Doanh nghiệp lợi dụng giải thưởng, vinh danh để trục lợi?

22/04/2018 06:09
NGUYỄN HUY VIỆN
(GDVN) - Có lẽ chưa bao giờ nước Việt lại lắm loại giải thưởng, loạn vinh danh như hiện nay với đủ các loại hoa khôi, hoa hậu; đủ các loại doanh nhân, doanh nghiệp...

LTS: Nhiều doanh nghiệp bị báo chí phanh phui về những vi phạm nhưng lại được tôn vinh ở những giải thưởng dành cho doanh nghiệp.

Điều này khiến người tiêu dùng bị bối rối, khó hiểu. Đại tá Nguyễn Huy Viện chia sẻ góc nhìn của mình về vấn đề này trong bài viết sau đây.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Có lẽ chưa bao giờ nước Việt lại lắm loại giải thưởng, loạn vinh danh như hiện nay với đủ các loại hoa khôi, hoa hậu; đủ các loại doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu, uy tín vì cộng đồng, vì sức khỏe con người, vì môi trường thân thiện …

Khách quan mà nói việc trao giải thưởng cho những tổ chức, cá nhân; tôn vinh những giá trị cao đẹp trong các lĩnh vực của đời sống xã hội là rất cần thiết và rất có ý nghĩa.

Nhằm quảng bá, tạo sự lan tỏa của những giá trị đạo đức, những tấm gương sáng trong học tập, nghiên cứu khoa học, hoạt động nghệ thuật, sản xuất - kinh doanh; và những cống hiến cho cộng đồng, cho đất nước …

Nếu đảm bảo minh bạch, có uy tín và được xã hội thừa nhận thì các giải thưởng, các hoạt động vinh danh luôn là một vinh dự, là sự tôn vinh, động viên khích lệ đối với doanh nhân, doanh nghiệp hay bất kỳ cá nhân và tổ chức nào.

Doanh nghiệp lợi dụng giải thưởng, vinh danh để trục lợi? ảnh 1Doanh nghiệp giỏi "thần thông biến hoá" hay do cán bộ quá yếu kém?

Và đó là mơ ước, niềm vinh dự của bất cứ ai.

Tuy nhiên, khi mà các hình thức tôn vinh, vinh danh bị lạm dụng, vụ lợi để đánh bóng tên tuổi, đánh bóng thương hiệu hoặc bị lợi dụng để “móc túi” doanh nghiệp thì không chỉ là một hoạt động vô bổ, một trò khôi hài mà còn để lại những hậu quả nặng nề cho xã hội, cộng đồng.

Hiện nay, rất nhiều giải thưởng, rất nhiều hoạt động vinh danh ở nước ta thuộc loại này, nhất là với các giải thưởng, các loại vinh danh đối với doanh nhân và doanh nghiệp.

Vì vậy, ngoại trừ những doanh nhân, doanh nghiệp chưa được ai biết đến cần phải đánh bóng tên tuổi hoặc những doanh nhân, doanh nghiệp dùng giải thưởng và hình thức vinh danh để che đậy kiểu kinh doanh dối trá, ẩu tả, thậm chí để lừa đảo người tiêu dùng.

Còn với các doanh nhân, doanh nghiệp làm ăn chân chính họ cảm thấy rất “dị ứng”, mệt mỏi với những giải thưởng và các hình thức vinh danh của thời gian vừa qua..

Có lẽ một trong những tai tiếng nhất trong các lần trao giải thưởng, vinh danh doanh nghiệp là sản phẩm của Vedan được trao tặng danh hiệu "Sản phẩm chất lượng an toàn vì sức khỏe cộng đồng năm 2009".

Năm 2008, hành vi xả thải ra sông Thị Vải của Công ty Vedan Việt Nam (đóng tại huyện Long Thành, Đồng Nai) huỷ hoại nghiêm trọng môi trường sống và kế sinh nhai của ngư dân Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh dọc con sông này, bị truyền thông và dư luận cả nước phê phán, lên án.

Cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra, làm rõ sự việc.

Theo kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường, “hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của Công ty Vedan là hành vi tái phạm, mang tính hệ thống, có tổ chức và kéo dài, có biểu hiện coi thường pháp luật Việt Nam, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đối với sông Thị Vải và môi trường xung quanh.

Công ty Vedan đã không đăng ký cam kết bảo vệ môi trường với cơ quan quản lý Nhà nước ...” (1).

Điều khôi hài là trong khi Công ty Vedan chưa giải quyết xong sự cố huỷ hoại môi trường nghiêm trọng nêu trên thì tại Lễ trao tặng danh hiệu "Sản phẩm chất lượng an toàn vì sức khỏe cộng đồng năm 2009" (với sự tham dự của nhiều cơ quan Trung ương và địa phương), công ty này có tới 3 sản phẩm được trao tặng danh hiệu "Sản phẩm chất lượng an toàn vì sức khỏe cộng đồng năm 2009", mà Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng này lại là ông Bùi Văn Quyền, Trưởng đại diện phía Nam của Bộ Khoa học và Công nghệ (2).

Giấy chứng nhận "an toàn vì sức khỏe cộng đồng" cho sản phẩm của Vedan mang chữ ký của Phó chủ tịch hội đồng xét thưởng. Ảnh: T.N/ VnExpress.net
Giấy chứng nhận "an toàn vì sức khỏe cộng đồng" cho sản phẩm của Vedan mang chữ ký của Phó chủ tịch hội đồng xét thưởng. Ảnh: T.N/ VnExpress.net

Sau lễ trao giải thưởng, trước sự phản đối kịch liệt và gay gắt của công luận, ông Trưởng Ban tổ chức Giải, biện bạch: "Vedan có tên trong danh sách ứng viên nhưng công ty này không được trao giải".

Nhưng phía Công ty Vedan khẳng định đã nhận Giải thưởng dành cho ba sản phẩm gồm: Vedan hạt nêm thịt heo, Tinh bột biến đổi và Bột ngọt Vedan (3).

Những tưởng sau sự cố nghiêm trọng “trao nhầm giải thưởng” trên đây, việc trao giải thưởng, vinh danh doanh nghiệp sẽ được các cơ quan quản lý Nhà nước chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.

Nhưng không, phong trào trao thưởng, vinh danh lại càng rầm rộ; càng tùm lum, tào lao hơn và trở thành một vấn nạn đối với xã hội và các doanh nghiệp chân chính.  

Theo Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh (03/07/2017), đại diện một Bệnh viện quốc tế chia sẻ:

Trung bình, mỗi tháng chúng tôi nhận từ bốn đến năm lời mời tham gia nhận lãnh các giải thưởng, các danh hiệu được tôn vinh.

Trong đó “một “nhà tổ chức” đã năm lần bảy lượt liên hệ đề nghị tham gia Giải “Doanh nghiệp mạnh nhất khu vực châu Á”, với phí tài trợ 40 triệu đồng.

Chúng tôi đã phải vất vả từ chối nhiều lần, rất mất thời gian và mệt mỏi”. 

Doanh nghiệp lợi dụng giải thưởng, vinh danh để trục lợi? ảnh 3Doanh nghiệp chỉ nghĩ đến tiền sẽ gây hại cho giống nòi, làm suy yếu đất nước

Từ nỗi niềm đó, vị đại diện bệnh viện trên đây đánh giá:

Mấy giải thưởng kiểu này chỉ là cái cớ để họ moi tiền doanh nghiệp.

Nếu giải thưởng thật sự uy tín, nhà tổ chức không cần mời, doanh nghiệp cũng tự tìm hiểu và đăng ký tham gia.

Những giải thưởng uy tín có tiêu chuẩn đánh giá rất khắt khe, minh bạch và lệ phí rất thấp, chứ không kêu gọi theo kiểu tài trợ”. 

Cũng theo bản báo trên đây, hiện nay các nhà tổ chức trao giải thưởng, vinh danh doanh nghiệp ngày càng áp dụng trắng trợn công thức:

“Đóng tiền + tiếp kiến một vị lãnh đạo cao cấp, trực tiếp truyền hình (kênh truyền thông) + tặng danh hiệu” (thậm chí không cần hồ sơ xét duyệt) (4).

Những ngày giữa tháng 4/2018 vừa qua, dư luận lại nóng lên bởi hai sự kiện liên quan đến trao thưởng, vinh danh.

Sự kiện thứ nhất: Sau một loạt phóng sự đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã phanh phui các chiêu trò và kiểu kinh doanh ẩu tả, coi thường pháp luật, coi thường khách hàng của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, như:

Thành phố Hạ Long ra thông báo khẩn yêu cầu dân di dời vì sợ lũ bùn, đất của FLC;

Đất, cát của dự án FLC chảy cuồn cuộn lấp đường xá, tràn vào nhà dân;

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội không xử lý nổi sai phạm của FLC?;

Không thể làm ngơ để FLC "tự tung tự tác";

Không thể để FLC "ngồi" trên luật pháp;

FLC chậm nộp 762 tỷ đồng, sao chưa bị hủy kết quả đấu giá? …

Nhưng lạ kỳ là, tại Lễ trao Giải thưởng Quốc gia bất động sản Việt Nam 2018 (tổ chức ngày 14/4/2018), Tập đoàn FLC lại là một trong 11 đơn vị nhận giải thưởng có giá trị cao nhất là "Nhà phát triển Bất động sản uy tín nhất".

Nhiều công trình tại FLC Quy Nhơn hoàn thành khi chưa có giấy phép xây dựng. Ảnh: FLC
Nhiều công trình tại FLC Quy Nhơn hoàn thành khi chưa có giấy phép xây dựng. Ảnh: FLC

Giới thiệu về mục đích, ý nghĩa của Giải thưởng tầm cỡ quốc gia, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng khẳng định, nhằm tôn vinh các doanh nghiệp và dự án hoặc dự án, công trình tiêu biểu có đóng góp xuất sắc cho sự phát triển nhanh, bền vững và minh bạch của thị trường bất động sản Việt Nam (5).

Tại sao sự coi thường pháp luật, thiếu tôn trọng người dân, chây ỳ đóng thuế… của FLC đã được phơi bày trong loạt phóng sự của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trong cả năm 2017 nhưng công ty này vẫn đủ tiêu chí trên đây để nhận giải thưởng?

Phải chăng những người tổ chức và xét tặng giải thưởng không mảy may biết được những tai tiếng mang “thương hiệu” FLC ở những công trình xây dựng trên địa bàn Hà Nội, Hạ Long… hay đã cố tình làm ngơ để trao giải thưởng cho doanh nghiệp này?

Liệu ai đó đang chống lưng cho ông chủ của FLC?

Doanh nghiệp lợi dụng giải thưởng, vinh danh để trục lợi? ảnh 5Quản trị doanh nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0 như thế nào?

Sự kiện thứ hai:

Cả tuần nay dư luận đang xôn xao về thực phẩm chức năng giả Vinaco làm bằng than tre, nứa của bà Đào Thị Chúc (trú phường Ngọc Sơn, quận Kiến An, Thành phố Hải Phòng), trong đó có Vinaco ung thư Co3 được doanh nghiệp do bà Chúc làm chủ quảng cáo là hỗ trợ điều trị bệnh ung thư hiệu quả cao.

Theo tài liệu điều tra, các sản phẩm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vinaca đã được phân phối rộng rãi tại nhiều địa phương trong cả nước (6).

Góp phần quan trọng cho Vinaco ung thư Co3 giả được phân phối rộng rãi trong cả nước là nhờ sản phẩm này được vinh danh, trao cúp và bằng chứng nhận Thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu Việt Nam và Gương mặt doanh nhân tiêu biểu năm 2017.

Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng này là bà Trần Mai Khanh, Viện trưởng Viện chống làm giả - Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Việt Nam (7).

Kiểu vinh danh như thế này đã vô tình tiếp tay cho những hành động vô nhân đạo, phi nhân tính của những kẻ đặt đồng tiền lên trên mạng sống của những con người đang khổ sở, vật vả đau đớn vì căn bệnh nhân ung thư.

Trên đây chỉ là một số ví dụ trong muôn vàn giải thưởng, muôn vàn loại vinh danh nhộn nhạo, vô bổ nhưng đang rất thịnh hành ở Việt Nam.

Từ thực trạng đang diễn ra trong xã hội có thể đi đến đánh giá, vì mục đích vụ lợi nên các hình thức trao giải thưởng, vinh danh ở nước ta đang bị lạm dung hết sức tuỳ tiện.

Nó để lại những hậu nặng nề, không chỉ tổn thất về kinh tế, xâm phạm lợi ích người tiêu dùng mà còn làm băng hoại các giá trị xã hội, nhất là giá trị đạo đức.

Không những vậy, nó còn làm cho cộng đồng, người dân lúng túng trước sự nhốn nháo đen trắng, thật giả lẫn lộn trong xã hội từ đó mất niềm tin với cả những doanh nhân, doanh nghiệp chân chính.

Nguồn gốc của vấn nạn này là do động cơ vụ lợi các đối tượng dưới đây:

Một là: Những doanh nhân, doanh nghiệp hoặc là muốn đánh bóng tên tuổi hoặc là muốn dùng các giải thưởng để loè bịp, nguỵ trang kiểu làm ăn “đi đêm”, coi thường pháp luật, bất tín với người dân, thậm chí lừa đảo người tiêu dùng …

Hai là: Các công ty truyền thông kinh doanh thiếu minh bạch, chuyên dùng các chiêu trò trao giải thưởng, vinh danh để móc túi doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp và các cá nhân háo danh.

Ba là: Một số cơ quan, tổ chức, cán bộ (cả đương chức và đã nghỉ hưu) dễ dãi cho các công ty truyền thông nấp bóng, mượn danh để tổ chức tuỳ tiện các giải thưởng, các hình thức vinh danh…

Để loại bỏ các hình thức trao thưởng, vinh danh mang động cơ trục lợi không chỉ vô bổ, tào lao mà còn để lại những hậu về quả kinh tế, chính trị, xã hội cho đất nước, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc, phối hợp tham mưu cho Nhà nước ban hành văn bản pháp luật về tổ chức các hình thức khen thưởng, vinh danh đảm bảo lành mạnh, minh bạch, chính xác.

Những tổ chức, cá nhân; những doanh nhân, doanh nghiệp được khen thưởng, tôn vinh hoàn toàn xứng đáng.

Có như vậy mới truyền được cảm hứng; trí tuệ, phẩm chất nghề nghiệp, giá trị đạo đức tốt đẹp của những tập thể, cá nhân được khen thưởng, vinh danh mới lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, trong xã hội.

Tài liệu tham khảo:

(1).http://www.sggp.org.vn/ket-luan-cua-bo-tnmt-ve-viec-cong-ty-vedan-xa-nuoc-thai-o-nhiem-ra-moi-truong-vedan-phai-nop-hon-127-ty-dong-phi-moi-truong-96864.htm

(2),(3).https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/san-pham-vedan-nhan-giai-thuong-vi-suc-khoe-cong-dong-2147581.html

(4). http://phunuonline.com.vn/thi-truong/doanh-nghiep-chay-nan-giai-thuong-giay-chung-nhan-104329/

(5).http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/Tap-doan-FLC-gay-nhieu-tai-tieng-sao-van-am-giai-uy-tin-nhat-post185349.gd

(6).http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/thuoc-tri-ung-thu-lam-tu-bot-than-tre-440593.html

(7).http://danviet.vn/kinh-te/dn-san-xuat-thuoc-tri-ung-thu-tu-than-tre-duoc-giai-thuong-hang-dau-viet-nam-866585.html

NGUYỄN HUY VIỆN