Hãng bay của Hà Dũng bị khởi kiện món nợ 1,3 triệu USD

04/11/2011 10:09
Đây là khoản nợ (bao gồm cả gốc 1,19 triệu USD và lãi tính đến ngày 27/7/2011) mà Hãng hàng không Đông Dương còn nợ ngân hàng ACB.
TAND TP.HCM vừa xét xử sơ thẩm vụ kiện đòi nợ của Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) với Công ty cổ phần hàng không Đông Dương - Indochina Airlines (do ông Hà Hùng Dũng, tức nhạc sĩ Hà Dũng, làm tổng giám đốc) liên quan việc bảo lãnh mở thư tín dụng thanh toán cho đối tác nước ngoài của hãng hàng không này.

Hội đồng xét xử đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ACB, buộc Công ty cổ phần hàng không Đông Dương phải trả cho ACB số tiền hơn 1,3 triệu USD. Đây là khoản nợ (bao gồm cả gốc 1,19 triệu USD và lãi tính đến ngày 27/7/2011) mà Hãng hàng không Đông Dương còn nợ ngân hàng.
Đến thời điểm cuối tháng 11/2009, Indochina Airlines chỉ còn một máy bay thuê của Hãng Travel Service (Cộng hòa Czech) - Ảnh: Gear
Đến thời điểm cuối tháng 11/2009, Indochina Airlines chỉ còn một máy bay thuê của Hãng Travel Service (Cộng hòa Czech) - Ảnh: Gear
Bản án còn tuyên buộc: trong trường hợp Hãng hàng không Đông Dương không còn khả năng thanh toán khoản nợ trên thì ông Hà Hùng Dũng phải có nghĩa vụ trả nợ thay. Để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của ông Hà Hùng Dũng, TAND TP.HCM đã quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Dũng.

Theo bản án, tháng 10//2008 Công ty cổ phần hàng không Đông Dương và ACB ký kết hợp đồng cấp tín dụng bằng hình thức bảo lãnh (ACB bảo lãnh phát hành thư tín dụng trả chậm và trả ngay) cho Đông Dương. Theo đề nghị của Hãng hàng không Đông Dương, ngày 12/1/2010 ACB đã thanh toán cho ngân hàng nước ngoài Komercni Banka A.S số tiền 1,19 triệu USD thay cho Hãng hàng không Đông Dương.

Sau đó, ngân hàng ghi nợ vào tài khoản của công ty và thông báo thời hạn trả nợ vào ngày 12/4/2010 (nếu trả nợ trước thời hạn này, công ty phải trả lãi 6,5%/tháng, nếu quá thời hạn trên thì lãi suất là 9,7%/tháng). Tuy nhiên nhiều tháng sau đó, dù đã được ngân hàng thông báo nhắc nợ nhiều lần mà Hãng hàng không Đông Dương vẫn không thanh toán nợ nên ngân hàng buộc lòng phải khởi kiện đề nghị tòa án xét xử.

Tại phiên tòa, người đại diện của Hãng hàng không Đông Dương thừa nhận các khoản nợ gốc và lãi mà phía ngân hàng đòi nợ (tổng cộng trên 1,3 triệu USD) là đúng, nhưng hiện nay Công ty cổ phần hàng không Đông Dương đang gặp nhiều khó khăn về tài chính nên chưa thể xác định thời gian trả nợ, đồng thời đề nghị ngân hàng tính giảm lãi cho công ty. Người đại diện của ông Hà Hùng Dũng cũng thừa nhận có ký chứng thư bảo lãnh việc trả nợ thay cho Công ty cổ phần hàng không Đông Dương nếu công ty không trả được nợ ngân hàng.

Đến thời điểm cuối tháng 11/2009, Indochina Airlines chỉ còn một máy bay thuê của Hãng Travel Service (Cộng hòa Czech) - Ảnh: Gear

Theo hồ sơ vụ án, để được ngân hàng cấp tín dụng bảo lãnh, Công ty cổ phần hàng không Đông Dương đã đưa vào thế chấp quyền sở hữu một căn nhà trên đường Bà Huyện Thanh Quan, Q.3, TP.HCM, đồng thời cá nhân ông Hà Hùng Dũng cũng có chứng thư bảo lãnh (được cơ quan công chứng xác nhận) trả nợ thay nếu công ty không trả được nợ.

Tại phiên tòa, ACB đã đề nghị tòa án tuyên phát mãi căn nhà trên để trả nợ cho Công ty cổ phần hàng không Đông Dương nhưng tòa không chấp nhận yêu cầu này bởi hợp đồng thế chấp, bảo lãnh trên chỉ ký kết giữa ngân hàng và chủ nhà mà không được công chứng theo đúng quy định.

Tòa chỉ tuyên buộc cá nhân ông Hà Hùng Dũng trả nợ thay nếu Công ty cổ phần hàng không Đông Dương không trả được nợ đúng như chứng thư bảo lãnh mà ông Dũng gửi ngân hàng.
Xin lùi thời hạn thu hồi giấy phép đến tháng 12/2011

Indochina Airlines (ICA) - Công ty cổ phần hàng không Đông Dương là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của VN được cấp phép thành lập tháng 5-2008, bắt đầu bay ngày 25/11/2008 với hai máy bay Boeing 737-800 thuê ướt (thuê cả phi công và tiếp viên) của Hãng Travel Service (Cộng hòa Czech). Ngày 1/11/2009, ICA ngừng bay vì gặp khó khăn về tài chính. Trong thời gian này, nhiều đại lý, đối tác kinh doanh liên tục đòi nợ ICA và hãng này cũng từng nhiều lần bị đề nghị rút giấy phép.

Đến ngày 23/11/2009, chiếc máy bay duy nhất còn lại của ICA đã rời khỏi VN. Tháng 1/2010, Cục Hàng không VN thu hồi quyền vận chuyển hàng không nội địa của ICA vì hãng chưa chứng minh được có đủ số vốn pháp định như thông báo trước đó với Cục Hàng không cũng như chưa có máy bay để hoạt động. Bên cạnh đó, ICA chưa đạt được các thỏa thuận trả nợ với các đối tác.

Đến tháng 1/2011, tổng giám đốc ICA Hà Hùng Dũng gửi văn bản xin tạm thời lùi thời hạn thu hồi giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không đến hết tháng 12/2011. Văn bản này được thực hiện trên cơ sở đề nghị của những cổ đông sáng lập ICA với mong muốn vực dậy hãng hàng không sau hơn một năm ngừng bay. ICA cũng kiến nghị Thủ tướng xin được tái cơ cấu vốn để tiếp tục hoạt động.

Cục Hàng không VN đã có văn bản ủng hộ đề xuất này của ICA nhưng yêu cầu hãng phải trình bày được kế hoạch kinh doanh, phương án tài chính, đặc biệt là kế hoạch trả nợ các đối tác, phương án kêu gọi để có đủ ít nhất 200 tỉ đồng vốn pháp định, kế hoạch cấp chứng chỉ khai thác bay (AOC) để chuẩn bị khai thác. Nếu không đáp ứng được điều kiện này, ICA sẽ bị thu hồi giấy phép, buộc phải phá sản. ICA hiện không đủ vốn hoạt động, hơn 12 tháng qua không có bất cứ hoạt động nào và hiện vẫn chưa có AOC nên hoàn toàn có thể bị thu hồi giấy phép.

Theo Tuổi trẻ