Dùng thẻ ATM của ngân hàng nào lợi nhất?

14/08/2012 15:49
Theo VnMedia
Trong khi các ngân hàng đua nhau mời chào hút khách tham gia dùng thẻ ATM, thì các thượng đế cũng cần sáng suốt lựa chọn loại thẻ nào có lợi cho mình nhất.
Chọn loại thẻ của ngân hàng có nhiều máy ATM Trên thực tế, không ít “thượng đế” kêu than về các máy ATM của nhiều ngân hàng “dở quẻ” khi thì điện giật, khi thì ngừng giao dịch không lý do, bấm mật khẩu mà không rút được tiền v..v…. Muốn là một người tiêu dùng thông thái, dùng thẻ ATM của ngân hàng có nhiều hệ thống máy ATM và được chăm sóc bảo dưỡng máy cẩn thận là một trong những lựa chọn. Khách hàng sẽ có lợi khi rút tiền nội mạng không mất phí. Do đủ nhiều, nên người dùng thẻ ATM không phải mất nhiều thời gian đi tìm một máy ATM cùng hệ thống để rút. Còn nếu dùng thẻ ATM của ngân hàng ít đầu tư máy rút tiền thì đương nhiên, các “thượng đế” sẽ mất thêm tiền mỗi khi giao dịch ngoại mạng.
Gần đây, trong hệ thống ngân hàng lại rộ lên câu chuyện thu phí, điều mà các khách hàng rất quan tâm hiện nay. Rất nhiều ngân hàng muốn tăng thu phí giao dịch với mục đích để duy trì, bảo dưỡng hệ thống máy ATM. Một số ngân hàng nhỏ đã đề xuất tăng thu phí rút tiền nội mạng lên 2.200 đồng/1 lần giao dịch; in sao kê, kiểm tra số dư của chủ thể là 1.100 đồng/giao dịch. Trong khi đó, một số ngân hàng lớn lại đề xuất tăng thu phí ngoại mạng từ hơn 3.000 đồng lên khoảng 5.500 đồng/giao dịch, còn phí rút tiền nội mạng thì chưa muốn thu. Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, hiện có tình trạng, nhiều ngân hàng nhỏ không đầu tư lắp đặt máy ATM, nếu có thì chỉ lắp vài máy lấy lệ ,khoảng 10-20 cái máy, nhưng lại quảng bá, phát hành thẻ quá nhiều. Điều này dẫn đến, lượng giao dịch rút tiền ngoại mạng, từ các máy ATM của các ngân hàng có nhiều máy rất lớn. Đó cũng là lý do khiến những ngân hàng lớn muốn tăng phí rút tiền ngoại mạng. Theo thống kê mới nhất, hiện có sáu ngân hàng lớn là Agribank, BIDV, Đông Á, Vietinbank, Vietcombank,  Techcombank có tổng cộng 8.200 máy, chiếm 70% lượng máy ATM toàn thị trường.
Thẻ cho phép số tiền giữ lại trong tài khoản là ít nhất
Trong khi người dùng thẻ sót kêu vì sẽ tăng phí giao dịch thẻ ATM, thì ít ai để đến khoản tiền được găm trong tài khoản. Thông thường, khi khách hàng mở tài khoản, các ngân hàng sẽ để số dư tài khoản một khoản tiền nhất định, từ 100.000 đồng, 500.000 đồng, đến tiền triệu. Nếu thẻ ATM có số dư tài khoản thấp, người dùng thẻ có lợi khi được sử dụng gần hết số tiền có trong tài khoản. Đối với những người có thu nhập thấp như công nhân, công chức hay như sinh viên…thì đây cũng là khoản tiền không nhỏ cần đến. Hiện, các ngân hàng đang phát hành đa dạng nhiều loại thẻ có thể rút tiền qua máy ATM và sử dụng vào nhiều loại dịch vụ khác như nhận lương, thanh toán hàng hóa, dịch vụ, giao dịch tiền tệ, dịch vụ SMS – Banking, mua sắm hàng hóa, mua vé máy bay…vvv…như thẻ ATM nội địa, thẻ Cremium Visa Platinum của Vietinbank, thẻ E- Parner, thẻ ghi nợ quốc tế EMV MasterCard…Khách hàng nên đọc kỹ những tiện ích cũng như những tiêu chuẩn có lợi cho mình khi sử dụng thẻ.Chọn thẻ có số tiền rút tối đa 1 lần và 1 ngày Với những người thường xuyên phải giao dịch qua thẻ ATM thì lựa chọn loại thẻ có số tiền rút tối đa 1 lần lớn cũng là một lựa chọn có lợi. Ngoài ra, người sử dụng thẻ có thể chọn loại thẻ có lần rút tối đa hoặc được chuyển khoản nhiều lần trong 1 ngày. Hiện, những loại thẻ ATM thông thường, các cơ quan sử dụng để trả lương cho nhân viên, chỉ có mức rút tiền tối đa khoảng 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng/lần. Một số các loại thẻ khác có những dịch vụ tiện ích nhiều hơn thì số tiền rút tại ATM tối đa cũng tỷ lệ thuận với số tiền được rút ra lên tới hàng chục triệu đồng/ngày. Ngoài ra, nếu khách hàng sử dụng những loại thẻ có thể giao dịch được qua máy ATM thì việc ngân hàng phát hành thẻ đó miễn phí rút tiền cũng là một lựa chọn.
Theo VnMedia