Kinh tế tư nhân góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng

29/01/2020 06:09
Ngọc Quang
(GDVN) - Việc gỡ bở mọi rào cản thể chế để phát triển mạnh kinh tế tư nhân là một trong những hướng đi quan trọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng

Kết thúc năm 2019, GDP Việt Nam tăng trưởng 7,2%. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp cả nước hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nhận định, với những kết quả tích cực đạt được trong cả năm 2018 và 2019 cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, đất nước không ngừng đổi mới và phát triển, đời sống người dân không ngừng cải thiện.

Đáng chú ý, dự trữ ngoại hối đạt khoảng 73 tỷ USD. Hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng hạng từ BB- lên BB với triển vọng “tích cực”. Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực; tỷ lệ nợ xấu nội bảng còn 1,91% bảo đảm an toàn hệ thống - đây là thông tin hết sức quan trọng cho nền kinh tế thời gian tới.

Tổng thu ngân sách nhà nước vượt 3,3% dự toán và là năm thứ hai liên tiếp thu ngân sách trung ương vượt dự toán. Các chỉ tiêu tổng thu, huy động vào ngân sách, thu nội địa... đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm.

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang tạo ra những sản phẩm chất lượng vượt trội có khả năng cạnh tranh trên toàn cầu.
Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang tạo ra những sản phẩm chất lượng vượt trội có khả năng cạnh tranh trên toàn cầu. 

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cũng chỉ ra một loạt những thông tin quan trọng cho thấy tương lai phát triển của kinh tế Việt Nam, đó là:

Việt Nam xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018;

Năng lực cạnh tranh của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018;

Chỉ số năng lực cạnh tranh ngành du lịch cũng tăng 2 bậc so với năm trước;

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam tăng 3 bậc, xếp thứ 42/129 quốc gia, vùng lãnh thổ;

Đứng thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và thứ 3 trong ASEAN.

Động lực nào cho kinh tế Việt Nam 2020?
Động lực nào cho kinh tế Việt Nam 2020?

Chỉ số xếp hạng về an toàn thông tin mạng của Việt Nam tăng 50 bậc, xếp thứ 50/175 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Theo báo cáo môi trường kinh doanh – Doing business 2020 (DB 2020) toàn cầu vừa được Ngân hàng Thế giới công bố, chỉ số nộp thuế (Paying Taxes) đã tăng 22 bậc, đưa Việt Nam từ vị trí thứ 131 lên xếp thứ 109 trong tổng số 190 quốc gia được đánh giá.

Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc, đến cuối năm 2019 ước có khoảng 53 - 54% số xã và 110 huyện đạt chuẩn, hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm. Năng suất lao động tăng 5,9%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 42,7%.

"Mô hình tăng trưởng chuyển dịch tích cực, giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng và tăng tín dụng; đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng tăng. Đặc biệt, các doanh nghiệp tư nhân nói riêng, khu vực kinh tế tư nhân nói chung, ngày càng trở thành động lực mới, giữ vai trò quan trọng của nền kinh tế", ông Phong khẳng định.

Phát triển du lịch là một trong những hướng đi quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cho kinh tế đất nước. Trong ảnh là InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, khu du lịch liên tiếp được trao tặng những giải thưởng quốc tế danh giá.
Phát triển du lịch là một trong những hướng đi quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cho kinh tế đất nước. Trong ảnh là InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, khu du lịch liên tiếp được trao tặng những giải thưởng quốc tế danh giá.

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước năm 2019 tiếp tục tăng lên và chiếm tới 45,3% tổng vốn đầu tư xã hội (so với mức 43,3 % tổng đầu tư xã hội năm 2018, tăng 18,5% so với năm 2017) và góp phần quan trọng đưa tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cả năm 2019 ước khoảng 33,8% GDP (năm 2018 bằng 33,5% GDP).

Các doanh nghiệp tư nhân cũng là kênh tạo việc làm chủ yếu trong hơn 1,62 triệu việc làm mới trong năm 2019; và góp phần giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều thêm  1 - 1,5% (còn khoảng 3,73 - 4,23%); trong đó các huyện nghèo giảm trên 4%; đưa Việt Nam đứng thứ 62/119, tăng 2 bậc so 2018 trong bảng xếp hạng toàn cầu về Chỉ số đói nghèo toàn cầu (GHI) 2019.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động tiếp tục được cải thiện; ước cả năm có khoảng 134 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và khoảng 40 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng năm 2019 lên 163,6 nghìn doanh nghiệp; trong đó, 36,9 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 15,7% và 126,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 4,5%) với tổng số vốn 1.574 nghìn tỷ đồng (tăng 27,5%) và vốn đăng ký bình quân đạt 12,4 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 22%. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 11 tháng năm 2019 là 3.675,7 nghìn tỷ đồng.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh, dứng thứ ba khu vực ASEAN. Cả nước có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Về tổng thể, cả nước hiện có khoảng gần 21,2 nghìn hợp tác xã, 61 liên hiệp hợp tác xã, với 13 nghìn hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thu hút 6,4 triệu thành viên tham gia.

Cộng đồng kinh tế tư nhân hiện có hơn 700 nghìn doanh nghiệp, với với 96% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, 2% doanh nghiệp quy mô vừa và 2% doanh nghiệp lớn, cùng một số công ty tư nhân, công ty cổ phần lớn, có thương hiệu mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế và chỉ được sử dụng chưa đến 30% diện tích đất kinh doanh cả nước, nhưng hiện chiếm trên 51% lực lượng lao động cả nước, đóng góp hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 30% ngân sách nhà nước.

Trong nhóm các doanh nghiệp tư nhân dẫn đầu tạo ra giá trị sản phẩm vượt trội và tạo ảnh hưởng tích cực phải kể tới Vingroup, Sungroup, Vietjet...

Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp theo mục tiêu Nghị quyết số 10/NQ-TƯ ngày 3/6/2017 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII... Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII nhấn mạnh “tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”; “Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”…

Trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi của môi trường thế giới tiếp tục có nhiều khó khăn và bất trắc khó lường, song với nội lực và bản lĩnh, kinh nghiệm đã có, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tiếp tục đà phát triển và nhận được những xung lực tích cực mới từ nỗ lực đổi mới sáng tạo, sự cải thiện tốt hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường cải cách hành chính, cải cách tư pháp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... đang và sẽ tiếp tục diễn ra với quy mô rộng và sâu hơn trên cả nước… theo tinh thần mà Chính phủ đề ra: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”…

Tất cả nhằm tiếp tục tạo đột phá xoá bỏ mọi rào cản, định kiến trong nhận thức, tâm lý xã hội và quy định pháp lý; tạo mọi  thuận lợi, khuyến khích và hỗ trợ chuyển đổi hàng triệu hộ kinh doanh gia đình, trang trại và hợp tác xã thành các loại hình doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thích hợp; ngăn chặn "chủ nghĩa tư bản thân hữu", quan hệ "lợi ích nhóm", kiểm soát độc quyền kinh doanh khu vực tư nhân và sự thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời, tổ chức, tạo lập các chuỗi cung ứng liên kết dọc, ngang, sự tuân thủ pháp luật và nâng cao năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp, cũng như cả của cộng đồng doanh nghiệp;

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong chia sẻ: "Việc gỡ bở mọi rào cản thể chế để phát triển mạnh kinh tế tư nhân, bao gồm cả cộng đồng hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như hàng trăm, hàng ngàn các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, trên tinh thần vừa hợp tác liên kết chặt chẽ, vừa cạnh tranh bình đẳng theo nguyên tắc thị trường ngày càng đầy đủ sẽ là một động lực mới thực sự và là sự đảm bảo để Việt Nam vươn lên, trở thành một quốc gia thịnh vượng vào năm 2045, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước".

Ngọc Quang