người ta đưa ra vấn đề giảm thuế cho doanh nghiệp. “Từ đó doanh nghiệp thấy mức thuế đúng hợp lý sẽ tự ý thực không trốn thuế. Ngược lại nếu anh đánh thuế càng cao người ta càng tìm cách trốn thuế. Nếu mức thuế vừa phải mà vẫn trốn thuế thì phải đưa ra quyết định xử phạt nặng. Toàn bộ vấn đề chúng ta cần làm một cách cơ bản để dù không tránh được hết nhưng cũng giảm được đến mức chấp nhận được”, GS Nguyễn Mại nói.

Đưa ra giải pháp chống chuyển giá bằng cách rà soát, kiểm tra chi tiết từng dự án, từng doanh nghiệp nước ngoài khi có đơn, dự án xin đầu tư tại Việt Nam, tuy nhiên theo GS Nguyễn Mại điều này khó có thể thực hiện được vì thủ tục lập dự án xin đầu tư quá phức tạp. 
Vì vậy dù có làm chặt chẽ vấn đề “đầu vào” của các dự án đầu tư doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí xem xét cả vấn đề năng lực tài chính, thái độ nhà đầu tư… cũng chưa đủ mà phải là quá trình xây dựng phát triển của dự án sau này. “Tất nhiên nếu anh chọn được nhà đầu tư tốt thì vấn đề chuyển giá cũng ít xảy ra. Nhưng cũng rất khó nói, ví dụ Coca-Cola là một tập đoàn lớn thế giới nhưng lại luôn chuyển giá, trốn thuế không chỉ ở Việt Nam mà cả Ấn Độ” GS Nguyễn Mại nhận định. 

Bên cạnh đó GS Nguyễn Mại cũng cho rằng để chống chuyển giá nếu chỉ sử dụng công cụ thuế là không đủ. Bởi vì toàn bộ thông tin về nhập khẩu vật tư, thiết bị, giá nhiên liệu liên quan đến hải quan. Nêu thực trạng này GS Nguyễn Mại cho biết: “Trong khi thông tin giá cả thị trường thế giới cơ quan quản lý không ai theo dõi, không ai làm việc đó. Ví dụ Coca-Cola có hẳn trang web riêng nhưng liệu cơ quan quản lý có vào đó cập nhật xem Coca-Cola làm ăn thế nào ở các nước, kinh doanh ra sao không? Giá bán như thế nào?... Toàn bộ thông tin mình cần có thì lại không biết, đến khi phát hiện ra thì mình cũng cứ nói ầm lên những cũng không đưa ra đối sách cụ thể”.
Từ năm 2010 đến hết tháng 8/2013, hành vi chuyển giá đã diễn ra rộng khắp tại nhiều doanh nghiệp liên kết, nhất là khu vực doanh nghiệp FDI. Đánh giá kết quả kinh doanh năm 2010 và 2011 của hơn 5.500 doanh nghiệp FDI (chiếm gần 60% tổng số doanh nghiệp FDI) đang hoạt động cho thấy có tới 57% doanh nghiệp có lỗ lũy kế đến thời điểm đánh giá.

Trong đó, 529 doanh nghiệp báo cáo lỗ nhưng vẫn tăng trưởng doanh thu, tập trung vào các ngành dệt, may, da giày, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, chế biến và bảo quản nông sản, lâm sản, thuỷ sản..

Các tỉnh có nhiều doanh nghiệp FDI báo lỗ là Bắc Ninh (9 doanh nghiệp có số lỗ luỹ kế cao hơn vốn chủ sở hữu); TP HCM (trên 50% doanh nghiệp kê khai lỗ); Hải Phòng (Số lỗ năm 2011 của 109 doanh nghiệp là trên 1.200 tỷ đồng); Long An (46% kê khai thua lỗ tổng số gần 1.440 tỷ đồng)...

                                                                                        (Theo Vnexpress)
Hoàng Lực