"Đường bay vòng" được Cục Hàng không nắn chỉnh thế nào?

26/08/2014 09:57
Trần Đình Bá
(GDVN) - Cất cánh từ HN, máy bay bay ra biển Đông và bay một đoạn rất thẳng, qua Huế đến gần Đà Nẵng, máy bay đột ngột chuyển hướng qua phải, rồi tiếp tục qua phải...

Cục HKVN nắn chỉnh đường bay, VNA hưởng lợi 3.000 tỷ đồng?

Hàng không là loại hình vận tải cao cấp, hiện đại tiên tiến có tốc độ cao, tiết kiệm thời gian nhất bởi ưu thế bay trên không trung, không phải làm đường đi, rất dễ tránh nhau nên cơ quan không lưu xác định đường bay là chọn đường thẳng giữa hai điểm vận tải.

Ngày 11/6/2013, Hội nghị tổng kết 5 năm “Tối ưu hóa đường hàng không năm 2008-2012” tại Hà Nội, Cục trưởng Hàng không Việt Nam (HKVN) đã lạc quan công bố: Riêng Vietnam Airlines (VNA) được hưởng lợi tới 3.000 tỷ đồng nhờ nắn chỉnh đường đi, giảm giờ bay trên những đường bay tối ưu do Cục HKVN lập ra.

Còn Phó tổng giám đốc VNA Phan Xuân Đức – phi công kỳ cựu cũng cho biết: “Về hiệu quả kinh tế, trong 5 năm 2008 – 2012 riêng VNA chúng tôi hưởng lợi khoảng 3.000 tỉ đồng trên những đường bay nắn chỉnh tối ưu hóa của Cục HKVN. Chính xác từ 2008 đến tháng 6/2013, khai thác 14 đường bay, tổng số chuyến bay là 307.556, rút ngắn thời gian bay khoảng 15.943 giờ… tiết kiệm được 62.045 tấn nhiên liệu. Ngoài ra, mỗi chuyến bay tiết kiệm được nhiên liệu cũng góp phần giảm khí thải nhà kính bảo vệ môi trường”.

Vậy thực chất việc nắn chỉnh đường bay đã được Cục HKVN thực hiện như thế nào để được cả một gói “siêu lợi” tới những 3.000 tỷ đồng?

Tác giả viết bài này đã trải nghiệm đường bay chủ lực Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh trên chuyến bay VN 235 ngày 23/7/2014 bằng Abus A321 hiện đại, có màn hình thông báo trực tiếp cho hành khách, toàn bộ hành trình chuyến bay như sau:  

Cất cánh từ Hà Nội, máy bay bay ra biển Đông và bay một đoạn rất thẳng, qua Huế đến gần Đà Nẵng, máy bay đột ngột chuyển hướng qua phải, được khoảng chục phút rồi tiếp tục chuyển hướng qua phải, chục phút sau lại qua trái, lại qua phải…. Cứ như vậy đoạn đường bay từ Đà Nẵng đến Buôn Ma Thuột có đến nhiều lần chuyển hướng thành đường bay hình con rắn. Đến Buôn Ma Thuột, máy báy rẽ phải đến Biên Hòa và hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất.

Như vậy so với các năm trước, đường bay Hà Nội-TP.Hồ Chí Minh có hình quả chuối được nối với nhau bằng các điểm A, B,C… theo tuần tự thì nay đường bay này liên tục đổi hướng cứ như “chuyến xe bão táp” đánh võng trên quốc lộ. Tỷ lệ lãng phí không còn là 28% nữa mà phải trên 30% (tính theo tích phân đường trong phương pháp Trần Đình Bá).

Toàn bộ hành trình bay được ghi lại trung thực qua bức ảnh chụp dưới đây:

Quỹ đạo đường bay hình con rắn chụp trên máy bay A321 của VNA tuyến Hà Nội- TP.Hồ Chí Minh ngày 23/7/2014. Ảnh: TS Trần Đình Bá.
Quỹ đạo đường bay hình con rắn chụp trên máy bay A321 của VNA tuyến Hà Nội- TP.Hồ Chí Minh ngày 23/7/2014. Ảnh: TS Trần Đình Bá.

Như vậy, với đường bay hình con rắn trên chặng bay chủ lực có tần suất cao nhất cả trăm chuyến trên ngày, tính bình quân mỗi chuyến lãng phí trên 28 phút bay thì Cục HKVN đã “ném qua cửa sổ” gần cả triệu USD tiền hao mòn động cơ, ngốn nhiên liệu và tiền thuê phi công ngoại tính bằng giờ bay… còn lãng phí thời gian của hành không thì rất lớn.

Qua đó, dễ dàng kết luận “thành tích” nắn chỉnh đường bay làm lợi 3.000 tỷ đồng là chuyện phi lý giữa lúc các hãng hàng không đua nhau báo lỗ trên những đường bay này.

Cụ thể là VNA, mặc đù đã được Cục HK giành nhiều ưu đãi trên các đường bay “một mình một chợ” như TP.Hồ Chí Minh đi Côn Đảo, Pleiku, Phú Yên, Dung Quất, Đồng Hới, Thanh Hóa… với giá vé “cắt cổ”, đắt gấp 1,5-3 lần các hãng khác song vẫn đang phải khẩn cấp xin ưu đãi từ Chính phủ trước giờ IPO.

Đổi mới đường bay, lối thoát duy nhất để cứu hàng không

Hầu hết các doanh nghiệp muốn làm ăn có lãi phải tính được chính xác bài toán  hiệu quả kinh tế  giữa đầu vào, đầu ra … chi phí nhiên liệu nhân công, hao mòn thiết bị máy móc bằng “định lượng” chính xác từng giây từng phút, từng đồng hẳn hoi mà không phải là hời hợt theo kiểu “Định tính”.

Ai cũng biết cạnh huyền lúc nào cũng ngắn hơn… bằng công thức Pitago song đó chỉ là số liệu mang “định tính” về hình học mà không phải chính xác bằng “định lượng” vì liên quan về lực đẩy trong cơ học mới tính ra thời gian, năng lượng hao phí.

Đội ngũ chuyên gia kinh tế của Cục HKVN, của Vụ Vận tải, Vụ KHCN- GTVT, chuyên viên kinh tế VNA và các hãng khác như VJA, JVA… tính hiệu quả kinh tế đường bay bằng Pitago, cộng các đoạn thẳng không cùng phương, hướng để so sánh với đường thẳng bằng toán tiểu học về thời gian, khoảng cách… nên ở đường bay thẳng Hà Nội – TP.Hồ Chí Minh, nhóm chuyên viên kinh tế VNA tính tiết kiệm được 9 phút, các TS Cục HKVN tính được tiết kiệm 2,5 phút nên cùng nhau rút ra kết luận là “bay vòng kinh tế hơn bay thẳng” do phải trả lệ phí bầu trời.

Sự thật tính toán cơ học bằng toán học cao cấp thì đường bay đó lãng phí tới 28%, tức tính ra được 26 phút bay với máy bay có tốc độ nhanh nhất là Boeing 777. Như vậy tính bình quân đường bay này lãng phí tới 25% chí phí sản xuất. Riêng đường bay Hà Nội-Cần Thơ lãng phí tới 28.1%, đường bay Hà Nội-Phú Quốc lãng phí tới 38%.

Con số lãng phí hàng năm tính được trên 25.000 giờ bay, gần bằng với tuổi thọ sử dụng của một chiếc máy bay Airbus A330 thời giá hiện nay là 175 triệu USD. Như vậy mỗi năm nếu tính cả lãng phí trên 60.000 tấn nhiên liệu, phải trả chi phí 25.000 giờ bay cho phi công ngoại, chi phí cho phi công, tiếp viên, nhân viên bay… thì Cục HKVN đã mất trắng 300 triệu USD của tất cả các hãng hàng không.

Số liệu này đủ lý giải vì sao đường bay quốc tế có lãi trong khi đường bay nội thua lỗ nặng nề. Còn cán bộ công chức Nhà nước và nhân dân đi lại phải chịu mất 25% số tiền bị lãng phí này trong vé máy bay và phần thiệt hại kinh tế dồn lên vai nhà nước.

Chính VNA là hãng bay có giá vé cao nhất hiện nay cũng phải chịu chung cảnh khó khăn khi bị áp đặt đường bay này. Hiện VNA đang là nơi xảy ra nhiều nhất các vụ trục trặc kỹ thuật và chậm chuyến, hoãn chuyến so với các hãng bay khác.

Bài toán kinh tế quyết định sự sống còn của các doanh nghiệp Hàng không. Đã đến lúc các doanh nghiệp hàng không phải “Tự cứu mình” bằng việc  phải hạch toán lại toàn bộ bài toán hiệu quả kinh tế đường bay để không biến mình thành một Indochine Airlines – ICA hay Air Mekong - MCA, phải chấp nhận tháo lui cho những thí nghiệm của “học thuyết bay vòng” mà Cục HKVN đang áp đặt. 

Trần Đình Bá