Hiệp Hội BVNTD "giải mã" mấu chốt vụ mì tôm chứa acid oxalic

18/01/2014 07:44
Hoàng Lực
(GDVN) - Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng thư ký Vinastas: Nếu DN chỉ vì lợi ích của mình thì sản phẩm đưa ra thị trường sẽ là sự vô tránh nhiệm với người tiêu dùng.

Đến hẹn lại lên, dịp tết Nguyên đán khi nhu cầu hàng hóa của người dân tăng đột biến cũng là lúc hàng nhái, hàng giả xâm nhập làm nhiễu loạn thị trường. Việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái được các cơ quan chức năng rốt ráo thực hiện tuy nhiên có một thực tế hàng giả, hàng nhái như đuôi thằn lằn, “chặt đứt chỗ này, mọc chỗ khác”.

Bên cạnh nạn hàng giả hàng nhái, người tiêu dùng đang gặp không ít khó khăn trước những thông tin về chất lượng sản phẩm không đảm bảo, tiêu biểu như vụ mì tôm chứa acid oxalic đang gây hoang mang dư luận gần đây. Liên quan đến vấn đề này Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas).

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas)
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas)

- Theo ông năm 2013 người tiêu dùng Việt Nam gặp phải khó khăn gì?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi cho rằng khó khăn lớn nhất đối với số đông người tiêu dùng là việc đối phó với vật giá leo thang. Điều kiện khó khăn của nền kinh tế tác động đến thu nhập, để duy trì sinh hoạt, nhiều người tiêu dùng buộc phải thắt chặt chi tiêu, trong khi đó giá cả nhiều mặt hàng, kể cả một số mặt hàng thiết yếu và giá dịch vụ tăng mạnh. Vấn đề chất lượng hàng hóa, hàng giả, ATTP, gian lận thương mại, trong đó có gian lận trong lĩnh vực đo lường, thông tin quảng cáo vv… đều là những khó khăn mà người tiêu dùng phải đối mặt.

- Năm qua người tiêu dùng phải đối mặt với những vụ việc lớn liên quan chất lượng hàng hóa như vụ ngộ độc rượu, thông tin acid oxalic trong mì tôm… Câu chuyện chất lượng sản phẩm được nhắc đến nhiều nhưng vẫn chưa có lời giải, theo ông mấu chốt vấn đề nằm ở đâu?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi nghĩ rằng mấu chốt nằm trong tay nhà quản lý và người sản xuất, kinh doanh. Nói đến quản lý là nói đến chính sách, pháp luật và công tác kiểm tra, kiểm soát. Nếu chính sách, pháp luật ít kẽ hở, công tác kiểm tra hiệu quả thì sẽ hạn chế những hàng hóa không an toàn trên thị trường.

Tuy nhiên, nói thì dễ, làm mới khó. Không thể phủ nhận sự nỗ lực, cố gắng trong công tác quản lý, nhưng những gì đã xảy ra cho thấy vẫn còn những bất cập. Còn người sản xuất, kinh doanh nếu vì lợi ích người tiêu dùng trong đó có lợi ích của mình thì sản phẩm đưa ra thị trường sẽ có trách nhiệm hơn; nếu chỉ vì lợi ích của mình thì sản phẩm đưa ra thị trường sẽ là sự vô tránh nhiệm với sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng như đã xảy ra.

- Nhiều ý kiến cho rằng chống hàng giả hàng nhái, hàng lậu ở biên giới đã khó đến khi hàng hóa này tràn vào thị trường nội địa thì càng khó hơn. Theo ông cả hai khâu kiểm soát biên giới chống hàng lậu, và kiểm soát nội địa chống hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng chúng ta đã làm tốt chưa? Nếu thang điểm đánh giá cao nhất là 10 điểm ông sẽ cho điểm mấy?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Câu hỏi này xin dành cho cơ quan quản lý, nơi có đủ thông tin. Còn theo suy nghĩ của tôi, thị trường là “thước đo” kết quả. Căn cứ những gì  đang diễn ra, tôi nghĩ, ngay các nhà quản lý cũng chưa thể hài lòng và đánh giá đã làm tốt, nhưng sự cố gắng thì có.
Đúng là chống hàng giả, hàng lậu ở biên giới đã khó, nhưng đến khi hàng hóa này tràn vào nội địa, thì chẳng khác nào khi đã “vào sông, vào hồ”, bắt “cá” sẽ khó hơn. Đặc điểm mỗi nơi, tình hình mỗi lúc một khác, xin miễn cho tôi việc cho điểm.
- Hiện nay hàng hóa kém chất lượng len lỏi vào tận siêu thị cụ thể như thừa nhận rau an toàn trong siêu thị được nhập từ chợ, hay như vụ việc thạch dừa dai nghi làm bằng nilon… Theo ông việc hàng hóa kém chất lượng trong siêu thị, siêu thị phải chịu trách nhiệm như thế nào? Liệu có chuyện móc nối nhân viên siêu thị với người bên ngoài đưa hàng kém chất lượng vào bán để kiếm lời không?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Về nguyên tắc cũng như vì thương hiệu của mình, siêu thị phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên trách nhiệm trực tiếp hay gián tiếp và trách nhiệm đến đâu còn tùy trường hợp cụ thể. Còn việc có chuyện móc nối giữa nhân viên siêu thị với người ngoài vì lợi ích riêng hay không, chỉ người quản lý siêu thị mới rõ. Người quản lý để nhân viên qua mặt, làm tổn hại đến uy tín siêu thị thì rõ ràng là người quản lý kém.

- Ông có lời khuyên gì với người tiêu dùng lúc này khi xung quanh dường như đâu đâu cũng thấy hàng hóa kém chất lượng?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi không có điều kiện tiếp xúc với hàng hóa hàng ngày, nên chính những người nội trợ có nhiều kinh nghiệm hơn cả. Tuy nhiên, theo những quy định của pháp luật cũng như từ kinh nghiệm của nhiều người tiêu dùng, để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng không bảo đảm, chúng ta nên thận trọng trước khi mua, lựa chọn những hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không ham của rẻ, nhưng cũng không nên suy nghĩ đơn giản cứ đắt là tốt, bởi hàng giả ngày nay về hình thức giống như hàng thật, nếu bán rẻ sẽ bị nghi ngờ, nên không phải lúc nào giá cả cũng xoay quanh giá trị  hàng hóa./.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Lực