Không đặt mục tiêu lợi nhuận, Hãng hàng không VASCO hoạt động thế nào?

11/03/2016 07:41
Mai Anh
(GDVN) - Đặt mục tiêu lãi suất cho VASCO thấp hơn giai đoạn trước khi chuyển đổi thành công ty cổ phần, liệu hãng hàng không mới VASCO có hoạt động hiệu quả?

VASCO sẽ hưởng ưu đã như doanh nghiệp nhà nước?

Theo đề án trình Bộ Giao thông Vận tải, Vietnam Airlines sẽ thành lập hãng hàng không mới trên cơ sở sắp xếp lại Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO) - công ty con của Vietnam Airlines, có vốn điều lệ 300 tỷ đồng.

51% số này sẽ do Vietnam Airlines đóng góp và một ngân hàng góp số tiền còn lại thông qua 2 công ty con. Cụ thể, Vietnam Airlines với tư cách cổ đông lớn nhất góp 51% (153 tỷ đồng) sẽ góp vốn bằng tài sản hiện có của VASCO nếu sau khi định giá phần tài sản đó không đủ, Vietnam Airlines sẽ góp bằng tiền để đảm quyền sở hữu 51% cổ phần.

Công ty mới sẽ mang tên Công ty cổ phần Hàng không VASCO (VT – VASCO).

Theo nhận định của các chuyên gia, vai trò của Vietnam Airlines trong hãng hàng không cổ phần mới VASCO không thay đổi vì vẫn nắm quyền chi phối - ảnh nguồn VASCO.
Theo nhận định của các chuyên gia, vai trò của Vietnam Airlines trong hãng hàng không cổ phần mới VASCO không thay đổi vì vẫn nắm quyền chi phối - ảnh nguồn VASCO.

Tuy nhiên, cũng giống như việc cổ phần hóa Vietnam Airlines trước đây, thương vụ tái cơ cấu VASCO khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi.

Còn nhớ thời điểm năm 2014, Vietnam Airlines đưa ra phương án cổ phần hóa nhưng kèm theo đó là những đề xuất lạ đời như: Giữ lại toàn bộ phần thặng dư vốn phát hành thêm cổ phần tương ứng với vốn nhà nước (75% vốn điều lệ) khi thực hiện cổ phần để tăng thêm vốn đầu tư làm cơ sở bổ sung nguồn vốn mua máy bay. Vietnam Airlines tiếp tục được Chính phủ bảo lãnh miễn phí 100% vốn mua máy bay, động cơ máy bay…; cho phép miễn áp dụng quy định về tài sản thế chấp với các khoản vay để thực hiện mua máy bay A350 và B787.

Lúc đó, câu hỏi đặt ra là vai trò của nhà nước tại Vietnam Airlines sau khi cổ phần hóa ở đâu? Những băn khoăn của dư luận càng có lý khi những ưu đãi như được bảo lãnh vốn mua máy bay, miễn phí tài sản thế chấp… chỉ được dành cho doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nay vẫn được áp dụng với Vietnam Airlines - công ty cổ phần.

Như vậy ý nghĩa của cổ phần hóa không còn bởi Vietnam Airlines vẫn được hưởng ưu tiên như doanh nghiệp nhà nước.

Từ thương vụ cổ phần hóa Vietnam Airlines, nhìn lại đề xuất thành lập hãng hàng không mới VASCO thấy rõ những vấn đề: Phương án góp vốn của Vietnam Airlines chính là tài sản đang có của doanh nghiệp này tại VASCO, điều này có nghĩa Vietnam Airlines không phải bỏ tiền góp vốn hoặc chỉ bỏ tiền nếu tài sản đó sau khi định giá thấp hơn vốn góp yêu cầu.

Mặt khác dù tái cơ cấu nhưng Vietnam Airlines vẫn giữ cổ phần lớn nhất trong VASCO. Như vậy, liệu có hay không những ưu đãi dành của nhà nước dành cho Vietnam Airlines có thể sẽ lan tỏa xuống doanh nghiệp mà đơn vị này có cổ phần. Bởi theo cách hiểu đơn giản, tài sản nhà nước cũng chiếm 75% trong 51% cổ phần của Vietnam Airlines tại VASCO.

Không đặt mục tiêu lợi nhuận, Hãng hàng không VASCO hoạt động thế nào? ảnh 2

Thành lập hãng hàng không mới, cần minh bạch vốn góp của Vietnam Airlines

(GDVN) - Theo PGS.TS Ngô Trí Long, cần đơn vị độc lập định giá lại toàn bộ tài sản hiện hữu của Vietnam Airlines tại VASCO để tránh thất thoát...

Vai trò nhà nước trong VASCO sẽ như thế nào?

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, ông Vũ Anh Minh - Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp - Bộ Giao thông vận tải  cho biết: Tại Vietnam Airlines, nhà nước là một cổ đông lớn trong công ty cổ phần cũng giống như rất nhiều doanh nghiệp khác mà nhà nước có vốn góp. 

Theo đó, nhà nước sẽ cử người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo luật doanh nghiệp, những doanh nghiệp như Vietnam Airlines không còn 100% vốn nhà nước, tức là không còn là doanh nghiệp nhà nước nữa. Tương tự, nhà nước cũng có phần vốn trong VASCO thông qua nắm giữ cổ phần Vietnam Airlines nhưng VASCO cũng không phải doanh nghiệp nhà nước

“Vai trò nhà nước thể hiện ở Hội đồng quản trị của Tổng công ty Hàng không Việt Nam còn về phân cấp Hội đồng quản trị của VASCO do Vietnam Airlines và đơn vị đối tác quyết định.

Vai trò nhà nước không thể hiện trực tiếp tại các doanh nghiệp mà Vietnam Airlines có cổ phần. Nhà nước chỉ cử người đại diện trực tiếp nguồn vốn nhà nước tại Vietnam Airlines”, ông Vũ Anh Minh cho biết.

Mục tiêu thành lập VASCO là gì?

Theo số liệu của VASCO, tổng doanh thu trong giai đoạn 2010 – 2014 của doanh nghiệp này đạt 1.510 tỷ đồng, với mức tăng trưởng bình quân/năm 19,2%. Lợi nhuận đạt 123,5 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân/năm đạt 61,8%. Nộp ngân sách Nhà nước 137 tỷ đồng.

Trong khi đó, trong đề án gửi lên Bộ Giao thông vận tải, Vietnam Airlines lại tính toán trong 3 năm vận hành tới (2016-2018) của VASCO: Hiệu quả kinh tế (thực chất là lợi nhuận) lại chỉ đạt 1,949 tỉ đồng, tính ra chưa được 650 triệu đồng/ năm, tức là bằng 1/38 con số trước khi cổ phần hóa và bằng 0,22% so với vốn điều lệ.

Từ con số trên đặt ra vấn đề phải chăng thành lập hãng hàng không mới VASCO của Vietnam Airlines không chỉ vì lợi nhuận kinh doanh. Bởi khi chuyển đổi thành công ty cổ phần, mục tiêu kinh doanh khiêm tốn thấp hơn giai đoạn trước.

Ông Vũ Anh Minh - Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp - Bộ Giao thông vận tải, ảnh: H.Lực.
Ông Vũ Anh Minh - Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp - Bộ Giao thông vận tải, ảnh: H.Lực.

Trước vấn đề này, theo ông Vũ Anh Minh con số thống kê không phải cấp số học không thể so sánh và đưa ra kết luận được.

“Trước đây VASCO với tư cách đơn vị phụ thuộc, công ty con của Vietnam Airlines và chịu sự điều hành trực tiếp của công ty mẹ. Nhưng thành lập công ty cổ phần lúc này, Vietnam Airlines chỉ cử người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại VASCO. Hãng hàng không mới VASCO là công ty cổ phần có tư cách pháp nhân độc lập và cổ đông chịu trách nhiệm vốn góp tại công ty cổ phần đó”, ông Minh phân tích.

Theo ông Minh, ở hai tư cách hoàn toàn khác nhau, việc so sánh rất khó nếu chỉ dựa vào số học thống kê.

“Một con số đưa ra khi VASCO vẫn phụ thuộc, Vietnam Airlines chỉ đạo trực tiếp hạch toán không đầy đủ, toàn bộ bộ máy, cơ sở vật chất dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Vietnam Airlines sẽ khác khi thành lập công ty cổ phần với tư cách pháp nhân độc lập. Hơn nữa kế hoạch đưa ra cũng theo từng giai đoạn phát triển cụ thể. So sánh như vậy rất khó vì thời điểm, mô hình hoạt động VASCO khác nhau hoàn toàn”, ông Minh nói.

Ông Minh cho rằng khi trở thành công ty cổ phần với tư cách pháp nhân độc lập, ngoài thực hiện các chuyến bay, VASCO sẽ có thể thực hiện các dịch vụ khác, đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau một cách chủ động, độc lập hơn. 

“Tuy nhiên, cái hôm nay chúng ta nói chỉ dựa trên những điều kiện cơ sở hiện có cùng với định hướng để xây dựng chiến lược còn việc phát triển tùy thuộc vào nhiều yếu tố không chỉ đơn thuần chúng ta nhận định tốt hay không tốt nằm trong thì tương lai”, ông Minh cho biết thêm.

Ở góc độ khác TS. Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, theo nguyên tắc cổ đông nào nắm cổ phần lớn hơn thì có quyền quyết định cao hơn trong hội đồng quản trị.

Ở nước ta, tách các công ty con ra khỏi tổng công ty, tập đoàn dưới hình thức công ty cổ phần để cạnh tranh, đa dạng thị trường là phù hợp.

Trong trường hợp của VASCO, mối quan hệ của Vietnam Airlines với VASCO trước đây là công ty con giữ vai trò điều hành còn hiện nay ở vị trí cổ đông lớn nhất, dù Vietnam Airlines có tiếng nói cao nhất nhưng không phải duy nhất. 

“Khi tách VASCO ra với tư cách pháp nhân độc lập có khi chính VASCO sẽ cạnh tranh với Vietnam Airlines và các hãng hàng không khác. Quan hệ giữa Vietnam Airlines và VASCO chỉ là cổ đông với vốn sở hữu lớn nhất, khi có nhiều vốn hơn vai trò trong hội đồng quản trị sẽ lớn hơn”, TS. Kiêm cho biết

Tuy nhiên, theo TS. Cao Sỹ Kiêm dù tiếng nói của Vietnam Airlines trong VASCO lớn nhưng không phải vì thế có thể điều hành chiến lược của VASCO theo hướng có lợi cho Vietnam Airlines.

Dù cổ đông lớn hay nhỏ thì những nghị quyết của Hội đồng quản trị nhằm phát triển doanh nghiệp đều dựa trên sự biểu quyết, nhất trí cao của hội đồng quản trị, cái gì nhất trí 100% mới làm, 70% nhất trí thì không làm không thể áp đặt.

“Quyết định đúng doanh nghiệp phát triển thì lợi nhuận thu về cao thì Vietnam Airlines hưởng cao hơn tương tự nếu VASCO thua lỗ tất nhiên Vietnam Airlines chịu thiệt hại lớn hơn”, ông Kiêm nhận định.

Mai Anh