Ngân hàng ACB: Đỉnh cao và vực sâu

15/04/2014 16:36
Hải Đường
(GDVN) - Ngày mai, bầu Kiên đứng trước vành móng ngựa. Nhưng, phiên tòa không chỉ dành riêng cho ông…

Từng có định hướng kinh doanh đúng đắn, có sự chỉ đạo, điều hành nhanh nhạy trong hoạt động, nhưng tham vọng và sức hút của đồng tiền đã khiến những người “cầm cương” lèo lái Ngân hàng Á Châu (ACB) sai lầm nối tiếp sai lầm, đưa ACB tiến gần hơn tới vực sâu…

Những vinh quang

Thành lập năm 1993, trải qua hơn 20 năm hoạt động, không thể phủ nhận ACB đã từng tạo lập được chỗ đứng khá vững chắc trong lòng khách hàng, đặc biệt là đối với khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong bối cảnh kinh tế xã hội Việt Nam những năm 1990, việc xác định “Ngân hàng bán lẻ với khách hàng mục tiêu là cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ” là một định hướng còn rất mới mẻ đối với các ngân hàng Việt Nam.

Tầm nhìn đúng và trúng ấy của ACB là tiền đề để ngân hàng này dần khẳng định được vị trí dẫn đầu trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam ở lĩnh vực bán lẻ. Ngay từ khi ấy, Ban lãnh đạo ACB cũng đã bắt đầu thiết lập nguyên tắc kinh doanh: “Quản lý sự phát triển của doanh nghiệp an toàn, hiệu quả”, với quan điểm đặc biệt thận trọng trong việc cấp tín dụng.

Cùng với những bước chuẩn bị từ năm 1997, năm 2000-2004, Ban lãnh đạo ACB đã quyết định tiến hành tái cấu trúc ngân hàng, với việc thay đổi cơ cấu tổ chức, đảm bảo tính xuyên suốt trong toàn hệ thống, coi đây như một bộ phận của chiến lược phát triển trong nửa đầu thập niên 2000. Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, công tác quản trị điều hành và công tác quản trị nhân lực cũng được ACB đánh giá là trọng tâm phát triển.

Trong định hướng chiến lược phát triển giai đoạn 2011 – 2015 và tầm nhìn 2020, ACB nhấn mạnh tới chương trình chuyển đổi hệ thống quản trị điều hành phù hợp với các quy định pháp luật Việt Nam và hướng đến áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất.

ACB luôn đạt mức tăng trưởng cao với khả năng sinh lời được thể hiện qua chỉ tiêu lợi nhuận/vốn chủ sở hữu luôn đạt trên 30%, năm 2006 là 46,8%, năm 2007 lên tới 53,8% (ngoại trừ năm 2010 là 28,9%). Tổng tài sản của ACB cũng tăng từ 2006 đến 2011 gấp hơn 6 lần (từ 44.347 tỷ lên 281.019 tỷ).

Bắt đầu từ năm 2011, ACB cũng xây mới và nâng cao năng lực quản trị điều hành trong các lĩnh vực đặc biệt quan trọng là quản trị rủi ro, quản trị tài chính và quản trị nguồn nhân lực. Cụ thể: Phân định rõ vai trò và trách nhiệm, cơ chế ra quyết định của các cơ quan lãnh đạo của ACB; Tăng cường năng lực chỉ đạo của HĐQT; Tăng cường trách nhiệm và thẩm quyền điều hành hoạt động kinh doanh của TGĐ; Tăng cường vai trò độc lập của Ban Kiểm soát, nâng cao năng lực Ban kiểm toán nội bộ và Xây dựng khung quản lý rủi ro tích hợp.

ACB cũng một thời từng tự hào được đón nhận nhiều giải thưởng như “Ngân hàng tốt nhất Việt Nam 4 năm liên tiếp 2009, 2010, 2011, 2012” do các tạp chí: Euromoney, Global Finance, AsiaMoney, FinanceAsia, The Asset, World Finance bình chọn; “Ngân hàng vững mạnh nhất Việt Nam năm 2010” và giải thưởng “Lãnh đạo Ngân hàng Xuất sắc nhất Việt Nam năm 2010” cho Tổng Giám đốc Lý Xuân Hải do tạp chí The Asian Banker trao tặng...

Xây mới khó, phá thì dễ. Ảnh chỉ mang tính minh họa
Xây mới khó, phá thì dễ. Ảnh chỉ mang tính minh họa

Những nghi ngờ

Ông Lý Xuân Hải, năm 2009 là Tổng Giám đốc ACB khẳng định chiến lược mang tính dấu ấn: “Những con người cụ thể như Trần Mộng Hùng, Nguyễn Đức Kiên, Phạm Trung Cang,… đều là những con người có cá tính, họ là xương sống tạo nên sự thành công của ngân hàng, họ giúp cho ACB không “dính” một sự cố nào kể từ khi thành lập, họ là người tạo nên văn hóa và cá tính của ACB”.

Dư luận có lẽ sẽ không đem ra mổ xẻ những điều này của ông Hải nhưng… sự thật thì mất lòng, sự kiện “bầu” Kiên bị bắt đã gây chấn động mạnh mẽ thị trường tài chính Việt Nam. Sóng gió chưa dừng ở đó, ngay sau 3 ngày ông Kiên bị bắt, như một hệ quả, ông Lý Xuân Hải – nguyên Tổng Giám đốc ACB cũng bị bắt giam.

Tiếp đến, hơn một tháng sau, nguyên Chủ tịch HĐQT Trần Xuân Giá và 3 nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB lần lượt từ nhiệm và bị khởi tố. Việc khẳng định các thành viên sáng lập ra ACB giúp cho ACB không “dính” một sự cố nào của ông Hải đã không thể thành hiện thực.

Lật lại lịch sử ACB, nếu như kinh doanh vàng một thời đã khiến ACB thu được số lãi không nhỏ thì việc tất toán đóng trạng thái vàng theo khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước đã làm các nhà đầu tư của ACB một phen “đau tim” khi nghe ACB công bố số tiền thua lỗ từ kinh doanh vàng là hơn 1.700 tỷ đồng.

Đối với riêng ông Nguyễn Đức Kiên, thật không ngoa khi nói rằng việc lỗ trăm tỷ vì vàng là phi vụ đau đớn nhất của ông “bầu” này. Ngoài chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB (một chức danh mà Ngân hàng Nhà nước không công nhận) thì ông còn là Chủ tịch HĐQT/HĐ thành viên của 6 công ty con khác.

Các công ty này dù không có đăng ký kinh doanh tài chính nhưng vẫn được ông Kiên chỉ đạo kinh doanh cổ phần, cổ phiếu, đặc biệt là vàng. Trong đó, phải kể tới Công ty Cổ phần Phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam, được ông Kiên chỉ đạo ký hợp đồng với Ngân hàng ACB để kinh doanh vàng trạng thái trên tài khoản ở nước ngoài và trong nước.

Kết quả, Công ty Thiên Nam bị lỗ tổng số tiền là hơn 433 tỷ đồng. Số tiền này, ngân hàng ACB cho Công ty Thiên Nam nhận nợ đến năm 2015.

Có lẽ lại phải nói thêm những cái “đặc biệt khác” của ông Kiên để thấy mức độ ảnh hưởng của ông, ông thuộc hàng đại gia giàu nứt khố đổ vách, ngoài việc đứng tên trong HĐQT/Hội đồng thành viên của 6 công ty, ông còn là người cho ra đời CLB bóng đá Hà Nội với cả tá ngôi sao, lập ra VPF sau khi “đánh” VFF tơi bời, đấu tay đôi với AVG về bản quyền truyền hình, ngoài số cổ phiếu “khổng lồ “ tại ACB, ông còn nắm giữ “vô thiên lủng” cổ phiếu tại một số ngân hàng khác….

Lại nữa, quan điểm “đặc biệt thận trọng trong việc cấp tín dụng” như ACB tuyên bố đã không được thể hiện khi những sai phạm trong hoạt động cho vay hỗ trợ lãi suất năm 2011 tại ACB được Thanh tra Chính phủ kết luận là trên 22 tỷ đồng. 83/111 hồ sơ cho vay được xác định là có khuyết điểm, sai phạm do phương án vay vốn không phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh tương ứng với những khoản vay, việc thẩm định cho vay không đủ căn cứ để xác định thời hạn sử dụng vốn vay phù hợp với thực tế hoạt động kinh doanh.

ACB đã không thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra tình hình kinh doanh của khách hàng dẫn đến việc hỗ trợ lãi suất không phù hợp với nhu cầu thực tế vay vốn lưu động trong hoạt động kinh doanh của khách hàng. 14/83 doanh nghiệp được vay vốn lớn hơn nhu cầu thực tế đã sử dụng vốn vay để gửi tiết kiệm, gửi có kỳ hạn, hưởng lãi trong thời gian được hưởng tiền hỗ trợ lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước.

Có tình trạng đó là do ACB chưa tuân thủ các quy định về Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng với khách hàng. Trách nhiệm thuộc về HĐQT, Ban điều hành ACB trong việc quản lý, điều hành hệ thống để xảy ra những khuyết điểm, sai phạm đã nêu.

Còn nhớ, đầu năm 2010, ông Lý Xuân Hải đã “dõng dạc” mà rằng: “Thành công của ACB là thành công của một định chế biết xây dựng một chiến lược kinh doanh rõ ràng, luôn bám sát và tuân thủ tuyệt đối triết lý kinh doanh là tăng trưởng bền vững. Quản lý rủi ro hiệu quả, duy trì khả năng sinh lợi cao và chỉ số tài chính tốt. Đầu tư chiều sâu vào con người và xây dựng văn hóa công ty lành mạnh, biết nắm bắt và vận dụng được các cơ hội tạo ra dựa trên chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước trong quá trình hội nhập thể hiện năng lực và tiềm năng cạnh tranh cao”.

Thế nhưng, vào những ngày tháng 4/2014 này, với “đại án” bầu Kiên, dư luận không thể không đặt ra câu hỏi về “chiến thuật kinh doanh” đã giúp ACB “rinh” về những giải thưởng này? “Chiến thuật” ấy một thời đã là bệ phóng đưa ngân hàng này vươn tới những đỉnh cao vinh quang. Còn cho tới hôm nay, những sai phạm của hệ thống quản trị, điều hành, và chính những “chiến thuật” này đã đẩy ACB đi tới bi kịch.

(Còn nữa…)

Hải Đường