Kho cà phê thế chấp 7 NH: Lỗ hổng lớn trong quá trình cho vay

09/12/2013 07:25
Hồng Minh
(GDVN) - Vụ việc Công ty TNHH Trường Ngân dùng cùng 1 tài sản thế chấp để vay hơn 600 tỉ đồng của 7 ngân hàng khác nhau đã bộc lộ lỗ hổng lớn trong quá trình cho vay, thẩm định vay vốn.
Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, sau khi phát hiện việc Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương cưỡng chế kho hàng của Công ty TNHH Trường Ngân để thực hiện theo quyết định thỏa thuận của TAND quận 4, TP.HCM, giữa Công ty Trường Ngân và Ngân hàng TMCP Đại Dương (OCB), 6 ngân hàng cũng cho Trường Ngân vay gồm MB, MSB, VietinBank, VIB, Agribank và Techcombank đã lên tiếng phản ứng dữ dội. Theo đại diện các ngân hàng, việc Công ty Trường Ngân cùng lúc sử dụng một tài sản để thế chấp vay vốn tại nhiều ngân hàng khác nhau là sai quy định của pháp luật. Việc xử lý tài sản đang trong diện tranh chấp, phải được xử lý trên nguyên tắc đăng ký tài sản đảm bảo với Bộ Tư pháp. Việc Ngân hàng Phương Đông đơn phương cùng Trường Ngân đem vụ việc ra thỏa thuận tại Tòa dân sự ngay khi Trường Ngân mất khả năng trả nợ đã ảnh hưởng tới lợi ích của các ngân hàng khác.
Kho của Công ty Trường Ngân bị cưỡng chế, cà phê được chuyển lên xe tải đưa ra khỏi kho ngày 3/12.
Kho của Công ty Trường Ngân bị cưỡng chế, cà phê được chuyển lên xe tải đưa ra khỏi kho ngày 3/12.
Tuy nhiên việc cưỡng chế niêm phong kho hàng vẫn được thi hành theo quyết định của TAND quận 4, TP.HCM. Theo đó, Công ty Trường Ngân cam kết đảm bảo đủ số lượng hàng đã cầm cố cho OCB tại kho riêng của OCB theo các hợp đồng cầm cố và biên bản có liên quan. Trong quá trình thi hành án, nếu Trường Ngân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các nghĩa vụ thì OCB được quyền yêu cầu Trường Ngân trả ngay một lần đối với toàn bộ số tiền còn thiếu và phải trả lãi theo mức lãi suất nợ quá hạn mà các bên đã thỏa thuận trong các hợp đồng tín dụng. Trong bối cảnh sức khỏe nhiều doanh nghiệp còn yếu, thậm chí không ít doanh nghiệp mất khả năng trả nợ, thì cũng là lúc bộc lộ rõ nét nhất những bất cập trong hoạt động tín dụng cho vay của ngân hàng. Câu chuyện Công ty TNHH Trường Ngân vỡ nợ tín dụng đang chỉ ra những lỗ hổng trong hoạt động cho vay thế chấp bằng hàng hóa của ngân hàng.
 Lỗ hổng này nằm ở khâu quản lý các rủi ro trong quá trình kiểm tra, giám sát cũng nhận bảo đảm hàng hóa tránh rủi ro, thất thoát, trùng hàng… Lỗ hổng quan trọng nhất là lỗ hổng trong việc kiểm tra số lượng, chất lượng hàng định kỳ để bảo đảm rủi ro mất vốn, mất tài sản cho ngân hàng. Từ lỗ hổng trong việc vay thế chấp bằng hàng hóa, ngược trở lại thời điểm cho vay, còn quá sớm để nói đến việc có hay không sự móc nối của cán bộ ngân hàng trong việc xem xét tài sản thế chấp của Trường Ngân trước khi làm thủ tục cho vay nhưng rõ ràng đây là câu chuyện mà lỗi ở chính các ngân hàng. Hiện nay không ít ngân hàng đang tổ chức các khóa cấp tốc để bổ túc cho nhân viên của mình các kỹ năng về siết nợ, thẩm định hay về giám sát hàng hóa đảm bảo cho vốn vay. Tại sao lúc này các kĩ năng này lại đặc biệt cần thiết đến như vậy? Câu trả lời do ngày càng có nhiều vụ vỡ nợ tín dụng, nhiều vụ siết nợ, khi ngân hàng “ngã ngửa” ra rằng hàng hóa thế chấp “không cánh mà bay” hay hàng hóa thế chấp của mình cũng cùng lúc được thế chấp tại nhiều ngân hàng khác nhau. Đây là câu chuyện “mất bò mới lo làm chuồng” của các ngân hàng, mặc dù nhanh chân, khôn ngoan hơn các ngân hàng khác nhưng theo đánh giá các ngân hàng đều thua, đều bị mất mát tài sản. Cạm bẫy pháp lý trong việc cho vay thế chấp kho hàng, do tài sản thế chấp chỉ là một phần hàng hóa trong kho và ngân hàng không quản lý trực tiếp kho hàng dẫn đến tình trạng doanh nghiệp dùng một kho hàng thế chấp cho nhiều khoản vay ở nhiều ngân hàng khác nhau.

Hậu quả là không ngân hàng nào có thể phân biệt đâu là cà phê được thế chấp cho khoản vay của ngân hàng mình. Do đó, khi doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, xảy ra tình trạng tranh chấp kho hàng và ngân hàng phải cắt cử nhân viên, cho ô tô bao vây để phòng ngân hàng bạn “cướp” kho hàng.

Chỉ ra những bất cập trong việc nhận tài sản bảo đảm là hàng hóa luân chuyển trong kho trên Đầu tư chứng khoán, LS Trần Minh Hải – GĐ Công ty Luật Basico cho rằng việc quản lý tài sản này mang đến sự rủi ro lớn cho các ngân hàng.

Đưa ra giải pháp về vấn đề này, LS Hải cho rằng trong tương lai cần hình thành các hãng kho vận uy tín đứng ra làm trung gian. Các kho vận này sẽ cấp chứng chỉ ghi nhận thông tin về số lượng, chất lượng, chủng loại và sở hữu về hàng hóa. Về phía các ngân hàng cần đưa ra định chế nghiệp vụ ngân hàng cần được xử lý theo phương thức tăng cường quản trị rủi ro pháp lý đối với sản phẩm cho vay thế chấp bằng kho hàng hóa. Đồng thời đào tạo nghiệp vụ pháp lý, nâng cao khả năng, kinh nghiệm nhận thức phòng chống rủi ro pháp lý cho cán bộ ngân hàng, bởi họ chính là những người gác gôn cho sự an toàn tín dụng của ngân hàng. 
Hồng Minh