Nguy cơ mất trắng tiền tỷ, BIDV Quảng Trị vẫn khẳng định "không sai"

14/03/2014 10:33
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - Dù chưa có các giấy tờ đầy đủ nhưng BIDV Quảng Trị đã kí Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay với khách hàng, gây ra tranh chấp...

Ngày 12/3, Báo Giáo dục Việt Nam đăng bài viết “Có dấu hiệu sai phạm, BIDV Quảng Trị nguy cơ mất trắng tiền tỉ”.

Theo đó, ngày 22/4/2009, Công ty TNHH TM Đăng Quang (Hà Nội) có bán cho Công ty TNHH TM Thanh Bình (Quảng Trị) 01 chiếc xe ô tô 08 chỗ (xe nhập khẩu) hiệu TOYOTA PRADO với giá 77.000 USD. Tuy nhiên do không đủ tiền để trả hết một lần, Công ty Thanh Bình đến BIDV Quảng Trị để vay và tài sản thế chấp là Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô trên.

Ngày 14/5/2009, sau khi xác minh, thẩm định, BIDV Quảng Trị đã quyết định cho vay và xác lập Hợp đồng tín dụng trung hạn thỏa thuận cho Công ty Thanh Bình vay với số tiền 1.100 triệu đồng (đã giải ngân 895 triệu đồng, chiếm 46% tổng mức đầu tư) để đầu tư mua xe ô tô PRADO. Tuy nhiên, đến kỳ trả nợ, Công ty Thanh Bình không có khả năng chi trả. Do đóngày 14/04/2011, BIDV Quảng Trị đã gửi đơn kiện ra Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị nhằm yêu cầu Công ty Thanh Bình phải hoàn trả số nợ và tiền lãi trên cho BIDV Quảng Trị.

Nếu Công ty Thanh Bình không trả nợ, BIDV sẽ yêu cầu thi hành án phát mãi tài sản thế chấp để thu hồi nợ là xe ô tô PRADO.

Nhưng sự việc không đơn giản như vậy. Theo biên bản đối chiếu công nợ giữa Công ty Đăng Quang (bên bán xe) và Công ty Thanh Bình (bên mua xe) thì đến ngày 13/1/2012, phía Thanh Bình còn nợ tiền mua xe của công ty Đăng Quang tính cả gốc lẫn lãi là 40.000 USD (khoảng hơn 800 triệu đồng). Vì chưa trả hết tiền nên đến hiện tại, Công ty Đăng Quang vẫn đang giữ Bản chính tờ khai nguồn gốc và Giấy chứng nhận chất lượng xe ô tô TOYOTA LANDCURUISER PRADO GX… mà Công ty Thanh Bình trước đó đã mua.

Trong đối chiếu công nợ, hai bên đã thống nhất, sau khi Công ty Thanh Bình thanh toán hết số nợ cả gốc lẫn lãi (40.000 USD), Đăng Quang sẽ giao hai loại giấy tờ nguồn gốc và giấy chứng nhận chất lượng trên cho Công ty Thanh Bình. Nếu quá ngày 15/4/2012, Công ty Thanh Bình không thanh toán hết số nợ này thì Đăng Quang sẽ thu hồi tài sản đã bán.

Như vậy, một chiếc ô tô nhưng hiện tại có hai đơn vị nhận là tài sản của mình, một là BIDV Quảng Trị và hai là Công ty Đăng Quang. Rắc rối nảy sinh từ đó.

Biên bản đối chiếu công nợ giữa Công ty Đăng Quang và Công ty Thanh Bình (Tờ 1)
Biên bản đối chiếu công nợ giữa Công ty Đăng Quang và Công ty Thanh Bình (Tờ 1)
Tờ 2
Tờ 2

Trước thông tin được Báo Giáo dục Việt Nam phản ánh, ngày 13/3 BIDV Quảng Trị đã có công văn phúc đáp tòa soạn. Theo đó, BIDV Quảng Trị cho rằng thông tin trong bài viết không chính xác, bình luận phiến diện làm ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị.

Công văn phúc đáp của BIDV Quảng Trị khá dài và chi tiết. Tuy nhiên, “chốt” lại sự việc thì đơn vị này cho rằng đã làm rất đúng quy trình, do đó việc PV phản ánh tài sản ngân hàng nhận thế chấp có thể mất trắng là không có căn cứ.

Tuy nhiên, hồ sơ thể hiện rõ "vì cho rằng đã làm đúng quy trình thẩm định", nên theo Biên bản đối chiếu công nợ giữa công ty Thanh Bình và công ty Đăng Quang, chiếc xe ô tô 08 chỗ TOYOTA PRADO mà Đăng Quang bán cho Thanh Bình theo hợp đồng mua bán xe số 08/04 HĐKT/XNK – TL/08 ngày 22/4/2009 có giá 77.000 USD (Bảy mươi bảy nghìn đô la Mỹ). Thời điểm đó, tỷ giá tiền Việt là 18.400 VNĐ/USD. Quy đổi ra tiền Việt Nam, giá trị của chiếc xe này là khoảng 1,4 tỷ đồng (đã làm tròn số)

Nhưng khi nhận thế chấp, sau quá trình thẩm định, BIDV Quảng Trị đã định giá của chiếc xe trên là 1.950 triệu đồng (1,950 tỷ đồng).

Vì sao giá của của chiếc chỉ có 1,4 tỉ nhưng BIDV Quảng Trị lại định giá đội lên những trên 500 triệu đồng? Câu hỏi này xin được nhường lại cho ông GĐ BIDV Quảng Trị.

Vấn đề thứ hai, Công ty Thanh Bình đem chiếc xe đi thế chấp cho BIDV Quảng Trị để lấy tiền từ 14/5/2009 nhưng điều lạ là đến ngày 24/7/2009, Công ty Thanh Bình mới đem chiếc ô tô đi đăng ký.

Chưa dừng lại ở đó, sau khi đã đăng ký, đến ngày 18/6/2012, theo đề nghị của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị, Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định thu hồi chứng nhận đăng ký, biển số xe ô tô 74K 8321 của Công ty Thanh Bình.

Như vậy, ngay cả phía công an cũng đang thừa nhận tài sản đó chưa xác lập được chủ sở hữu. Chứng tỏ, ngay tại thời điểm ký chấp nhận thế chấp, BIDV Quảng Trị cũng chưa xác lập được tài sản này (chiếc ô tô) là của ai. Vậy không hiểu BIDV Quảng Trị đã thẩm định như thế nào và căn cứ vào điều gì để giải ngân 895 triệu đồng cho Công ty Thanh Bình?

Chiếc xe ô tô hiện đã bị thu biển số, đăng ký và đang nằm ở Cục thi hành án của tỉnh Quảng Trị, giấy tờ gốc gồm đăng kiểm và tờ khai nguồn gốc nhập khẩu thì Công ty Đăng Quang (bên bán xe) đang cầm. Còn BIDV Quảng Trị chỉ giữ bản gốc Giấy đăng ký xe.

Nếu BIDV cho rằng, một phần chiếc xe ô tô là tài sản của mình và có quyền yêu cầu thi hành án phát mại để thu hồi vốn. Vậy còn Công ty Đăng Quang sẽ ra sao?

Dĩ nhiên vụ việc không chỉ dừng lại ở đó, BIDV Quảng Trị sau khi ký hợp đồng nhận thế chấp đã chuyển tiền cho Công ty Đăng Quang (bên bán xe) hay cho Công ty Thanh Bình (bên mua xe)? Ngoài ra, theo BIDV Quảng Trị, đơn vị này đã chuyển cho bên bán là Công ty Đăng Quang 895 triệu đồng, cộng với số tiền gốc là 645 triệu đồng mà trước đó Công ty Thanh Bình đã chuyển cho Đăng Quang thì tại sao công ty Thanh Bình vẫn chưa lấy được đầy đủ giấy tờ xe? Trong khi chiếc xe trên có giá 77.000 USD? Việc này sẽ được Báo Giáo dục Việt Nam đề cập trong những bài tiếp…

VIẾT CƯỜNG