Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất, DN có được hưởng lợi?

18/03/2014 13:37
Hoàng Lực
(GDVN) - Tính từ năm 2011, NHNN đã nhiều lần điểu chỉnh trần lãi suất, tuy nhiên nghịch lý ở chỗ trần lãi suất giảm nhưng tín dụng không tăng...

Hôm nay (18/3/2014), Ngân hàng Nhà nước chính thức thực hiện hạ lãi suất huy động. Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,2%/năm xuống 1%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng xuống còn 6%/năm so với mức 7%/năm hiện nay.

Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng tại Quỹ Tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 7,5%/năm xuống 6,5%/năm. Còn lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Hạ trần lãi xuất kể từ 18/3/2014
Hạ trần lãi xuất kể từ 18/3/2014

Cùng với đó, lãi suất tái cấp vốn cũng được hạ xuống mức 6,5%/năm so với mức 7%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 5%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thánh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàngtừ 8%/năm xuống 7,5%/năm.

Bên cạnh đó, lãi suất huy động ngoại tệ USD cũng giảm xuống mức 1%/năm, thay vì mức 1,25%/năm hiện nay.

Song song với việc cắt giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa.. cũng được NHNN điều chỉnh giảm 1%, từ 9%/năm xuống 8%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ Tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 10%/năm xuống 9%/năm.

Tính từ năm 2011 đến nay, kể cả lần điều chỉnh trần lãi suất mới Ngân hàng Nhà nước đã 9 lần hạ trần lãi suất huy động. Nhưng nghịch lý nằm ở chỗ trần lãi suất giảm nhưng tín dụng không tăng.

Từ thực tế này nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ trần lãi suất. Việc bỏ trần lãi suất sẽ giúp định giá tiền tệ tốt hơn. Nhờ vậy, đây sẽ là cơ hội để các ngân hàng lớn được quản lý tốt có thể huy động thêm tiền gửi. Điều này có thể đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu trong hệ thống ngân hàng.

Xung quanh tác động của việc giảm lãi suất cũng như nên hay không nên bỏ trần lãi suất lúc này, TS Lê Đăng Doanh - nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (Central Institute for Economic Management – CIEM) cho rằng: Cấn đề lãi suất dự kiến giảm xuống 6%/năm là nỗ lực lớn đáng hoan nghênh của NHNN.

“So với mức lãi suất 21% cách đây không lâu thì đây là mức lãi suất mới này là động thái rất tích cực. Nhưng so với mức lãi suất bình quân của các nước Đông Nam Á, Trung Quốc là 2,2% -2,3% thì lãi suất của ta vẫn ở mức cao”, TS Lê Đăng Doanh nhận xét. 

Bên cạnh đó, mặc dù lãi suất giảm nhưng tín dụng lại không tăng, là nghịch lý thực tế mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt và giải quyết. Nhìn vào tổng mức tín dụng 2013, tăng chủ yếu do một số ngân hàng lớn cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước vay các gói vay lớn. 

“Do vậy để khơi thông nguồn tín dụng hiện nay, bên cạnh hạ trần lãi suất phải giải quyết được vấn đề nợ xấu, tìm cách phân loại nợ xấu và khoanh nợ xấu. Đồng thời tổ chức thực hiện tín chấp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được vay nếu như họ có kế hoạch sản xuất kinh doanh chính đáng”, TS Lê Đăng Doanh nhận định.

Phân tích về việc giảm lãi suất, TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, hiện nay lãi suất của VN vẫn gấp đôi lãi suất trung bình trên thế giới, trong khi sản xuất của chúng ta đang đình trệ, phá sản tăng lên, khả năng tiếp cận vốn khó, lạm phát mức cao hơn thế giới. Cùng với đó các doanh nghiệp cũng chưa tiếp cận được đồng vốn do sức mua giảm vì vậy sản xuất kinh doanh chưa ổn định được.

Ở khía cạnh khác, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng việc NHNN hạ lãi suất lúc này sẽ giúp cho doanh nghiệp bớt khó khăn nhưng quan trọng doanh nghiệp có tiếp cận được nguồn vốn hay không lại là câu chuyện khác.

“Trước đến nay doanh nghiệp Việt Nam phải chịu mức lãi suất quá cao, hiện nay lãi suất ở mức 6% là mức thấp so với trước đây tuy nhiên nếu so với thế giới và khu vực mức lãi suất này vẫn khiến doanh nghiệp gặp khó khăn vì không phải doanh nghiệp nào cũng đủ sức gánh”, chuyên gia Bùi Kiến Thành nhận định.

Theo ông Thành, cùng với giảm lãi suất quan trọng phải giải quyết được 3 vấn đề chính: Thứ nhất doanh nghiệp đi vay phải có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể; Thứ hai ngân hàng phải có năng lực xem xét dự án, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp; Thứ ba tổ chức tín dụng phải năng động trong hoạt động cho vay giúp doanh nghiệp như có những dịch vụ hỗ trợ, gói hỗ trợ nhỏ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiếp cận vốn.

Trước câu hỏi có nên bỏ trần lãi suất lúc này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết, thời điểm này chưa thích hợp. Hiện nay hệ thống ngân hàng đưa vào kỷ luật chưa xong, nếu bỏ trần lãi suất sẽ dẫn đến việc ngân hàng chạy đua lại suất, nâng lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Khi lãi suất quá cao không thu hồi được vốn dẫn đến nợ xấu ảnh hưởng đến toàn hệ thống.

 
Hoàng Lực