Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vì có những cán bộ nói nhiều, làm ít

06/02/2019 06:10
Vũ Phương
(GDVN) - Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm cho rằng, kinh tế Việt Nam 2018 thành công mới là bước đầu, nhưng năng suất lao động, chất lượng, cải cách thủ tục hành chính vẫn chậm.

Bức tranh có gam màu sáng chủ đạo trong năm 2018 chính là tăng trưởng GDP trên 7%, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Cùng với đó, tình hình lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định...

Trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế 2018, nhận định những thuận lợi, thách thức cùng xem xét triển vọng phát triển của các ngành, lĩnh vực, các nhân tố có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2019, các cơ quan tham mưu, hoạch định chính sách, giới chuyên gia kinh tế đã đưa ra các kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm 2019.

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vì có những cán bộ nói nhiều, làm ít ảnh 1Tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô phát triển

Theo đó, dựa trên các biến số: tăng trưởng kinh tế giới; chỉ số giá tiêu dùng thế giới; giá dầu thế giới; một số đánh giá tác động của Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung; tỷ lệ đầu tư/GDP; tốc độ tăng lực lượng lao động và biến động tỷ giá, biến động lãi suất; tăng trưởng tín dụng; nợ công, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia đã đưa ra hai kịch bản dự báo.

Đó là, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 sẽ dao động trong khoảng từ 6,84 - 7,02%.

Dựa trên các nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra 3 kịch bản trong thời gian tới.

Cụ thể, kịch bản 1 dựa trên giả thuyết điều kiện bình thường của nền kinh tế, GDP tăng trưởng trung bình 6,86%/năm cho giai đoạn 2018 – 2020.

Kịch bản 2, con số này là 6,91% và kịch bản 3 là 7,06%.

Riêng năm 2019, Tổ tư vấn Kinh tế nhận định Việt Nam có thể phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 6,9 - 7% và lạm phát dưới 4%.

Doanh nghiệp tư nhân vẫn gặp nhiều rào cản trong kinh doanh và mong được ưu đãi như khối doanh nghiệp vốn FDI. Ảnh: Vũ Phương.
Doanh nghiệp tư nhân vẫn gặp nhiều rào cản trong kinh doanh và mong được ưu đãi như khối doanh nghiệp vốn FDI. Ảnh: Vũ Phương. 

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đánh giá cao những thành tựu kinh tế Việt Nam năm 2018. Những chỉ số kinh tế rất ấn tượng được công bố vừa qua, điều đó thể hiện một năm thành công của kinh tế Việt Nam.

Ông Kiêm phân tích: “Năm 2018, chúng ta kiểm soát được lạm phát vẫn giữ được xuất khẩu và kết quả để thu hút vốn FDI cả chất và lượng tốt hơn.

Tình hình kinh tế - xã hội năm qua bước đầu đã giải quyết được những vấn đề xã hội như nợ xấu, nợ công, chống tham nhũng, cải cách thủ tục hành chính.

Đó là những kết quả rất cơ bản, tạo tiền đề cho nền kinh tế năm 2019 bứt phá, GDP tiếp tục tăng trưởng.

Một năm kinh tế Việt Nam thành công vừa giải quyết được vấn đề thực tại đất nước vừa tạo ra xu thế hội nhập quốc tế".

Tuy nhiên, Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm cho rằng: “Những kết quả đó mới chỉ là bề nổi, bước đầu, còn yếu tố quyết định phải là năng suất lao động, ổn định xã hội, cạnh tranh, chất lượng, tiến bộ khoa học kỹ thuật và chất lượng phục vụ của cơ quan Nhà nước.

Đơn cử như vấn đề về cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh thì chỉ số này của chúng ta vẫn còn thấp. Chỉ số về năng suất lao động, sức cạnh tranh về mặt xuất khẩu, sản xuất cũng vẫn còn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực”.

Cũng theo vị chuyên gia này, trong tình phát triển kinh tế hiện nay, tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển rất nhanh, cùng với đó bối cảnh thương mại quốc tế diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới thiếu ổn định điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

“Kinh tế Việt Nam mới đang đi lên, đang phát triển, bởi vậy những tác động của thế giới sẽ ảnh hưởng khá mạnh đến nước ta hơn so với các nước khác.

Bởi vậy, những quyết định, hướng đi của chúng ta phải quyết liệt, nhanh chóng khắc phục những hạn chế, điểm yếu của nền kinh tế.

Nếu làm được nền kinh tế sẽ phát huy được thế mạnh và phát triển rất nhanh, nhưng ngược lại có thể kìm hãm tốc độ phát triển kinh tế của chúng ta”, ông Kiêm nói.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm cho rằng, có thực trạng trên nóng dưới vẫn nguội, lạnh, điều đó làm kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Ảnh: Vũ Phương.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm cho rằng, có thực trạng trên nóng dưới vẫn nguội, lạnh, điều đó làm kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Ảnh: Vũ Phương. 

Cũng theo Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, những kết quả ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam năm vừa qua tiếp tục phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm còn tồn tại, tất nền kinh tế Việt Nam sẽ còn tăng trưởng một cách thực chất.   

Nhất là kết quả vừa qua, việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh cũng đã thay đổi theo hướng tích cực. Xuất khẩu cũng là điểm sáng năm qua, bởi vậy cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này.

“Để phát triển kinh tế bền vững thì vấn đề chất lượng và tiến bộ khoa học kỹ thuật là những yêu cầu lớn mà chúng ta phải áp dụng và có chiến lược rõ ràng. 

Làm được như vậy chúng ta mới có thể hội nhập được, tranh thủ được thuận lợi của tình hình kinh tế thế giới để đẩy mạnh phát triển kinh tế trong nước hơn nữa”, ông Kiêm nêu quan điểm.

Vị chuyên gia này cũng bày tỏ sự lạc quan và tin tưởng năm 2019, kinh tế Việt Nam tiếp tục khởi sắc, trong đó nhấn mạnh đến vai trò quyết định của Chính phủ kiến tạo.

“Tiếp đà năm 2018, năm 2019 và những năm tiếp theo kinh tế Việt Nam tiếp tục giữ được mức tăng trưởng ấn tượng.

Những kết quả đạt được với khí thế đang vươn lên dự báo kinh tế Việt Nam còn tăng trưởng, mà tăng trưởng thực chất, bền vững hơn nữa.

Tốc độ xuất khẩu, giảm thủ tục hành chính, nợ xấu, nợ công, công tác chống tham nhũng sẽ tạo yếu tố thuận lợi cho kinh tế năm 2019 đi lên và các năm sau cũng vậy”, Tiến sĩ Kiêm nói.  

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vì có những cán bộ nói nhiều, làm ít ảnh 4Đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước

Đánh giá về vai trò của Chính phủ kiến tạo, Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm khẳng định: “Quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ đã có chuyển biến rất mạnh, cùng với đó là hành động rất cụ thể. Tạo ý thức cho bộ máy của mình một cách tốt hơn.

Tuy nhiên, kết quả chưa được như ý muốn bởi chúng ta mới làm, chuyển biến ở bên trên, còn bên dưới vẫn còn nguội, lạnh.

Vì sao cấp cơ sở vẫn còn “nguội, lạnh” là vì nhận thức, hiểu biết của cấp cơ sở, những người thực hiện. Hơn nữa, về mặt thể chế, cách điều hành, ý thức thực hiện vẫn còn hạn chế, không đồng bộ, nói không đi đôi với làm.

Vì vậy, kết quả Chính phủ kiến tạo cũng như quyết tâm của Chính phủ chưa được truyền đạt, thực hiện ở cấp cơ sở.

Cụ thể hóa những chủ trương, đường lối, biện pháp chung của Chính phủ chưa được tạo nên nhận thức ở tất cả các ngành, các cấp, cho nên cấp làm, cấp không làm.

Bởi vậy, bên trên có làm mạnh mẽ, quyết liệt, bên dưới làm không đến nơi đến chốn dẫn đến thiếu tính đồng bộ, tính hệ thống nên chưa được như ý muốn.

Bởi vậy, muốn kết quả, chuyển biến mạnh mẽ phải có chuyển biến về nhận thức, tư tưởng, hành động, cách điều hành, chuyển biến đặc biệt cấp cơ sở, địa phương.

Người ta nói rất nhiều, nói mạnh việc ở cấp trên tại các hội nghị chỉ đạo quyết liệt, nhưng xuống đến cấp dưới, cấp cơ sở hành động thực tiễn cứ vơi dần. Đó chính là hạn chế ở chỗ đó”.

Cần nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước

Tăng trưởng GDP năm 2018 rất ấn tượng trên 7%, nhưng không ít chuyên gia cho rằng vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI. Để phát triển kinh tế bền vững, đem lại đời sống cao cho người dân cần phải phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Về việc này, chuyên gia Cao Sỹ Kiêm cho hay: “Có một thời gian dài doanh nghiệp tư nhân trong nước bị bó, vừa rồi mới được mở ra, bung ra, nhưng cái bung ra này còn bị hạn chế bởi sự thiếu đồng bộ, thiếu cụ thể nên gỡ được nút này lại thắt nút kia.

Bởi vậy cần phải đồng bộ hơn, kịp thời hơn những giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển sẽ có sự bật tốt hơn.

Chừng nào chúng ta giải quyết được những vấn đề cụ thể doanh nghiệp tư nhân đang vướng mắc sẽ tạo ra sức lan tỏa, hiệu ứng chính sách được phát huy một cách đầy đủ và tất sẽ phát triển, đi lên.

Còn chỉ nói không đi đôi với làm, chủ trương không biến thành hành động, chính sách đi lên vẫn bị hạn chế với yếu tố như vậy doanh nghiệp tư nhân vẫn khó phát triển”.

Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm cũng đánh giá cao những giải pháp đưa ra nhằm khơi dậy sức mạnh toàn dân tộc như quan tâm đến khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, dân chủ cơ sở, sáng tạo của các địa phương, các tổ chức.

Nhưng đó mới là hành động trên nghị quyết, chủ trương, còn biến thành những hành động cụ thể, đối tượng hành động còn chưa cụ thể. 

Vị chuyên gia này cũng đề cập đến việc thu hút vốn FDI phải có chọn lọc kỹ càng, không thu hút bằng mọi giá.

“Trước đây chúng ta thu hút vốn FDI là do cần vốn, cần kỹ thuật, cần cách quản lý của nước ngoài, nên ngành nào, địa phương nào cũng dành ưu đãi để thu hút vốn FDI.

Tuy nhiên đến nay, Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định, việc thu hút vốn FDI cũng quan trọng, nhưng không dễ dãi.

Điều quan trọng phải lựa trọng và yêu cầu vốn FDI phải tạo ra những tiến bộ về kỹ thuật, mô hình quản lý mới, đội ngũ quản lý có năng lực, trình độ, phẩm chất, trình độ khoa học kỹ thuật", ông Kiêm nói. 

Vũ Phương