Theo kế hoạch từ TAND TP Hà Nội, phiên tòa xét xử ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) cùng các đồng phạm dự kiến bắt đầu vào ngày mai 16/4 và sẽ tuyên án sau 14 ngày.
Nhiều luật sư dự đoán, trong phiên xét xử bầu Kiên và các đồng phạm, Huỳnh Thị Huyền Như có thể được triệu tập đến để làm rõ một số vấn đề liên quan |
Ông Kiên bị bắt hồi tháng 8 năm 2012 vì tội “Kinh doanh trái phép”.
Tuy nhiên trong năm 2013, ông bị truy tố thêm các tội danh “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Trốn thuế”.
Theo đánh giá của nhiều luật sư, mức án cao nhất của khung hình phạt mà ông Kiên có thể phải nhận là chung thân, nếu bị kết tội.
Hồi cuối năm ngoái, Trưởng Ban nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh đã thông báo vụ án Bầu Kiên sẽ đưa ra xét xử trước Tết Âm lịch.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 1, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội lại quyết định trả hồ sơ vụ án do có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, đề nghị điều tra bổ sung ông Phạm Trung Cang, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB và ông Huỳnh Quang Tuấn, nguyên thành viên thường trực HĐQT ACB.
Cả hai người này bị truy tố hình sự về chủ trương ủy thác trái quy định, gây thất thoát cho ACB, quyết định tống đạt của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cho biết.
Với diễn biến này, số bị can trong vụ án tại Ngân hàng ACB hiện nay lên đến chín người, trong đó có ông Trần Xuân Giá, một cựu ủy viên Trung ương Đảng từng làm chủ tịch ACB, bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng bị truy tố về tội này còn có các ông Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, đều nguyên Phó Chủ tịch Ngân hàng ACB; Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB.
Hai người còn lại, Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội, và Nguyễn Thị Hải Yến, Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội bị truy tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Ngoài bầu Kiên và các bị cáo khác, đây còn là vụ án có sự tham gia của các luật sư, nguyên đơn dân dự, bị đơn dân sự, tổ chức và cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người giám định, người làm chứng, người bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của đương sự đông đảo nhất nhì từ trước đến nay.
Trong số các tổ chức có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, có tên các tổ chức tín dụng: Ngân hàng TMCP Phương Nam; Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín; Ngân hàng TMCP Đại Á (đã sáp nhập với HDBank – NV); Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TPHCM (HDBank); Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Eximbank; Ngân hàng TMCP Kiên Long...
Ngoài những người tham gia tố tụng, TAND TP Hà Nội mời đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Tổng cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM tham dự phiên tòa.