Giữ hộ vàng, bước tiến rất lớn của Ngân hàng nhà nước

18/10/2013 09:45
Hoàng Lực
(GDVN) - "Quy định các ngân hàng chỉ được giữ hộ vàng là bước tiến rất lớn của NHNN trong việc ổn định thị trường vàng", TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có quyết định cho phép thêm Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Ngân hàng Nam Á được bổ sung dịch vụ bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn. Theo đó hai đơn vị này bắt đầu giữ hộ vàng từ ngày 15/10.

Tính đến nay đã có 5 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, MHB và 7 nhà băng cổ phần là An Bình, Bản Việt, Bảo Việt, Tiên Phong, Bưu điện Liên Việt, Á Châu và Ngân hàng Quân đội được phép "giữ hộ vàng".

Quy định các ngân hàng chỉ được giữ hộ vàng là bước tiến rất lớn của NHNN trong việc ổn định thị trường vàng.
Quy định các ngân hàng chỉ được giữ hộ vàng là bước tiến rất lớn của NHNN trong việc ổn định thị trường vàng. 

Trước đó (cuối tháng 8/2013), NHNN vừa đưa ra lấy ý kiến Dự thảo Thông tư hướng dẫn về dịch vụ bảo quản vàng miếng, theo đó, vẫn bị cấm sử dụng vàng giữ hộ dưới bất cứ hình thức nào, nhưng các ngân hàng được linh hoạt khi trả lại cho khách, không nhất thiết phải là miếng vàng đã nhận trước đây.

Ngoài ra, nhà băng phải thu phí giữ hộ vàng miếng, không được trả lãi, lợi tức dưới mọi hình thức và ngân hàng phải niêm yết công khai mức phí này. Trong hợp đồng ký kết giữa các bên cũng cần quy định thời hạn, phí và hình thức trả lại vàng miếng bảo quản.

Việc cho phép ngân hàng được giữ hộ vàng có thu phí liệu sẽ mang lại điểm tích cực như thế nào với thị trường vàng? Quy định giữ hộ vàng khác như thế nào quy định kinh doanh vàng trước kia?

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, thị trường vàng đang đi dần vào sự ổn định nên cần phải có một hệ thống giao dịch vàng chuẩn mực.

"Trong lúc này ngân hàng có lẽ là định chế tài chính đáng tin cậy nhất. Vì thế việc Ngân hàng Nhà nước cho phép thêm một số ngân hàng được quyền giữ hộ vàng là điều rất cần thiết mang lại sự ổn định, củng cố hệ thống trật tự vàng đây là một điều tốt", TS Hiếu cho biết.

Đánh giá về cách quản lý vàng trước đây tại các ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trước kia các ngân hàng được phép huy động, cho vay, kinh doanh vàng một cách rộng rãi không phụ thuộc vào quy định trạng thái. So với trước đây quy định giữ hộ vàng không chặt chẽ người dân gửi vàng tại ngân hàng nhưng khi trả ngân hàng không nhất thiết phải trả lại đúng loại vàng đó mà thay bằng các loại vàng tương đương, điều này khiến thị trường vàng khó kiểm soát.

Đứng ở khía cạnh quản lý nhà nước, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, với quy định các ngân hàng chỉ được giữ hộ vàng là bước tiến rất lớn của NHNN trong việc ổn định thị trường vàng.

Tuy nhiên thực tế hiện nay một số ngân hàng dù được phép giữ hộ vàng nhưng không mặn mà với việc cho ký gửi vàng vì thủ tục quá phức tạp. Cụ thể các ngân hàng phải thực hiện hàng loạt thủ tục ghi lại số sê-ri, thu phí giữ vàng trong hợp đồng theo quy định… trong khi đó vàng lại không được sử dụng, tính rủi ro cao.

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB cũng cho rằng: Ngân hàng không mặn mà gì với dịch vụ giữ hộ vàng vì phí giữ không được bao nhiêu, thủ tục thì phức tạp, rủi ro cho ngân hàng lại cao, trong khi ngân hàng lại không được sử dụng số vàng này.

Cùng quan điểm với ông Toại, ông Trần Ngọc Tâm - Phó tổng giám đốc NamA Bank nhận định: Thủ tục giữ hộ theo yêu cầu của NHNN phức tạp quá. "Nếu huy động mà phải trả lại đúng số sê-ri miếng vàng cho khách thì mệt cho ngân hàng, mà nếu có sơ suất gì lại vướng kiện cáo cũng không hay", ông Tâm nói.

Nam Á cũng đã gửi hồ sơ xin giấy phép giữ hộ vàng nhưng chỉ để có đủ các dịch vụ về mặt pháp lý và nếu khách có yêu cầu thì làm, tránh để khách đi sang ngân hàng khác chứ ngân hàng không mặn mà dịch vụ giữ hộ vàng vì chẳng làm được gì, ông Tâm nói.

Để giải quyết bài toán này, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng NHNN nên cho phép ngân hàng giữ hộ vàng được sử dụng vàng ký gửi đê kinh doanh vàng, tuy nhiên chỉ nên dừng lại cấp độ mua bán, kinh doanh chứ không được huy động đầu cơ gom vàng như trước đây.

“Các ngân hàng phải tuân thủ trạng thái +2% vốn điều lệ không được giữ trạng thái âm. Tức là các ngân hàng khi mua vào tạo ra trạng thái dương, bán ra trạng thái âm. Cuối ngày trạng thái mua vàng phải dương tức là mua vào nhiều hơn bán ra không vượt quá 2% vốn điều lệ”, TS Hiếu cho biết.
Hoàng Lực