"Nguyên TGĐ Dong A Bank cúi đầu xin lỗi, nhiều người suy nghĩ"

25/08/2015 07:49
Võ Văn Quang
(GDVN) - "Biết xin lỗi thể hiện con người có học, có văn hóa cao vì thế xin lỗi không chỉ là hành động mà nó nâng lên tầm văn hóa của một con người".

Trong bức tâm thư viết tay gửi đến cổ đông, khách hàng và nhân viên sau khi bị miễn nhiệm chức vụ, ông Trần Phương Bình - nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á đã chân thành cúi đầu nhận lỗi. Ông Bình thừa nhận những sai lầm của lãnh đạo Ngân hàng Đông Á trong giai đoạn trước là nguyên nhân khiến ngân hàng gặp khó khăn như hiện nay.

Nhiều người cho rằng, lâu này ở vào vị thế như ông Trần Phương Bình (bị miễn nhiệm chức vụ vì sai phạm - PV), người ta vẫn thường vội chạy tội, đổ lỗi cho nhau… nên việc ông Bình viết thư tay xin lỗi khiến nhiều người suy nghĩ.

Tâm thư viết tay xin lỗi cổ đông, khách hàng và nhân viên của ông Trần Phương Bình. Ảnh Lệ Chi - VnExpress.
Tâm thư viết tay xin lỗi cổ đông, khách hàng và nhân viên của ông Trần Phương Bình. Ảnh Lệ Chi - VnExpress.

Bàn về câu chuyện văn hóa xin lỗi này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin được đăng tải bài viết của Chuyên gia Marketing thương hiệu Võ Văn Quang dưới đây:

"Vinh quang ai cũng muốn vơ lấy nhưng lỗi lầm ít ai dám nhận về mình vì vậy chuyện Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á sau khi bị miễn nhiệm chức vụ viết thư tay cúi đầu nhận lỗi khiến chúng ta phải suy nghĩ.

"Nguyên TGĐ Dong A Bank cúi đầu xin lỗi, nhiều người suy nghĩ" ảnh 2

Tổng giám đốc DongA Bank viết tâm thư cúi đầu nhận lỗi

Trong bối cảnh Ngân hàng Đông Á bị phát hiện nhiều sai phạm, lãnh đạo ngân hàng như ông Trần Phương Bình bị miễn nhiệm thì bức thư xin lỗi của ông Bình là điểm sáng thể hiện tầm văn hóa, đạo đức cao của một doanh nhân.

Người viết không có ý đề cao cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, nhưng đứng ở vị trí quan sát câu chuyện trên lại thấy nhiều điều đáng nghĩ. 

Hẳn dư luận còn nhớ, một trong những vụ việc thu hút sự quan tâm lớn của người dân năm 2012 – 2013 là việc bắt giữ và xét xử ông Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB. Từ khi bị bắt đến khi bị đưa ra xét xử, ông Kiên liên tục bác bỏ những tội danh bị cáo buộc.

Ở đây không nói đến cái đúng cái sai, tuy nhiên có lẽ dư luận chưa lần nào được thấy vị cựu lãnh đạo ngân hàng ACB lên tiếng xin lỗi, nhận lỗi về mình.

Gần đây nhất là sự cố liên tụcvỡ ống nước sông Đà, hàng triệu người dân thủ đô bị mất nước, gặp vô số khó khăn trong sinh hoạt. Trách nhiệm của các bên đã rõ nhưng dường như người dân chưa nhận được câu xin lỗi hay nhận trách nhiệm nào của các lãnh đạo, cơ quan chức năng liên quan.

Ngay cả Vinaconex, với vai trò là chủ đầu tư, cũng chỉ nhân cuộc họp giao ban của Hà Nội để xin lỗi.

Ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á người mới đây đã viết tâm thư bằng tay xin lỗi cổ đông, khách hàng và nhân viên.
Ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á người mới đây đã viết tâm thư bằng tay xin lỗi cổ đông, khách hàng và nhân viên.

Văn hóa xin lỗi thể hiện sự văn minh, thể hiện tinh thần dám nhận trách nhiệm của người đứng đầu, cho thấy sự hối lỗi. Bức tâm thư ông Trần Phương Bình viết không phải để “vạch áo cho người xem lưng”, để thể hiện cái tôi mà đó đại diện lãnh đạo Ngân hàng Đông Á đứng ra xin lỗi khách hàng, nhân viên và cổ đông của mình.

Ở đây muốn nói đến vai trò của người đứng đầu. Bàn về văn hóa xin lỗi, có lẽ chúng ta cần phải học người Nhật. Nhìn vào người Nhật, chúng ta mới nhận ra rằng đã từ rất lâu rồi chưa được nghe lời xin lỗi chân thành nào từ những người có trách nhiệm sau khi xảy ra sự cố. 

Người xưa có câu “mưu sự tại nhân – thành sự tại thiên”, làm bất cứ điều gì ai cũng muốn thành công, nhưng đôi khi có những sai lầm từ một hay nhiều cá nhân, từ khách quan mang lại khiến chúng ta thất bại, đổ vỡ phải trả giá. Hẳn nhiên không phải quyết định nào, chính sách cũng hoàn hảo nhưng thay vì nhận lỗi thì chúng ta lại có biện luận kiểu như “đường cong mềm mại”, “lỗi đánh máy” thay vì một lời xin lỗi.

Xin lỗi và nhận cái sai về mình có đáng xấu hổ bằng việc không ít công chức chỉ biết "sáng cắp ô đi chiều cắp ô về", ung dung hưởng lương dựa trên những báo cáo?

Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Xây dựng kinh tế thị trường không khó nhưng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mới điều khó. 

Cái khó là xây dựng nền kinh tế thị trường cạnh tranh, đảm bảo lợi nhuận nhưng không phải lợi nhuận bằng mọi giá. Thay vào đó phải điều tiết tham vọng, không tham lam biết dung hòa cái chung với cái riêng.

Biết xin lỗi thể hiện con người có học, có văn hóa cao vì thế xin lỗi không chỉ là hành động mà nó nâng lên tầm văn hóa của một con người".

Chuyên gia Thương hiệu Võ Văn Quang có trên 20 năm kinh nghiệm marketing quốc tế và tại Việt Nam. Là tác giá của 10 mô hình Brand Marketing như mô hình Marketing 7P, mô hình Phẫu hình ảnh Thương hiệu, đánh giá thương hiệu (audit)… ông từng được mời huấn luyện marketing chiến lược cho Ford Motor, LG, Mobifone, Vinaphone, Acecook và FPT…là tác giả của các thương hiệu mới và thương hiệu nâng cấp như Vinasun, Vinacafé, Diana, Đạm Cà Mau, Vissan, Vinamilk…
Võ Văn Quang